Xã hội

Lao động nữ nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ có bị cho thôi việc? Chế độ thai sản ra sao?

Thứ hai, ngày 28/04/2025 14:36 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Khi mang thai, do sức khỏe yếu nên nhiều lao động nữ đã buộc phải tạm nghỉ việc để dưỡng thai, tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều chị em làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân không khỏi lo lắng về việc có bị cho thôi việc hay không?

Mang thai là niềm vui lớn, nhưng nếu bác sĩ yêu cầu nghỉ dưỡng thai từ sớm, nhiều chị em làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân không khỏi lo lắng: Nếu nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ liệu có được hưởng chế độ thai sản? Đây là băn khoăn của rất nhiều lao động nữ, bởi mỗi doanh nghiệp sẽ có những quy định khác nhau.

Lao động nữ nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ có bị cho thôi việc? Chế độ thai sản ra sao?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Như trường hợp của chị P.N.L. 29 tuổi, đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty tư nhân ở Hà Nội. Chị L. ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty từ tháng 1/2020 và tham gia BHXH từ đó đến nay liên tục không gián đoạn với quá trình đóng như sau:

- Từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2022 (29 tháng) đóng BHXH với mức lương 4.730.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2024 (15 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.500.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 4/2024 đến tháng 1/2025 (10 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên từ tháng 1/2025, chị phát hiện mang thai 1 tháng, nhưng theo yêu cầu của bác sĩ, chị cần phải nghỉ ở nhà dưỡng thai, không được phép đi lại vì sức khỏe thai nhi yếu. Chị được bác sĩ cấp giấy nghỉ dưỡng thai 90 ngày chia làm 3 đợt (từ 1/2/2025 - 28/2, đợt 2 từ 1/3 - 31/3/2025, đợt 3 từ 1/4 - 30/4) tương ứng tháng thứ 2-5 của thai kỳ, do nguy cơ dọa sảy thai). Sau đó chị xin nghỉ dưỡng thai ở nhà với công ty.

Đến tháng 5/2025, dự kiến chị sẽ đi làm lại với mức đóng BHXH 6.000.000 đồng/tháng.

Trong trường hợp này chị L. thắc mắc: “Chị xin nghỉ việc để nghỉ dưỡng thai thời gian dài như vậy thì có được nhận tiền thai sản sau khi không? Nếu sinh con thì được bao nhiêu?”.

Nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ thai sản?

Theo khoản 3, Điều 50 về Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản Luật BHXH 2024:

Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ; đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con.

Trong trường hợp của chị L. dự sinh vào tháng 10/2025, trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2025, liên tục không gián đoạn (54 tháng). Như vậy chị L. đảm bảo điều kiện thời gian đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên từ 12 tháng trước khi nghỉ dưỡng thai chị (tháng 2/2024).

Như vậy, theo quy định trên, chị L. đủ điều điều kiện hưởng chế độ thai sản sau khi sinh con vì chị L. đáp ứng đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH bắt buộc.

Lao động nữ nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ có bị cho thôi việc? Chế độ thai sản ra sao?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nghỉ dưỡng thai có bị công ty cho thôi việc?

Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ:

Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo đó, công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang mang thai. Nói cách khác, người lao động nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ không thể bị công ty cho thôi việc.

Nếu tự ý cho người lao động này nghỉ việc, công ty sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi đó, công ty buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền nhất định.

Mặc dù công ty không thể đuổi việc nhưng các bên có thể thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng hoặc người lao động cũng có thể chủ động đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019.

Chị L. nhận được bao nhiêu tiền thai sản trong khi sinh con?

Theo khoản 1 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì trợ cấp thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trong trường hợp của chị L. dự sinh vào tháng 10/2025, dự kiến đi làm lại tháng 5/2025, chị L. sẽ có 05 tháng tham gia BHXH trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Cùng với đó, chị L. có thời gian nghỉ dưỡng thai từ tháng 2/2025-4/2025, không cần tham gia BHXH.

Như vậy: 06 tháng tham gia BHXH gần nhất của chị L. bao gồm:

05 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là (9/2025-5/2025)

01 tháng trước khi nghỉ dưỡng thai (1/2025)

Tiền thai sản trong thời gian sinh con của chị L. được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của chị L. = [(6.000.000 x 5) + (6.000.000 x 1)]/6 = 6.000.000 đồng.

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị L. là 6.000.000 đồng/tháng.

Và số tiền hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con của chị L. = 6.000.000 đồng/tháng x 6 tháng = 36.000.000 đồng.

(Trên đây chỉ là ví dụ minh hoạ về cách tính tiền thai sản trong thời gian sinh con của chị L. Ngoài ra, chị L. có thể nhận được thêm những khoản trợ cấp thai sản khác như: Nghỉ khám thai; Tiền dưỡng sức,... 

Người lao động muốn biết chính xác rõ hơn về cách tính trợ cấp thai sản theo Luật BHXH 2024 có thể liên hệ với cơ quan bảo hiểm để tìm hiểu chi tiết).

Chia sẻ

Thanh Thanh

Ý kiến của bạn