Khởi sự kinh doanh

AVI - ‘Ông trùm’ dữ liệu của Trung Quốc mở rộng thị trường sang Việt Nam

Thứ tư, ngày 20/11/2024 16:00 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Ở Trung Quốc, AVI thuộc hàng đầu trong lĩnh vực dữ liệu bán lẻ thiết bị điện máy với hơn 500 khách hàng. Sau 17 năm phát triển, họ đã chọn Việt Nam và Thái Lan làm đầu cầu chiến lược để từng bước mở rộng phạm vi kinh doanh trên toàn cầu.

Sự có mặt của AVI nói riêng và DN Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển của DN ngành điện máy – điện tử Việt Nam nhanh hơn.

Tại sao thị trường Việt Nam lại được AVI chọn đầu tiên khi muốn ra nước ngoài?

"Kể từ khi thành lập vào năm 2007, sau 17 năm làm việc chăm chỉ, chúng tôi đã phát triển từ một tân bình trong ngành thành một thế lực tuyệt đối trong lĩnh vực dữ liệu bán lẻ thiết bị Điện máy của Trung Quốc với hơn 500 khách hàng, doanh thu hàng năm trên 100 triệu nhân dân tệ, cùng đội ngũ chuyên nghiệp gồm 168 người và chiếm 90% thị phần toàn ngành.

Người Trung Quốc chúng tôi có câu nói như thế này ‘muốn ngắm hết cảnh ngoài ngàn dặm, phải trèo thêm lên một tầng lầu’. Thành công của đội ngũ AVC tại Trung Quốc là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, đồng thời ngành khoa học dữ liệu đang bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài cũng đang tăng tốc, dưới sự hướng dẫn của chiến lược quốc gia ‘lưu thông kép’ và nhu cầu rộng mở về dữ liệu của thị trường quốc tế, đội ngũ AVI sẽ tích cực mở rộng thị trường nước ngoài trong tương lai", ông Văn Kiến Bình - Nhà sáng lập kiêm CEO của AVI tiết lộ.

Cụ thể hơn, theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc Tiến Thương Mại - Bộ Công Thương Việt Nam: trong giai đoạn 2012 – 2024, ngành điện tử - điện máy của Trung Quốc bước vào giai đoạn tập trung đổi mới sáng tạo, các DN đầu ngành bắt đầu đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng quy mô sản xuất.

Nhờ thế, doanh thu của ngành này đã đạt 260 tỷ USD – lợi nhuận 22,4 tỷ USD, xuất khẩu 98,6 tỷ USD – chiếm 43,2% thị phần thế giới; doanh thu bán lẻ đạt 121,8 tỷ USD – chiếm 27% thị phần thế giới. Trong danh sách Forbes 500 đã xuất hiện các công ty điện tử - điện máy Trung Quốc như Haier, Midea, Hisense, TCL… Trong 25 ‘ngọn hải đăng’ của thế giới có 16 nhà máy sản xuất ở Trung Quốc.

Còn vì sao lại là Việt Nam – Thái Lan và Đông Nam Á? Theo ông Văn Kiến Bình, từ năm 2019 đến năm 2023, quy mô xuất nhập khẩu của Trung Quốc đối với ASEAN liên tục tăng trưởng. Và việc đầu tư - phân bổ năng lực sản xuất của các công ty Trung Quốc tại Việt Nam và các nước ASEAN khác đã không ngừng mở rộng, tạo mở không gian thị trường rộng lớn cho việc thành lập AVI.

"Về quan hệ thương mại, Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).

Về quan hệ đầu tư, lũy kế tính đến ngày 31/10/2024, Trung Quốc xếp thứ 6 trên 148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 4.965 dự án, tổng vốn đăng ký trên 29,9 tỷ USD. Năm 2023, Trung Quốc xếp thứ 4 trên 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD tăng 77,6%, trong đó vốn đăng ký đầu tư mới đạt 3,5 tỷ USD tăng 161,3% so với năm 2022.

Năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt hơn 171,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 61,3 tỷ USD, tăng 5,8% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 110,6 tỷ USD, giảm 6,6% và chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam", ông Trần Ngọc Liêm - Giám Đốc VCCI khu vực TP.HCM bổ sung.

Sau Việt Nam – Thái Lan, trong năm 2025, AVI sẽ đến các nước Đông Nam Á khác và 2026 cập bến châu Âu – châu Mỹ. Mục tiêu của AVI là trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu về ứng dụng dữ liệu AI vào năm 2030 và đạt được mục tiêu đầy tham vọng là xếp hạng đầu tiên về quy mô doanh thu.

Ngành điện tử - điện máy Việt Nam sẽ kế thừa được những kinh nghiệm của ‘người đi trước’ Trung Quốc

Mặt khác, đại diện các kênh phân phối tại Việt Nam như Lazada và Vietel cho biết: thị trường điện gia dụng và điện tử tiêu dùng của Trung Quốc hiện đang dẫn trước Việt Nam khoảng 10 năm. Với bối cảnh quá trình đô thị hóa tại Việt Nam hiện đang được đẩy mạnh và người tiêu dùng ngày càng trẻ hóa, chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc từ 2010 đến 2018 có thể sẽ được tái hiện ở thị trường Việt Nam.

Có thể thấy, chất lượng sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng của Trung Quốc đang được nâng cao nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm cao cấp tại Việt Nam. Ngoài ra, những thành tựu của ngành công nghiệp Trung Quốc trong việc ứng dụng dữ liệu lớn, xây dựng năng lực thương mại điện tử, kiên định với các nguyên lý phát triển bền vững và rộng tay đón nhận trí tuệ nhân tạo (AI) là những điều rất đáng để DN Việt học hỏi.

AVI - ‘Ông trùm’ dữ liệu của Trung Quốc mở rộng thị trường sang Việt Nam- Ảnh 1.

Tọa đàm "Kề vai sát cánh - Chung tay thành công, Hợp lực thúc đẩy phát triển ngành điện tử tiêu dung Việt – Trung"

Còn theo đại diện doanh nghiệp đến từ Trung Quốc – Hisense thì: Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu dài trong ngành thiết bị Điện máy và Điện tử tiêu dùng và cùng có tiềm năng lớn.

Các công ty thiết bị gia dụng Trung Quốc đã đạt được kết quả đáng chú ý tại thị trường Việt Nam nhờ kinh nghiệm kỹ thuật phong phú, dây chuyền sản xuất công nghiệp phát triển và sản phẩm chất lượng cao. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu thị trường không ngừng tăng trưởng, quy mô thị trường thiết bị Điện máy và Điện tử tiêu dùng tiếp tục mở rộng.

Theo đó, sự gia nhập của các công ty Trung Quốc không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng địa phương về thiết bị Điện máy và Điện tử tiêu dùng chất lượng cao, mà còn thúc đẩy sự nâng cấp và phát triển các ngành công nghiệp liên quan ở Việt Nam.

Chưa hết, Việt Nam cũng có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý và chi phí nhân công, những điều này mang lại cho DN Trung Quốc cơ sở để phát triển rộng hơn và cơ hội tổng hợp nguồn lực. Mô hình hợp tác tương trợ trong ngành công nghiệp như thế này không chỉ thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp hai bên mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia.

Chia sẻ

PV

Ý kiến của bạn