Phụ nữ và xe +

Chuyên gia Hải Kar: ‘Rào cản của bộ môn đua xe là tiền’

Thứ bảy, ngày 22/07/2023 21:22 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Tại buổi họp báo công bố giải đua xe địa hình đối kháng Petrolimex Knock-Out the King (KOK) 2023, ông Nguyễn Thanh Hải, biệt danh Hải Kar, bày tỏ những tâm tư về bộ môn đua xe tại Việt Nam.

Ngày 20/7, tại TP.HCM, ban tổ chức công bố giải đua xe địa hình đối kháng KOK 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/7, tại Tropicana Park, khu du lịch NovaWorld Ho Tram, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là năm thứ 5 giải đấu này được tổ chức.

Năm nay, giải đua có sự tham gia của hơn 30 đội đua ô tô và có thêm hạng mục đua mô tô địa hình Enduro thu hút hơn 60 vận động viên. Tổng giá trị giải thưởng bằng tiền mặt lên đến 300 triệu đồng, trong đó, đội vô địch sẽ nhận được giải thưởng trị giá 70 triệu đồng và các phần thưởng hiện vật khác.

Ông Nguyễn Thanh Hải (giữa) phát biểu về giải đua KOK 2023.

Tại giải đua KOK 2023, các vận động viên sẽ thi đấu trong một khu vực cố định. Do thể thức thi đấu vòng loại sau đó xếp hạng để thi đấu, các vận động viên cũng sẽ có nhiều lượt chạy khác nhau, giúp làm quen và thuộc đường. Nhờ vậy, càng vào vòng sau, các tay lái càng có thể trình diễn các kỹ năng cao nhất, đồng thời đẩy tốc độ xe và kịch tính lên mức tối đa.

Cách thức tổ chức thi đấu vòng loại để xếp hạng nhằm ưu tiên những đội đua có phong độ ổn định. Đội đua có thành tích vòng loại tốt sẽ được hưởng lợi nhờ số lượt thi đấu ít hơn. Sự ưu ái này sẽ kích thích tính cạnh tranh ngay từ những lượt đấu đầu tiên cho đến khi kết thúc giải. Riêng vòng chung kết, các tay đua sẽ thi đấu nhiều vòng hơn, thời gian thi đấu có thể kéo dài tới 20 phút.

Đua đối kháng là đặc sản của KOK.

Ngược lại, với các đội đua không đạt thành tích cao ở vòng loại, thể thức Thách đấu cho phép họ còn nguyên cơ hội sửa sai tại các vòng play-off để đi đến tận trận chung kết. Đó chính là tinh thần của KOK: Nhà vua cũng có thể bị hạ bệ.

“KOK là giải đua, không phải thi kỹ năng”

Ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng ban tổ chức, cho biết: “Điểm khác biệt lớn nhất của giải đua năm nay là chuyển từ đường đất đá sang đường cát. Địa hình này khác biệt rất nhiều, bởi lực cản của cát rất lớn. Nếu ban tổ chức không làm tốt, những chiếc xe nguyên bản nếu không nâng cấp hệ thống tản nhiệt rất dễ gặp tình trạng quá nhiệt. Vì thế, chỉ đổi từ đường đất đá sang đường cát nhưng đã kéo theo một khối lượng công việc khổng lồ”.

Khi được hỏi điểm khác biệt của KOK so với các giải đua xe địa hình khác tại Việt Nam, vận động viên Vũ Ngọc Cường, cho biết, ở giải đua KOK, sau bài thi là có thể biết được ngay ai thắng ai thua. Còn với các giải đua khác, phải thi xong nhiều bài rồi ban tổ chức cộng điểm tất cả bài thi mới có thể tìm ra đội chiến thắng.

Ông Nguyễn Thanh Hải tiếp lời: “Tại Việt Nam, KOK là giải đua, còn các giải đua địa hình khác là thi kỹ năng. Kỹ năng bao gồm một loạt các bài thi khác nhau, ví dụ ban tổ chức đưa ra 5-7 bài thi, gồm đường lầy, đường cát, vượt hố... Còn KOK là thi theo dạng đua. KOK cũng không có trọng tài, mà dùng công nghệ đếm giờ của Tag Heuer. Nó sẽ tự động ghi nhận kết quả của vận động viên với tính chính xác lên tới 1/1.000 giây và tối đa 200 km/h. KOK là giải đua off-road đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ này, bởi chúng tôi muốn các đội đua đến đây để chiến thắng bằng thực lực chứ không thể trông chờ vào sự may rủi”.

“Tất cả vận động viên tham gia KOK đều khao khát chiến thắng, không phải tham gia để cọ xát, học hỏi. Bởi vậy, họ đều là những vận động viên dày kinh nghiệm, không phải tay mơ”, ông Hải nhấn mạnh.

“Mang xe đi thi đấu quốc tế là câu chuyện tiền tỷ”

Ông Nguyễn Thanh Hải, cho rằng, đua xe là môn thể thao đắt tiền và đòi hỏi người tham gia đầu tư số tiền rất lớn, khi có phóng viên hỏi về việc đảm bảo an toàn cho các vận động viên tham gia KOK.

“Tôi trung thành với việc tìm ngôn ngữ chung về đua xe thể thao giữa quốc tế và Việt Nam. Nhưng để làm một chiếc xe chuẩn FIA (tiêu chuẩn của Liên đoàn Ô tô Quốc tế - PV) là câu chuyện rất tốn kém. Chúng tôi ý thức được rằng, khung chống lật, dây an toàn 4 - 6 điểm, ghế Sparco hay ghế OMP hỗ trợ các tay đua rất nhiều, nhưng nó có rào cản về tiền. Hiện nay, đa số mọi người đem chính chiếc xe đi lại hàng ngày vào đường đua. Còn trong giải KOK, 80% tay đua sử dụng chiếc xe thứ 2, thứ 3 của họ. Nhưng để ‘phá’ một chiếc xe và gắn nhiều trang bị đảm bảo an toàn thì vẫn là thiểu số”.

Mitsubishi Triton của đội đua AK Racing.

“Ở phương diện ban tổ chức, từ mùa giải đầu tiên, chúng tôi cố gắng đảm bảo an toàn cho các vận động viên thông qua việc thiết kế đường đua. Còn những trang bị như tôi nói ở trên mới dừng ở mức khuyên dùng”, ông Hải nói.

Với tham vọng đưa đua xe Việt Nam tiến ra thế giới, ông Hải cho biết, từ mùa giải thứ tư, giải đua KOK đã hỗ trợ các vận động viên muốn đi thi đấu giải Asia Cross Country Rally (AXCR). Khi vận động viên chiến thắng KOK, ban tổ chức sẽ có một chương trình hỗ trợ, khoảng 200 - 300 triệu đồng. Con số không cố định do mỗi mùa mức hỗ trợ sẽ khác nhau. Nhưng trên thực tế, số tiền ấy như muối bỏ bể.

Chiếc Toyota Hilux của đội đua Steelmate Racing dùng hai bộ thụt King giá 500 triệu đồng.

“Ví dụ, chiếc Toyota Hilux của đội Steelmate Racing dùng hai bộ thụt của King, mỗi bộ 250 triệu đồng. Như vậy, riêng bộ thụt đã 500 triệu đồng. Hỗ trợ của ban tổ chức KOK chỉ giống như một cú hích, trợ giúp các vận động viên. Còn mang xe đi thi đấu quốc tế như vậy là câu chuyện tiền tỷ”.

“Tôi cũng đã bỏ tiền túi ra để đi thi đấu giải AXCR nên tôi hiểu nó tốn kém như thế nào. Giải của họ không giống với bên mình. Như ở KOK, tôi có thể chấp nhận xe có khung chống lật hoặc không. Nhưng ra quốc tế, xe thi đấu bắt buộc phải có, thậm chí là phải có thời hạn. Chẳng hạn, FIA chỉ định ghế của Sparco hoặc OMP. Ghế OMP được dùng 3 năm, ghế Sparco loại rẻ tiền chỉ được 2 năm. Nếu quá thời hạn mà không thay mới, xe đó không đạt tiêu chuẩn để tham gia thi đấu. Cuộc chơi này rất tốn kém”, ông Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ

Quốc Minh

Ý kiến của bạn