Giáo dục

"Đừng làm tôi ngạt thở" - Tìm con suốt 22 năm, đứa trẻ nói 1 câu khiến người cha bật khóc

Thứ ba, ngày 15/04/2025 11:13 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Đây có phải là một bi kịch của tình yêu không được đúng lúc, đúng cách?

Một người đàn ông ở Trung Quốc đã đi tìm con suốt 22 năm, không ngờ phát hiện con trai mình đã được một tỉ phú nhận nuôi, từ nhỏ đến lớn chưa từng chịu chút khổ cực nào. Sau khi nhận lại con được 10 tháng, người đàn ông bị chính con trai mình chặn liên lạc, cắt đứt mọi kết nối. 

Ông đã đăng tải những tin nhắn trò chuyện để giãi bày, bật khóc nói rằng trong 10 tháng qua, ông đã cố gắng hết sức để vun đắp tình cảm cha con, nhưng lại bị con cho là "ngột ngạt"!

"Đừng làm tôi ngạt thở" - Tìm con suốt 22 năm, đứa trẻ nói 1 câu khiến người cha bật khóc- Ảnh 1.

Ông Lôi

"Con à… ba cuối cùng cũng tìm thấy con rồi, ba đã tìm con suốt 22 năm ròng rã"

Khi nhìn thấy đứa trẻ ngày nào nay đã trưởng thành, ông Lôi Công (tên thật là Lôi Vũ Trạch) trào dâng cảm xúc lẫn lộn: Nỗi đau vì không thể ở bên con khi nó lớn lên, nỗi tủi thân và cay đắng khi tìm con suốt hơn 20 năm, và cả niềm vui sướng, xúc động đến rơi nước mắt khi cuối cùng được gặp lại con.

Khoảnh khắc ấy, ông Lôi chỉ có một suy nghĩ: Phải bù đắp lại tất cả những gì đã thiếu sót suốt hơn 20 năm qua, làm tròn trách nhiệm của người cha. Trong lòng ông, chỉ có sự bù đắp gấp bội mới có thể giải tỏa phần nào sự áy náy, tội lỗi chất chứa bấy lâu.

Thế nhưng, tình cha sâu đậm ấy dần trở thành gánh nặng, thành xiềng xích, khiến con trai - Xuyên Xuyên cảm thấy bị kìm kẹp, đến mức nghẹt thở. Tình yêu của ông Lôi nặng như núi, lại cháy bỏng như lửa, khiến Xuyên Xuyên dần không thể chịu đựng nổi…

Ngày 11/4, ông Lôi đã đăng bài trên mạng xã hội, công khai gửi lời xin lỗi đến con trai Xuyên Xuyên, nói rằng: "Tình cha khiến con không thể thở nổi".

Chỉ một câu nói ấy đã nhanh chóng dấy lên làn sóng dư luận dữ dội trên mạng xã hội. Có người bày tỏ cảm thông, nhưng cũng không ít người chỉ trích ông Lôi, cho rằng tình yêu của ông đã đi quá giới hạn.

Rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra?

Ông Lôi từng có một gia đình hạnh phúc: Một người vợ hiền lành, hiểu chuyện, một đứa con trai ngoan ngoãn, đáng yêu. Tuy cuộc sống không giàu có nhưng tràn đầy ấm áp. Nào ngờ, một tai họa bất ngờ đã phá vỡ tất cả.

Năm 2001, cậu con trai mới 3 tuổi, sau khi đi chơi với hàng xóm thì bỗng dưng mất tích. Khi nhận được tin, ông Lôi vội vã chạy về nhà, nhưng con trai như bốc hơi khỏi thế gian, tìm mãi không thấy tung tích.

Vì muốn tìm lại con, ông bỏ việc, bắt đầu hành trình vô cùng gian nan. Đêm nào cũng trằn trọc, lo con gặp chuyện chẳng lành. Nhưng ông luôn tin rằng con trai vẫn còn sống, chỉ là bị bọn buôn người đưa đến một nơi xa lạ nào đó.

Hàng nghìn đêm mất ngủ, ông Lôi thường xuyên gặp ác mộng: Thấy con trai khóc gọi "ba", còn ông thì ra sức giải cứu nhưng tất cả đều là vô vọng. Ông Lôi đi khắp nơi, từ thành phố lớn đến nông thôn, dán vô số tờ rơi tìm người, tiêu hết toàn bộ tiền tiết kiệm, thậm chí tìm đến truyền thông nhờ giúp đỡ.

22 năm, hàng ngàn ngày đêm sống trong tự trách và áy náy, ông Lôi luôn tưởng tượng đến ngày đoàn tụ… "Đã hơn 20 năm rồi, còn tìm gì nữa? Thôi bỏ đi, sống tiếp phần đời còn lại cho bình yên!" — người ta khuyên ông.

Nhưng ông chỉ cười gượng, đau đớn hơn cả khóc: "Từ ngày con mất tích, tôi đã không còn là chính mình nữa. Tôi là một người cha, tôi nhất định phải tìm được con!".

Với ông, tìm con đã trở thành một chấp niệm, là lý do để tiếp tục sống.

Hội ngộ và đau đớn

Cuối cùng, trời không phụ người có lòng, sau 22 năm ông cũng được đoàn tụ với con trai mình. Nhìn Xuyên Xuyên nay đã là một thanh niên điển trai, ông xúc động đến rơi lệ.

Xuyên Xuyên kể rằng mình đã được một tỉ phú nhận nuôi, sống sung túc, thoải mái, từ nhỏ chưa từng chịu khổ. Nhưng ông Lôi không tin, nghĩ con chỉ đang an ủi mình: "Làm sao một đứa trẻ mất cha mẹ ruột lại sống hạnh phúc được? Con chắc chắn đang nói dối vì sợ ba lo…".

Kể từ đó, cuộc sống của ông Lôi dường như chỉ còn xoay quanh con trai.

Mỗi ngày ông gửi hàng chục, thậm chí hàng trăm tin nhắn, chỉ để xác nhận rằng con vẫn còn sống. Mỗi sáng tỉnh dậy, việc đầu tiên là nhắn tin hỏi thăm, nếu không được phản hồi, ông sẽ gọi liên tục, "gọi như đòi mạng".

Từ chuyện học hành, bạn bè, đến cả công việc, ông đều muốn biết hết. Ban đầu, Xuyên Xuyên còn kiên nhẫn trả lời, nhưng về sau cảm thấy mệt mỏi rã rời. Sự quan tâm quá mức của cha khiến cậu thấy ngột ngạt.

Sau 10 tháng, Xuyên Xuyên không thể chịu đựng nổi nữa. Cậu đã chặn liên lạc với ông Lôi, cắt đứt hoàn toàn quan hệ.

Khi câu chuyện lan truyền trên mạng, cộng đồng chia thành nhiều luồng ý kiến:

Có người đồng cảm với ông Lôi, cho rằng ông chỉ đang yêu con một cách quá mãnh liệt. Có người lại cho rằng, ông Lôi nên học cách buông tay, tình yêu cũng cần đúng cách và vừa đủ.

Luồng ý kiến đồng cảm với ông Lôi – "Một người cha đáng thương hơn là đáng trách"

Rất nhiều người cảm thấy xót xa và thương cảm cho ông Lôi. Với họ, ông là một người cha đã hy sinh cả cuộc đời để tìm lại con, sống trong dằn vặt và ám ảnh suốt hơn 20 năm. Là cha mẹ, ai mà không yêu con? Tìm con suốt 22 năm, giờ mới được ôm lại nó, thử hỏi có cha mẹ nào giữ được bình tĩnh không?.

"Ông ấy yêu con kiểu bản năng, như bao năm qua con là nỗi ám ảnh, giờ có lại được rồi thì ông chỉ biết cố bù đắp thôi, chứ làm gì có "hướng dẫn sử dụng" cho tình cha? Con trai được sống sung sướng, nhưng nó đâu biết cha mình đã chịu đựng những gì. Chặn ba như vậy có phần quá đáng", một người nói. Nhiều người còn so sánh đây là nỗi đau kép: một lần mất con, một lần bị chính con ruột từ chối.

Luồng ý kiến cho rằng ông Lôi đã đi quá giới hạn – "Tình yêu không nên là gánh nặng"

Bên cạnh sự cảm thông, cũng có không ít người cho rằng, tình yêu dù sâu đậm đến đâu cũng cần có giới hạn, nếu không sẽ trở thành một sự "kiểm soát", thậm chí đánh mất người mình yêu thương. Tìm được con rồi thì nên học cách làm bạn với nó, chứ không phải biến nó thành trung tâm cuộc sống như thế.

"Tình yêu cũng phải để cho người ta được thở. Cha mẹ mà ngày nào cũng nhắn 100 tin, gọi liên tục thì ai mà chịu nổi? Xuyên Xuyên không sai khi muốn sống cuộc đời của mình. Cha mẹ có thể yêu con, nhưng không thể lấy tình yêu làm cớ để áp đặt", một người nêu ý kiến.

Nhiều người trẻ tuổi cho rằng, ông Lôi đã không hiểu tâm lý của một người trưởng thành, lại chưa từng hiện diện trong quá khứ của con, nên cần xây dựng lại từ từ, chứ không thể ép buộc cảm xúc.

Bạn nghĩ sao?

Có phải ông Lôi đã yêu con đến mức... khiến con "nghẹt thở"? Hay đây là một bi kịch của tình yêu không được đúng lúc, đúng cách?

Chia sẻ

Hiểu Đan

Ý kiến của bạn