Luận bàn

5 bài học nhân sinh từ "Na Tra: Ma đồng náo hải": Hãy để cây mọc thành cây, hoa trở thành hoa

Thứ hai, ngày 24/02/2025 19:10 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Những bài học về cuộc sống sâu sắc cũng là yếu tố giúp Na Tra 2 trở thành bộ phim ăn khách nhất thế giới.

Bộ phim "Na Tra: Ma đồng náo hải" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh đỉnh cao mà còn chứa đựng nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Cùng nhìn lại hành trình của Na Tra và chiêm nghiệm 5 bài học cuộc sống được đúc kết từ bộ phim này.

"Na Tra: Ma đồng náo hải" (Na Tra 2) là phần tiếp theo của Na Tra: Ma đồng giáng thế (Na Tra 1). Bộ phim này ra mắt tại các rạp nội địa vào dịp Tết Nguyên đán 2025. Na Tra 2 đã tạo nên một cơn sốt chưa từng thấy tại thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

5 bài học nhân sinh từ "Na Tra: Ma đồng náo hải": Hãy để cây mọc thành cây, hoa trở thành hoa- Ảnh 1.

Na Tra 2 đã tạo nên một cơn sốt chưa từng thấy tại thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. (Ảnh: Sohu)

Còn nhớ trong phần đầu tiên "Na Tra: Ma đồng giáng thế", câu "Cuộc đời của tôi do tôi định không phải nghe trời. Là ma là tiên, tự tôi quyết định" của Na Tra đã làm bùng nổ cả mạng xã hội. Chỉ với câu nói này, có thể thấy bộ phim nắm bắt tâm lý của khán giả rất tốt. Không chỉ giúp họ thỏa mãn phần hình ảnh, nội dung, nhân vật… bộ phim hoạt hình Na Tra còn mang đến nhiều ý nghĩa khác cho khán giả.

Hãy cùng bàn về năm bài học cuộc sống được đúc rút từ bộ phim này.

5 bài học nhân sinh sâu sắc từ bộ phim hoạt hình Na Tra

1. Cuộc sống không thỏa hiệp mới thực sự rực rỡ

Nguyên mẫu của nhân vật Na Tra là từ Na La Cưu Bà, là 1 trong 5 vị Thái tử của vua Tì sa môn thiên được nhắc tới trong Phật giáo. Theo miêu tả, đây là một vị thần đẹp ngời ngời, chính nghĩa lẫm liệt nhưng dưới ngòi bút của đạo diễn Sủi Cảo lại trái ngược hẳn. Na Tra của Sủi Cảo không đẹp, 2 mắt thâm quầng và nổi bật nhất là khí chất không chịu khuất phục trước định kiến, không tuân theo cường quyền.

5 bài học nhân sinh từ "Na Tra: Ma đồng náo hải": Hãy để cây mọc thành cây, hoa trở thành hoa- Ảnh 2.

Tạo hình của Na Tra trong bộ phim hoạt hình của đạo diễn Sủi Cảo là một cậu bé có đôi mắt thâm quầng và tính cách ngông nghênh. (Ảnh: Sohu)

Tinh thần không thỏa hiệp này mới chính là cốt lõi thực sự của Na Tra.

Trong "Ma đồng giáng thế", Na Tra vẫn còn ở trong phạm vi nhỏ hẹp của Trần Đường Quan, được cha mẹ che chở, tuy chịu định kiến nhưng với lòng nhiệt huyết, cậu chẳng sợ gì cả. Đến "Ma đồng náo hải", Na Tra bước ra khỏi nơi sinh sống nhỏ bé, nhìn thấy thế giới rộng lớn, va vào bức tường phía Nam, mới biết sức lực của một người đôi khi có hạn.

Nếu là chúng ta, có lẽ đã sớm đầu hàng trước thế giới. Nhưng Na Tra thì khác, trong lòng cậu có một quyết tâm, muốn thử thay đổi thế giới, thay đổi vận mệnh. Điều này chẳng phải giống như những người trẻ tuổi sao? Mơ ước thay đổi thế giới, cuối cùng lại bị thế giới thay đổi. Nhưng Na Tra đã chứng minh rằng: Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn phải yêu đời; dù hiện thực có tàn khốc đến đâu, chúng ta vẫn phải sống kiên cường!

2. Chấp nhận bản thân là bước đầu tiên để thành công 

Trong thế giới của "Na Tra: Ma đồng náo hải", thần tiên là những sinh vật cao quý. Người, yêu, ma đều muốn thành tiên, thoát khỏi sự ràng buộc về thân phận, được người khác công nhận. Nhưng Na Tra sau khi đã thức tỉnh, cậu chấp nhận bản thân: Ta là ma thì đã sao?

5 bài học nhân sinh từ "Na Tra: Ma đồng náo hải": Hãy để cây mọc thành cây, hoa trở thành hoa- Ảnh 3.

Đạo diễn Sủi Cảo, vốn là một sinh viên của Đại học Y khoa Hoa Tây, nhưng vì đam mê, ông đã quyết tâm tự học vẽ hoạt hình để hoàn thành ước mơ. (Ảnh: Sohu)

Hãy nghĩ về chính mình, chúng ta có thường xuyên nỗ lực với mong muốn được người khác công nhận không? Nhưng đừng quên, con đường dưới chân dẫn đến đâu là do chính mình quyết định; sống tốt hay không cũng là do chính mình đánh giá.

Giống như đạo diễn Sủi Cảo, vốn là một sinh viên của Đại học Y khoa Hoa Tây, nhưng vì đam mê, ông đã quyết tâm tự học vẽ hoạt hình 3D và cuối cùng đã sống một cuộc đời mình yêu thích. Chúng ta cũng nên học cách theo đuổi ước mơ thực sự của bản thân, chấp nhận bản thân, hình thành sự tự nhận thức, mới có thể sống ung dung tự tại giữa thế giới ồn ào này.

3. Hãy để hoa nở thành hoa, cây phát triển thành cây

Trong văn hóa Trung Quốc, cha là người có quyền lực cao nhất trong nhà. Thế nhưng, điều này đã dẫn đến sự ra đời của văn hóa phản kháng chế độ gia trưởng, ví dụ như việc Na Tra giết cha trong thần thoại truyền thống. Nhưng "Na Tra: Ma đồng náo hải" đã mang đến cho chúng ta một góc nhìn mới.

Mối quan hệ giữa Ngao Bính và Ngao Quảng chính là hình ảnh phản chiếu mối quan hệ giữa chúng ta và cha mẹ. Ngao Quảng yêu Ngao Bính, yêu rất sâu đậm, nhưng cũng đặt tất cả lý tưởng và vinh quang của mình lên Ngao Bính. Mỗi bước đi của Ngao Bính, mỗi người bạn mà cậu kết giao, Ngao Quảng đều muốn can thiệp. Ngao Quảng muốn con trai trở thành phiên bản thứ 2 của mình.

5 bài học nhân sinh từ "Na Tra: Ma đồng náo hải": Hãy để cây mọc thành cây, hoa trở thành hoa- Ảnh 4.

Còn chúng ta thì sao? Từ những lớp học năng khiếu hồi tiểu học đến ngành học đại học, rồi đến công việc và hôn nhân, cha mẹ đều mong muốn chúng ta đi theo ý nguyện của họ. Vậy phải làm sao? Hãy học Ngao Quảng và Ngao Bính! Cuối phim, Ngao Bính đã lựa chọn con đường của riêng mình, Ngao Quảng cũng lựa chọn buông tay. Chúng ta cũng phải hiểu rằng, dù là cha mẹ hay con cái, đều có kịch bản viết riêng cho cuộc đời của mình, có thể nương tựa vào nhau, nhưng tuyệt đối không thể viết thay. Để hoa thành hoa, để cây thành cây, đó mới là lẽ phải.

4. Thiện ý bạn gieo, cuối cùng sẽ quay trở lại với bạn

Trang Tử nói: "Chim trĩ mười bước mổ một miếng, trăm bước uống một ngụm". Đời người cũng vậy, bất cứ việc gì cũng không thoát khỏi hai chữ nhân quả. Bạn đối xử với người khác như thế nào, người khác sẽ báo đáp bạn như thế ấy.

5 bài học nhân sinh từ "Na Tra: Ma đồng náo hải": Hãy để cây mọc thành cây, hoa trở thành hoa- Ảnh 5.

Lý Tịnh cho đi lòng tốt của mình nên đã nhận về sự báo đáp đúng như vậy. (Ảnh: Sohu)

Lý Tịnh giữ thể diện cho Thân Công Báo, Thân Công Báo liền chuẩn bị sẵn thuốc men và lương thực; Lý Tịnh cưu mang Dạ Xoa, Dạ Xoa liền cứu mạng vợ chồng Lý Tịnh vào thời khắc quan trọng. Chẳng phải đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho câu "Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, phúc đức gieo đi là phúc đức nhận về" hay sao?

Vì vậy, đừng keo kiệt lòng tốt của bạn, biết đâu một ngày nào đó, nó sẽ quay trở lại với bạn dưới một hình thức khác. Giống như câu nói: Ai cũng có lúc trời mưa mà quên mang ô, bạn giúp người khác che ô, ngày sau khi mưa rơi trên người bạn, cũng sẽ có người che ô cho bạn.

5. Bản chất con người phức tạp, sự khác biệt giữa Phật và ma chỉ trong một ý niệm

Bản chất con người thật sự là một thứ phức tạp. Giống như triệt học phương Tây nói: "Bản chất con người là sự pha trộn giữa thần thánh và thú tính". Một người có thể hung tàn như thú dữ, cũng có thể từ bi như thần thánh.

5 bài học nhân sinh từ "Na Tra: Ma đồng náo hải": Hãy để cây mọc thành cây, hoa trở thành hoa- Ảnh 6.

Trong phim, Thân Công Báo đối với em trai mình thì ôn nhu, nhưng đối với người ngoài lại là một kẻ ác độc. (Ảnh: Sohu)

Trong phim, Thân Công Báo đối với em trai mình thì ôn nhu, nhưng đối với người ngoài lại là một kẻ ác độc; sau khi hắn nhận ra âm mưu của Vô Lượng Tiên Ông, lại đứng lên bảo vệ vợ chồng Lý Tịnh, một mình chống lại ba vị Long Vương và triệu yêu tộc. Trong cuộc chiến quân đội yêu tộc Luyện Ngục và quân đội Xiển giáo chém giết lẫn nhau, ai là chính nghĩa? Ai là tà ác? Lòng người chính là thứ khó đoán nhất, là Phật hay ma chỉ khác nhau trong một ý niệm.

Trong lòng mỗi chúng ta, đều có một thiên thần và một ác quỷ đang giằng co. Có lúc, thiện thắng ác; có lúc, ác thắng thiện. Vì vậy, tự kiềm chế và thấu hiểu bản thân là quá trình tu tập suốt đời của con người. Chúng ta phải nỗ lực vượt qua chính mình, vượt qua cái "ác" trong bản thân, đừng để bản thân sa ngã.

Tổng hợp

Chia sẻ

Nguyệt Phạm

Ý kiến của bạn