"Buổi sáng hôm trước khi biết tin, tôi đã ngồi ngẩn ra, nghĩ về những điều đã xảy ra và những điều sẽ diễn ra. Rồi nhìn vào tường rơm rớm nước mắt".
Đó là cảm xúc của Duy Đào trước khi biết tin mình lọt vào đề cử Grammy 2024 hạng mục Best Boxed or Special Limited Edition Package (Thiết kế ấn phẩm đặc biệt của năm) cho album Gieo của nhóm nhạc Ngọt.
Còn trên mạng xã hội, người ta bắt đầu like, share kết quả thể hiện niềm tự hào, ngạo nghễ khi có đại diện người Việt Nam đầu tiên được đề cử Grammy, và cũng là người Đông Nam Á đầu tiên ở hạng mục cho giải thưởng thiết kế này.
Từ khóa "Duy Đào Grammy" nhanh chóng lọt top tìm kiếm trên các trang mạng xã hội. Công chúng dành nhiều sự tò mò, đặt ra nhiều câu hỏi về chàng trai này: Duy Đào là ai? Profile "xịn" cỡ nào? Duy Đào làm gì để vụt sáng, vươn tầm quốc tế?...
Chưa có quá nhiều thông tin rộng rãi về anh chàng "biết tên không biết mặt" nhưng mọi người vẫn phải ồ lên một tiếng thật to khi biết bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk viral mấy tháng trước, Duy Đào cũng chính là người đứng sau và lãnh đạo với vai trò Giám đốc sáng tạo và designer chính.
Sau liên tiếp 2 dự án lớn gồm re-branding của Vinamilk và album Gieo của Ngọt, không còn chạy vòng vòng trong phòng vì xúc động, điều Duy Đào băn khoăn nhất hiện tại là… đóng gói mang ruốc tôm sang tiếp tế cho em ruột đang làm thạc sĩ ở Mỹ, vì tiện thể đi sang dự Lễ trao giải Grammy vào ngày 4/2/2024 tại Los Angeles (Mỹ). Ngoài ra thì cũng cố có 1 bộ quần áo tử tế, đúng dress code để đi dự.
"Nếu may mắn được nhận giải, tôi mang cúp về nhà và đặt lên bàn thờ ông nội. Còn không nhận được giải, cũng vẫn phải đi về, về ăn Tết chứ còn gì nữa", Duy Đào cười và nói.
Vậy đấy, một người tự nhận mình "hâm thật" thì luôn có những câu trả lời bất ngờ mà chẳng ai nghĩ tới. Cũng giống như việc, Duy nói mình cần "ngồi thở và không làm gì để lấy lại sức" sau khi hoàn thành 2 dự án lớn nhưng thực chất anh chưa bao giờ nghỉ ngơi hoàn toàn hay ngừng dòng chảy suy nghĩ về mọi thứ.
Những người xung quanh Duy lúc nào cũng sẽ thấy anh đang bận làm gì đó. Không phải dự án thì cũng là những vấn đề liên quan tới cuộc sống thường ngày.
"Cho dù có ‘không làm gì’ thì tôi cũng vẫn luôn bận. Bận ngồi suy nghĩ, học thêm đàn, học các kiến thức ngoài chuyên môn của mình. Tôi thích học những thứ như vậy vì đó cũng là vốn sống, giúp cuộc sống trở nên nhiều màu hơn và sẽ có lúc cần phải dùng đến. Tự học cũng là tự chơi 1 mình mà.
Những người làm sáng tạo như tôi không có cuối tuần, cũng không có ngày trong tuần. Tức là, sẽ luôn làm một cái gì đó, không phải cứ giải quyết xong công việc hay dự án là xong", Duy Đào giải thích.
Đây một phần là sở thích, một phần là "bản sắc" của những người làm sáng tạo. Vì cảm hứng sáng tạo của Duy gắn liền với giấc mơ con người, với những câu chuyện trong cuộc sống. Anh quan niệm, cuộc sống luôn tự kể câu chuyện cho chúng ta, chỉ là mình có nhìn ra hay không. Duy Đào sẽ thu gom lại những cái đó, cất gọn vào từng góc riêng trong bộ não, nghe có vẻ "đồng nát" nhưng mà Duy dám chắc sẽ có lúc dùng đến.
Nói về những mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng của chính mình, Duy luôn thể hiện sự tự tin cao. Chẳng hạn, nếu đặt ra mục tiêu là quãng đường đi từ A đến B, Duy Đào khẳng định mình sẽ cố để đi được đúng lộ trình bằng mọi cách. Trong hành trình ấy, Duy tin vào gốc rễ của bản thân là người luôn nghiên cứu rất kỹ tất cả mọi thứ, có một vốn sống và chuyên môn tốt… và tự tin với bản thân cùng những người làm cùng mình.
Thế nhưng, dù là vô hình hay hữu hình, ai cũng sẽ có những nỗi sợ riêng. Duy Đào sợ thời gian, sợ những gì bản thân chưa biết, nhưng cũng tò mò với những thứ mình sẽ biết. Ngoài ra, còn có những nỗi sợ "tâm linh" hơn như là: sợ đen, sợ xui.
"Tôi là người châu Á nên có kiêng có lành. 2 năm nay, tôi kiêng không ăn mực, không ăn vịt. Lúc mới nhận dự án không dám ăn vì sợ xui, làm xong rồi cũng không dám ăn vì đợi xem kết quả như thế nào. Xong rồi lại bắt đầu 1 việc khác. Cứ thế, dự án này, nối tiếp dự án kia nên… mãi chưa được ăn mực. Dù tôi cực thèm ăn mực chiên giòn".
Là người làm sáng tạo, có 10 năm sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ nhưng cách Duy Đào nói chuyện khiến người ta cảm giác, anh chưa từng rời xa Hà Nội, rời xa Việt Nam dù chỉ một giây. Từ cách thể hiện tình yêu với Hà Nội - nơi sinh ra và lớn lên, những câu nói không chêm tiếng Anh mà lại thích ví von ca dao, tục ngữ, đến cả những thói quen ẩm thực của Duy đều mang đậm nét truyền thống người Việt.
Vì vậy, Duy Đào rất sợ khi ai đó chẳng may nhầm và nói rằng anh là người Mỹ gốc Việt.
"Có một số người hiểu nhầm tôi là người Mỹ gốc Việt. Chắc là do tôi đảo tên họ ngược lại nên nghe có vẻ hải ngoại (cười). Tôi không thích điều này, không thích bị thay đổi quốc tịch của mình và cũng không thích nhận những thứ không phải là mình.
Tôi tôn trọng giá trị và học hỏi những điều tốt đẹp ở các quốc gia trên thế giới. Nhưng tôi không bao giờ quên mình là người Việt. Và người Việt mình cũng có rất nhiều người giỏi.
Những giá trị của người Việt thì mình nên tôn vinh và tự hào. Nên tôi rất sợ ai đó nói hay hiểu nhầm tôi là người Mỹ gốc Việt. Tôi chỉ đi "ngó nghiêng" một tí rồi lại về, tôi vẫn ăn phở Hàng Đồng có hành, vẫn ăn xôi chả chan nước thịt, uống trà bát bảo thêm viên đá vỉa hè mà".
Duy Đào là một người có "chút nghệ"!
Nói vậy là bởi chất cảm ở trong Duy Đào "khác người" lắm. Ngoài duy mỹ, anh còn dễ rung động, lãng mạn trong mọi mối quan hệ: giữa người với người, người với vật, con người với thiên nhiên,... Nhìn đâu cũng thấy có câu chuyện gì đó đang kể, thấy vui, thấy buồn rõ rệt. Cũng vì thế mà Duy Đào nói bản thân có tính thơ "chảy trong người".
Ngoài đời là vậy. Còn khi vắt óc suy nghĩ, làm công việc sáng tạo của mình, Duy cũng quen với việc người đời nhận xét mình "hâm hâm", kỹ tính và khó tính. Mặc dù chưa từng nhận bản thân là nghệ sĩ nhưng rõ ràng Duy có những tư duy trừu tượng, những yêu cầu siêu cầu toàn đến mức người bình thường đôi khi cảm thấy khó hiểu.
"Nhiều người làm với tôi thì nghĩ là tôi khó tính, có người thì lại thấy tôi rất dễ tính. Thực ra thì tôi chỉ khó tính với những người không khó tính với bản thân họ thôi. Còn những người khó tính với bản thân thì chắc chắn là phải tin họ rồi.
Tôi không coi thiết kế là làm nghề nghệ thuật. Bản chất của thiết kế vẫn là làm dịch vụ. Tất cả sản phẩm đều là của mình nhưng không phải dành cho mình. Nên có "chất nghệ" hay "hâm hâm" thì vẫn phải hòa hợp, phục vụ cho mục đích chung và phải làm tốt nhất có thể. Có người "hâm" ít, người "hâm" nhiều. Có người "hâm" theo kiểu không làm phiền đến ai nhưng có người lại rất phiền phức. Ai nhận xét tôi "hâm" cũng được, miễn là sản phẩm làm ra tốt nhất và mang lại 1 giá trị nào đó".
Ai cũng tưởng làm sáng tạo chắc lúc nào cũng phải "bay bay", có những tiêu chuẩn theo dạng "kén cá chọn canh" riêng. Tuy nhiên điều này ở Duy Đào lại rất bình thường. Anh cũng có lúc cạn kiệt năng lượng, những "thớ cơ" trong não mệt mỏi y hệt như bắp chân vừa được chạy vài vòng… Những lúc như vậy, các mảnh ghép lộn xộn tưởng là "đồng nát" mà Duy từng kể sẽ được phát huy tác dụng.
"Tôi nhiều khi nhận các dự án chỉ để trả lời cho những câu hỏi tu từ trong đầu mình. Tự hỏi xem mình có làm được không, tò mò xem hướng giải quyết sáng tạo nào sẽ được mình nghĩ ra. Thước đo cuộc sống và công việc của tôi được tính bằng sự lãng mạn. Nếu thấy những thứ có nhiều yếu tố đó, tôi sẽ rất được thu hút. Tôi hay tự hỏi là mỗi khi làm dự án là có xứng đáng hoặc công bằng không? Xứng đáng là nếu đối tượng hoặc chủ đề mình làm mang 1 giá trị tốt cho cộng đồng và xã hội. Còn công bằng là về tài chính và thời gian của tôi và những người làm cùng. Làm nghề nào cũng thế, ít khi có đủ cả 2 yếu tố đấy, nhưng tôi luôn thấy may mắn vì được làm việc, dù có như thế nào.
Ngày xưa tôi thích đọc truyện Đô-rê-mon, mỗi ngày Nôbita sẽ nói với chú mèo máy 1 vấn đề, và các cách giải quyết của Đô rê mon thì mỗi lần 1 khác, mặc dù các vấn đề của Nôbita khá giống nhau (cười). Đối với tôi đó là sáng tạo, và tôi cũng cố gắng hướng đến điều đấy trong mỗi dự án mình làm", quan điểm làm nghề của Duy Đào.
“Nhà tôi 3 đời làm nghề não phải” có lẽ là câu nói vui nhưng lại rất đúng với Duy Đào. Anh cũng chẳng ngại khi nhận mình là “con nhà nòi”.
Duy luôn biết mình là thế hệ sau trong một gia đình có ông nội là NSND Đào Đức - chỉ đạo mỹ thuật/ họa sĩ phim truyện đầu tiên và xuất sắc của xưởng phim Việt Nam, có bố là danh họa Đào Hải Phong với tầm ảnh hưởng lớn trong làng mỹ thuật Việt Nam. Với nền tảng vững chắc, cùng với những tượng đài cần vươn tới, giống như thế hệ trẻ của Việt Nam, Duy mang trong mình sứ mệnh kế thừa, phát huy những gì thế hệ trước đã làm.
Anh chàng gọi mình là thế hệ chuyển giao. Những gì Duy và các bạn trẻ đang làm cũng chính là những thứ mà ngày xưa ông nội, bố cũng muốn làm nhưng chưa có đủ điều kiện để thực hiện. Vì thế nên phải cố gắng hết sức để nối tiếp những ước mơ còn dang dở của ông cha.
"Quan trọng là khi cờ đến tay thì nhớ phất, để về sau không tiếc nuối", Duy nói.
Bản thân Duy Đào hay thế hệ trẻ hiện tại, tất cả đều có chung một nguồn năng lượng, cùng cháy một ngọn lửa giống nhau: Muốn làm những thứ mới, vượt xa khỏi khuôn khổ đã có; thích tìm tòi, thích tiên phong và mở khóa hết những điều thú vị trong cuộc sống.
"Thời nào cũng có khó khăn cần vượt qua. Ngày trước, người làm sáng tạo khó hơn vì không có đủ điều kiện nhưng vẫn có những người rất giỏi, thì giờ người trẻ cũng phải vượt qua chướng ngại vật để không uổng công những người đi trước đã mở đường cho mình. Chúng ta nhìn vào cách những người đi trước làm, học cách tư duy, tiếp cận và lấy đó làm động lực để làm việc của mình.
Các bạn trẻ thời nay đều biết điều đấy, những người trẻ làm sáng tạo ở Việt Nam họ rất cố gắng. Họ không còn so sánh với nhau nữa mà bắt đầu so với quốc tế, vươn đến những tiêu chuẩn cao hơn, những giấc mơ lớn hơn.
Giống như việc thiết kế nhận diện mới cho Vinamilk, tôi luôn nghĩ đến hình ảnh bịch sữa của Việt Nam đặt cạnh các thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,... và cả khi đặt ở những quốc gia khác ngoài Việt Nam. Như vậy cần làm thế nào để không thua kém họ. Ở đây, tôi không bàn đến ngon hay đẹp vì đó là gu thẩm mỹ của mỗi người. Nhưng ít ra, tiêu chuẩn về hình ảnh thiết kế của mình cũng không hề lép vế khi so với quốc tế".
Ở thời điểm hiện tại, khi mọi thứ mở cửa, đất nước đang ngày càng phát triển, Duy Đào cho rằng là cơ hội tốt để người trẻ "đón sóng" và quan trọng hơn là "cưỡi sóng", nhập cuộc nhanh và cùng nhau giăng buồm ra biển lớn. Duy Đào không nhận mình là người tạo sóng bởi thế hệ trước đã có rất nhiều người làm điều này, trong đủ mọi lĩnh vực. Có rất nhiều tên tuổi từ nghiên cứu khoa học, thể thao đến nghệ thuật - là người Việt Nam được vinh danh ở tầm cỡ thế giới, mang về tự hào cho dân tộc. Nên với Duy, anh chỉ đang cưỡi lên con sóng lớn cùng các bạn trẻ để tạo thành một con sóng to hơn, vững mạnh hơn.
"Tôi tự nghĩ ra cụm từ ‘đẩy lề’. Tôi nghĩ mình muốn là một người đẩy lề, cố vượt qua những cái mọi người đã làm được để làm được thêm những cái mới. Về sau sẽ có những người giỏi hơn tôi, được làm những cái khác hơn nữa, đó cũng là đẩy lề của họ. Thế hệ sau phải có nghĩa vụ tốt hơn thế hệ trước. ‘Tre già măng mọc’, ‘con hơn cha là nhà có phúc’ mà. Ai cũng muốn thế hệ sau giỏi hơn, tôi cũng luôn mong muốn và tin những bạn trẻ hơn mình sẽ làm tốt hơn nữa".
Đôi khi, việc tạo nên sự đặc biệt ở bản thân không phải cái gì đó cao siêu mà lại chính là gốc rễ 100% Việt Nam của mình.
Duy Đào là một người như thế. Nhìn vào sản phẩm của anh, nhiều người nhận xét có "tư duy Tây", các thiết kế đều rất hiện đại và mang "vibe" quốc tế. Tuy nhiên Duy lại nghĩ khác. Là bởi mọi người đã quen với những thứ vốn có nên khi nhìn vào sản phẩm của anh sẽ thấy nó "giống Tây" nhưng đổi lại, khi các bạn bè quốc tế nhìn những thiết kế này ở nước ngoài, đặt cạnh các sản phẩm quốc tế, thì nó lại chắc chắn rất Việt Nam.
Nếu để tả đúng nhất về lòng tự hào dân tộc, kiêu hãnh khi là người Việt Nam của Duy Đào, anh ví với cảm xúc vui sướng trong thể thao. Cách đây gần 1 thập kỷ khi Duy Đào vẫn là một cậu sinh viên người Việt duy nhất ở trường Đại học, đêm hôm ngồi xem video vận động viên Hoàng Xuân Vinh - người Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Vàng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam tại đấu trường Thế vận hội Mùa hè 2016, đã xúc động rơm rớm nước mắt rồi ngồi đọc sách đến hết sáng. Là những cảm xúc khi đội tuyển bóng đá Việt Nam mỗi lần thắng. Có lẽ vì cùng 1 cảm xúc như thế mà trước khi biết tin được đề cử, Duy cũng đã ngồi rơm rớm nước mắt trong phòng như cách anh đã làm cách đây nhiều năm.
"Tôi là người Việt, sinh ra ở đây, uống nước ở đây, có làm gì vẫn là của một người Việt Nam làm. Cho dù tôi có làm cho thương hiệu Việt, nghệ sĩ Việt hoặc cho một thương hiệu/nghệ sĩ hay chủ đề ở nước ngoài thì khi ai đó biết tới người đứng sau - đó vẫn luôn là tôi - người Việt Nam", Duy Đào nói một cách đầy tự hào.
Phải dùng từ "tự hào" bởi như vậy mới có thể miêu tả rõ Duy Đào khi anh nói những câu này. Và đó cũng chính là tinh thần mà Duy Đào luôn mong muốn hướng tới. Tiêu chuẩn nhất định phải so với thế giới, với những cường quốc khác nhưng vẫn phải mang bản sắc của người Việt.
Ngay trong album Gieo, dù nhìn rất phương Tây nhưng nếu phân tích kỹ, tất cả mọi thứ đều ảnh hưởng từ văn hóa Việt Nam. Không chỉ về ý tưởng mà còn sử dụng chất liệu từ những lễ hội, những yếu tố Việt cài cắm, đan xen không thể lẫn đi đâu. Duy Đào tin rằng, chính những điều đó tạo nên sự khác biệt và Hội đồng Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thu âm quốc gia Mỹ khi nhìn sẽ nhận ra và biết đó là thiết kế đến từ Việt Nam.
"Châu Á nói chung đang có rất nhiều sản phẩm mang tính ‘đánh dấu chủ quyền’ được hình thành rõ rệt. Chẳng hạn như bộ phim Ký Sinh Trùng - bộ phim Châu Á nhận được giải Oscar - đó rõ ràng là một chủ đề mang đậm màu sắc Châu Á nhưng khi đưa ra thế giới, mọi người đều vẫn cảm nhận được như một ngôn ngữ chung. Hay như các nhóm nhạc Hàn hoặc truyện tranh manga Nhật, dù mang chất của Hàn, của Nhật nhưng lại được công nhận là các giá trị văn hoá quốc tế.
Tôi cũng mong điều này với những sản phẩm của Việt Nam. Tận dụng những chất liệu quê hương có sẵn rồi phát triển và đem ra thế giới - vừa đúng tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn độc bản, có chất riêng với các quốc gia khác".
Gọi tư duy này của mình theo cách hoa mỹ hơn, Duy nói đó là ước mơ toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc Việt Nam.
Nó cũng giống như cách anh xây dựng cho mình mơ ước từ khi còn là cậu học sinh cấp 3 ở Hà Nội rằng sau khi "ngó nghiêng" xong ở Mỹ sẽ về Việt Nam và cố gắng cùng mọi người vươn tầm quốc tế tại chính nơi mình sinh ra và lớn lên.
Đặc biệt hơn, sống ở nước ngoài lâu nhưng không có tên "tây", tự mở studio riêng cũng chỉ đặt vỏn vẹn: Studio DUY. Điều này ở Duy Đào khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.
"Hồi ở nước ngoài, tên tôi mọi người hơi khó đọc và đã có nhiều lần được yêu cầu có tên tiếng Anh để đồng nghiệp, sếp, hoặc các giáo sư dễ đọc hơn. Nhưng tôi không muốn đặt tên tiếng Anh cho bản thân mình hay studio mà muốn giữ tên tiếng Việt, muốn mọi người đọc tiếng Việt. Hơn nữa, đó cũng là cách tôi đặt tiêu chuẩn cho mình, không ai muốn những thứ không chỉn chu gắn với tên mình. Tôi thích từ ‘duy’ vì nó mang nghĩa duy nhất, nhưng lại là một từ vô nghĩa nếu đứng một mình, luôn phải đi cùng một từ khác thì mới có ý. (vd: duy mỹ, duy tâm, duy nhất…) Cũng giống như việc tôi làm vậy. Nếu không có đồng đội thì chắc chắn là tôi chả có giá trị gì".
Không chỉ dừng lại ở một cái tên, Duy Đào còn là sự tác động lớn đến đội ngũ thiết kế trẻ trong nước, buộc họ phải vươn xa hơn, mơ lớn hơn với những tiêu chuẩn cao hơn. Những tư duy của Duy Đào cùng việc anh lọt đề cử giải Grammy chính là "cú nổ", thước đo mới cho những người làm thiết kế sáng tạo ở Việt Nam.
Với cá nhân Duy, tiêu chuẩn là những sự đầu tư và chỉn chu trong suy nghĩ, những ý tưởng hay, thành phẩm đẹp. Hơi trừu tượng và không thể cắt nghĩa rõ ràng nhưng Duy Đào luôn có chiến lược rõ ràng cho mỗi sản phẩm. Như Duy Đào, anh sẽ không bao giờ dừng lại và ngừng học hỏi, sẽ luôn tìm thấy nhiều thứ thú vị của cuộc sống để vươn tiếp về phía trước.
"Ai cũng đều có áp lực hết. Nhưng mọi người không nên so sánh mình với ai cả tại mỗi người có một lộ trình riêng. Chúng ta nên độc lập trong suy nghĩ nhưng không cô đơn trong lộ trình của mình. Chúng ta nên chạy theo tiêu chuẩn cá nhân tốt hơn chứ không chạy theo giải thưởng hay gì đó hào nhoáng. Quan trọng là phải tìm được niềm vui lúc làm việc. Lúc nấu mà thấy vui thì chắc chắn bữa cơm sẽ ngon rồi".
"Thị trường sáng tạo của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực thiết kế nói riêng sẽ còn vươn xa hơn nữa bởi nó sẽ luôn đi kèm với giấc mơ của con người. Và đích đến của tôi có lẽ cũng giống nhiều người trẻ cùng lứa: Ước mơ toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc Việt Nam.
Các giá trị mang tính quốc tế được bắt đầu từ Việt Nam khác với khi nó bắt đầu từ Úc, Mỹ, Thái Lan,... Nhiệm vụ của chúng ta phải tìm được lời giải cho sự khác nhau đó như thế nào. Luôn đi tìm tiêu chuẩn quốc tế nhưng sản phẩm phải có nhận diện quốc gia, nhìn là biết đến từ Việt Nam. Mọi thứ đều đang rất thuận lợi cho người trẻ sáng tạo từ điều kiện sống, bản sắc văn hóa đa dạng,... Chúng ta đều có thể tạo ra những nét riêng và vươn tới thế giới".
Giống các bình luận của các bạn trẻ cả nước viết: "Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa vươn tới Grammy" - hẳn là một hành trình rực rỡ với Duy Đào nhưng anh cho rằng vẫn còn rất xa với những thứ anh muốn làm.
Duy Đào nói: "Tôi vẫn đang tìm kiếm những giấc mơ tiếp theo trong cuộc sống của mình. Tôi sẽ luôn tiếp tục đi, tiếp tục học và tiếp tục làm, và chắc chắn là luôn tiếp tục lên kế hoạch cho những giấc mơ lãng mạn của mình".
Email: