Luận bàn

Cảnh nam sinh ngồi bấm điện thoại khi bà bầu đứng suốt 30 phút trên tàu metro số 1 gây tranh cãi dữ dội

Thứ hai, ngày 24/02/2025 16:08 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Quan điểm của chủ status sau khi xuất hiện trên MXH đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận trái chiều.

Nhường ghế hay không nhường ghế khi sử dụng phương tiện công cộng luôn tạo ra chủ đề tranh luận không hồi kết. Đã có không ít những câu chuyện về việc nên nhường ghế như thế nào người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai được đăng tải trên MXH đều thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

Mới đây nhất, chia sẻ của anh Lê Tuấn Anh (TP.HCM) về tác phong văn minh sau tháng trải nghiệm đi làm bằng metro Bến Thành - Suối Tiên cũng được nhiều cư dân mạng quan tâm.

Anh đăng status sau khi dùng metro đi làm mỗi ngày trong vòng 1 tháng với nội dung như sau:

“Sau hơn một tháng đi metro đi làm mỗi ngày, theo tôi thì tác phong văn minh khi đi metro đó là: Đàn ông không bắt buộc phải nhường ghế cho phụ nữ trẻ khỏe, nhưng là đàn ông trẻ khỏe thì nên nhường ghế cho bà bầu; nhường ghế cho người già, tàn tật; nhường ghế cho mẹ đang bế em bé nhỏ.

Khi đi tàu cắm mắt vào điện thoại giết thời gian cũng được, nhưng đến mỗi bến thì nên ngửa mặt lên xem có ai mình nên nhường ghế không - bữa nay tôi đi cả chuyến thấy một bạn sinh viên ngồi cắm mặt vào điện thoại trong khi một bà bầu bụng to đùng đứng ngay cạnh suốt 30 phút chuyến đi. Đương nhiên nhường hay không nhường là tự nguyện, không bắt buộc, nhưng cái đó thể hiện sự văn minh”.

Bài đăng này của Tuấn Anh thu hút hơn 25K lượt tương tác, tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt về văn hoá ứng xử, cụ thể hơn là chuyện nhường chỗ trên phương tiện công cộng.

Cảnh nam sinh ngồi bấm điện thoại khi bà bầu đứng suốt 30 phút trên tàu metro số 1 gây tranh cãi dữ dội- Ảnh 1.

Lê Tuấn Anh (áo đỏ) thường xuyên sử dụng tàu metro số 1 để đi làm (Ảnh: NVCC)

Nhiều ý kiến trái ngược với quan điểm của chủ status: Đừng vội phán xét ai khi chưa hiểu rõ câu chuyện

Phía dưới phần bình luận của bài viết, nhiều người bày tỏ quan điểm ngược lại so với tác giả. Họ đặt ra nhiều câu hỏi cũng như các tình huống cụ thể để chứng minh rằng việc nhường ghế không phải là điều bắt buộc.

Không ít người thường xuyên sử dụng phương tiện di chuyển công cộng cho hay ở một số nơi, họ đã sắp xếp khu vực ưu tiên riêng dành cho người khuyết tật, người già, phụ nữ đang mang thai. Do đó, phần đông đều cho rằng nếu ngoài khu vực ưu tiên, thì tất cả các vị trí ghế ngồi là như nhau, bình đẳng bởi ai cũng đều bỏ tiền ra mua vé và mong muốn có một chỗ ngồi thoải mái.

Cũng chính vì vậy mà với câu chuyện tác giả nêu trong bài viết, netizen cho hay không rõ bối cảnh nam sinh viên không nhường ghế cho bà bầu là đang ngồi tại khu vực nào. Nếu thanh niên đó ngồi vào ghế ưu tiên thì có thể nói, còn lại cộng đồng mạng cho rằng rất khó để đánh giá họ thiếu ý thức hay thiếu tế nhị, văn minh hay không.

Dân tình cũng bày tỏ nhường chỗ luôn là một vấn đề nhạy cảm và phụ thuộc vào góc nhìn, quan điểm riêng của từng người. Ngoài ra tuỳ vào từng tình huống sẽ có những cách ứng xử khác nhau, không có một đáp án chung. Bởi mỗi người chỉ gặp nhau vài phút trên chuyến tàu, không thể đánh giá được cả câu chuyện. Nhiều người cho rằng có thể nam sinh viên đó đã ngỏ lời nhưng bà bầu từ chối, cảm thấy việc đứng thoải mái hơn; cũng có thể bạn nam đó cũng đang mệt mỏi trong người và cần được ngồi hơn;...

Rất nhiều tình huống được đưa ra và để dẫn đến kết luận: Nhường chỗ không phải là điều bắt buộc nên không thể vội vàng lên án ai.

- “Có những người họ đi đứng cả ngày, lại đi giày tây, gót chân nhức mỏi, chỉ muốn ngồi thụp xuống. Và cũng có những người mang thai, lớn tuổi lại thấy mình nghiễm nhiên được ưu tiên, thấy người khác buộc phải trả cho họ quyền lợi đó. Mình đã từng chứng kiến một bà bầu tới gần bạn trẻ, không nói gì chỉ hơ hơ cái bụng để thông báo. Rồi khi được nhường chỗ cũng không một câu cảm ơn. Vậy nên trừ khi người ter ngồi vào ghế ưu tiên thì có thể nói, còn lại không nên đánh giá ai cả”.

- “Họ cắm mặt vào điện thoại cũng có thể là đang bận rộn công việc. Bạn thực sự biết người ta không nhường hay chỉ nhìn và đoạn vậy? Bạn có hỏi người ta vì sao hay có vấn đề gì mà không nhường ghế không? Tôi nghĩ vấn đề này không có đúng hay sai mà tuỳ thuộc tình huống cụ thể. Tốt nhất đừng vội phán xét ai cả vì mỗi người đều có câu chuyện riêng”.

- “Ban đầu chỉ là ưu tiên rồi dần dần lại thành mặc nhiên, bắt buộc phải nhường. Người trẻ nếu không nhường sẽ bị đánh giá, thậm chí công kích. Trong khi có những trường hợp dù đã ngỏ ý nhường ghế nhưng người kia từ chối, họ muốn đứng để tiện xuống bến tiếp theo”.

- “ Nhường ghế là một phép lịch sự nhưng không có nghĩa là nhiệm vụ hay một điều gì đó bắt buộc để ai đó phải làm”.

Nhường chỗ không phải điều bắt buộc nhưng là điều nên làm

Ngoài những ý kiến trái chiều trên, số đông khác lại cảm thấy thấu hiểu và đồng tình với góc nhìn của chủ nhân bài đăng.

Số đông này cho rằng ai cũng biết việc nhường chỗ là điều không bắt buộc. Tuy nhiên, cũng thể quá ung dung hay không quan sát xung quanh hay chờ người khác chủ động lên tiếng trước. Nhiều người quan niệm, xã hội văn minh không chỉ dựa trên quyền lợi cá nhân mà còn dựa trên tinh thần quan tâm lẫn nhau.

Bên cạnh đó, cư dân mạng cũng cho hay thanh niên trẻ trừ khi đang bị thương, đang bệnh thì nên có ý thức nhường cho những ai yếu thế hơn. Không nên đưa ra lý do “tôi cũng trả tiền vé” bởi điều đó chỉ khiến họ trở nên ích kỷ và hạn hẹp. Hay nói một cách khác cứ cho đi sẽ được nhận lại, không lúc này thì lúc khác.

- “Việc nhường ghế với mình cũng giống như khi tham gia giao thông, nhường đường cho xe ưu tiên nên đôi khi không thể chỉ vin vào đó là sự tự nguyện. Hơn nữa, việc bạn chủ động quan sát, thể hiện sự tinh thế bằng một câu hỏi nhường ghế chắc chắn sẽ là hành động rất đẹp và cũng lan toả thêm tính nhân văn trong cuộc sống”.

- “Tôi cũng đồng ý với tác giả bài viết. Đúng là điều không bắt buộc nhưng tôi nghĩ là điều nên làm. Đương nhiên mỗi người sẽ có nhu cầu, định kiến riêng trong chuyện này nhưng nếu ai cũng làm ngơ thì có lẽ sẽ buồn lắm”.

- “Có thể nó không đại diện cho toàn bộ việc văn minh khi đi tàu xe công cộng hay không nhưng chắc chắn tạo nên một ý thức lịch sự, tinh tế khi ở trong một không gian đông người. Tóm lại, mỗi người đều có lý riêng, và điều quan trọng là cách chúng ta ứng xử với nhau một cách tôn trọng, không phán xét nhưng cũng không thờ ơ”.

Liên hệ với tác giả bài viết đang gây tranh cãi, anh Tuấn Anh cũng bày tỏ: “Việc mọi người bình luận cũng cho thấy có nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến cũng đúng về việc không phải cứ người trẻ là bắt buộc phải nhường, vì có thể bạn trẻ đó mệt/bệnh cần được ngồi. Nhìn chung, chúng ta đang không nhìn cùng hướng trên cùng một vấn đề và ai cũng đều có ý đúng dựa trên góc độ cá nhân của mỗi người”.

Song điều mà chủ nhân bài viết muốn hướng đến chính là việc lan tỏa và khuyến khích những hành động tốt đẹp, nâng cao EQ để hình thành nên văn hoá ứng xử văn minh, lịch sự tại nơi công cộng.

Chia sẻ

Hải My

Ý kiến của bạn