Luận bàn

Cha mẹ thường nói 2 câu này, khả năng con bị bắt nạt tăng gấp đôi

Thứ ba, ngày 02/07/2024 23:00 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Không cha mẹ nào muốn con bị bắt nạt ở trường nhưng họ chẳng ngờ được có vài câu nói của mình lại ảnh hưởng tới tính cách của con cái tới vậy.

Cách đây một thời gian, chủ đề "trẻ có nên đánh trả lại khi bị bạn bắt nạt không" trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều bậc phụ huynh đều cho rằng, trẻ nên đánh lại bạn mình.

Tuy nhiên, nếu trẻ đánh trả, chúng có thể thắng đối phương nhưng không đảm bảo những lần sau đều như vậy. Làm sao có thể biết được đối phương có trả thù hay không? Hơn nữa, khi trẻ bước vào xã hội, liệu việc dùng vũ lực có giải quyết được mọi vấn đề?

Vì vậy, từ góc độ phát triển lâu dài của trẻ em, việc đánh trả bạn bè, sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn giữa 2 đứa trẻ không được khuyến khích.

Cha mẹ thường nói 2 câu này, khả năng con bị bắt nạt tăng gấp đôi- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Có một điều cha mẹ cần phải chú ý, đó là tuyệt đối không được nói 2 câu sau đây:

- "Trẻ con chơi đùa đánh nhau một tí không có gì to tát đâu".

- "Có thể lỗi cũng do con đấy, con hãy xem lại mình đã sai ở chỗ nào".

Khi nghe cha mẹ nói 2 câu này, trẻ sẽ cảm thấy bị oan ức, cảm xúc dồn nén. Nếu thường xuyên nghe câu nói này, trẻ sẽ có suy nghĩ "có lẽ do mình không đủ tốt nên mới bị bạn bè bắt nạt".

Để trẻ tự trách mình như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lòng tự trọng và tự nhận thức của chúng. Mặt khác, nếu cha mẹ yêu cầu con mình chịu đựng việc bị bắt nạt, trẻ sẽ dễ bị bắt nạt nhiều hơn.

Cha mẹ nên giải quyết như thế nào khi con mình bị bắt nạt?

1. Hỗ trợ con cái

Cha mẹ nói với con mình rằng "đó không phải là lỗi của con, thật tốt khi con có thể chia sẻ khó khăn của mình cho cha mẹ biết thay vì chịu đựng một mình".

2. Khai sáng nhận thức của trẻ

Sau khi bị bắt nạt, cảm giác tuyệt vọng, vô vọng, bất lực có thể khiến trẻ trầm cảm. Điều cha mẹ cần làm là xoa dịu cảm xúc, khai sáng nhận thức của con về vấn đề bạo lực.

Cha mẹ có thể nói con rằng, họ sẽ cùng con giải quyết vấn đề này, khuyến khích con nói ra cảm xúc của mình như thế nào. Cha mẹ cũng có thể kể cho con nghe về việc mình lúc nhỏ cũng từng rơi vào trường hợp tương tự như vậy.

Cha mẹ thường nói 2 câu này, khả năng con bị bắt nạt tăng gấp đôi- Ảnh 2.

3. Tận dụng cơ hội để hướng dẫn trẻ và phân biệt rõ ràng ranh giới bắt nạt

Mặc dù hầu hết các bậc cha mẹ sẽ lo lắng khi con mình bị bắt nạt, nhưng việc bắt nạt cũng sẽ giúp trẻ biết được điều gì nên làm và không nên làm.

Trẻ cần phân biệt xung đột thông thường và bị bắt nạt, phán đoán đó là hành vi cố ý hay vô tình, xảy ra thường xuyên hay thỉnh thoảng, có nhắm tới mục tiêu cụ thể là ai hay một số người không...

Ngoài ra, cha mẹ nói cho trẻ biết đừng đến những nơi mà những kẻ bắt nạt thích đến, chẳng hạn như những nơi mà giáo viên sẽ không đi qua hoặc góc khuất ít người thấy. Nếu có thể, hãy cố gắng đi cùng một người bạn.

Cha mẹ nói với trẻ rằng, hầu hết những đứa trẻ cố tình làm tổn thương người khác đều không muốn bị giáo viên bắt quả tang. Trẻ có thể la hét, nói to để thu hút sự chú ý của người khác, để những đứa trẻ muốn bắt nạt sẽ sợ hãi bỏ chạy.

Trẻ cũng có thể áp dụng chiến thuật tự vệ đó là rời khỏi một tình huống mà bản thân cảm thấy không an toàn.

Nếu bị bắt nạt tại lớp, trẻ cần thông báo với giáo viên và những người lớn khác về những gì vừa xảy ra và yêu cầu được giúp đỡ.

Trong trường hợp không thể bỏ đi hay nhờ người khác giúp đỡ, trẻ chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng cách chống trả. Vì vậy, cha mẹ có thể dạy con cách phòng tránh thương tích trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ: Bắt nạt và các tình huống nguy hiểm hơn có thể sử dụng các kỹ thuật tự vệ khác nhau, chẳng hạn như đá vào ống chân của ai đó, véo vào chân hoặc cánh tay. Bằng cách này, kẻ bắt nạt sẽ di chuyển và trẻ có thể chạy đến nơi an toàn.

Tóm lại, vấn đề trẻ bị bắt nạt rất phổ biến trong quá trình trẻ đi học ở trường. Vì vậy, ngay từ sớm cha mẹ nên nói rõ cho con biết về cách ứng xử nếu chẳng may bản thân rơi vào trường hợp này.

Chia sẻ

Phan Hằng

Ý kiến của bạn