Luận bàn

Mấy năm trước mà không “đánh liều” vay tiền tỷ thì giờ vẫn ở nhà thuê, chẳng biết bao giờ mới mua nhà nổi

Chủ nhật, ngày 23/02/2025 18:21 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Hiện tại chưa trả hết nợ, nhưng vẫn vui vì đã kịp mua nhà khi giá BĐS chưa tăng cao.

Nhìn giá BĐS trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nhiều người chỉ biết thở dài vì giá nhà tăng chóng mặt quá, có sẵn 1-2 tỷ cũng “chưa thấm vào đâu” nếu muốn an cư lạc nghiệp ở các thành phố lớn. Trong bối cảnh đó, cũng có không ít người lại thở phào, dù khoản nợ vay mua nhà vẫn còn đang đè lên vai.

Họ nhẹ lòng vì vài năm trước đã quyết tâm đi vay tiền mua nhà. Nếu lúc đó mà chần chừ, do dự, thì giờ này có lẽ vẫn còn đang đi ở nhà thuê, chẳng biết bao giờ mới có tấm sổ hồng trong tay.

Hành trình có căn nhà đầu tiên gói gọn trong một chữ: Liều!

Không khó để bắt gặp những tâm sự như vậy trong các hội nhóm, cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, bàn chuyện mua nhà. Có người tất tay mua nhà dù còn độc thân, có người kết hôn xong, chuẩn bị sinh con mới tính chuyện tậu BĐS. Mỗi người 1 hoàn cảnh, 1 câu chuyện, điểm chung duy nhất là họ đều phải vay tiền, và đều mua nhà từ cách đây vài năm - khi giá BĐS chưa “chót vót” như bây giờ.

Mấy năm trước mà không “đánh liều” vay tiền tỷ thì giờ vẫn ở nhà thuê, chẳng biết bao giờ mới mua nhà nổi- Ảnh 1.

25 tuổi, vay ngân hàng 1 tỷ, “ứng lương” 1 tỷ để có căn nhà đầu tiên. 3 năm oằn mình trả nợ, nghĩ lại thấy áp lực nhưng cũng xứng đáng

Mấy năm trước mà không “đánh liều” vay tiền tỷ thì giờ vẫn ở nhà thuê, chẳng biết bao giờ mới mua nhà nổi- Ảnh 2.

Trong tay mới có 50 triệu, hoặc 200 triệu nhưng cũng tất tay vay tiền tỷ để đi mua nhà

Hoặc như chia sẻ của cặp vợ chồng mua nhà năm 2022 và mới trả hết nợ gần đây: "Vợ chồng em bằng tuổi, đều sinh năm 1996, từ quê ra Hà Nội học rồi ở lại làm. Hai đứa lấy nhau năm 2022, rồi cuối năm đó em bàn với chồng em mua nhà chung cư để ổn định cuộc sống. Hai vợ chồng ngồi tính toán số tiền hai đứa tích cóp từ lúc đi làm, tiền sau đám cưới, tổng góp vào được tầm 1,3 tỷ.

Bọn em nói chuyện với gia đình hai bên và rất may mọi người đều ủng hộ. Căn nhà em giá mua đợt đó là 2,2 tỷ đồng. Vợ chồng em vay họ hàng bạn bè được 600 triệu, còn đâu bố mẹ hai bên hỗ trợ. Thế là bọn em đã có căn nhà đầu tiên.

Tiền thưởng tết năm đó, hai vợ chồng để làm nội thất, và cả hai bắt đầu quá trình tích cóp trả nợ từ tháng 2/2023. Mục tiêu là trả nợ càng sớm càng tốt, vì mọi người đã tin tưởng cho mình vay. Thu nhập thực tế của cả hai khoảng 40 triệu/tháng, mỗi tháng chỉ tiêu tối đa 8 triệu cho tất cả các chi phí, còn lại đều gom tiền đi trả nợ.

Đợt đó bọn em kiểu ngày đi làm, tối về nhà, ngày lễ cũng đi làm, không đi ăn ngoài, không mua quần áo mới,... Nói chung là không mua gì cả. Đến tháng 3/2024 thì chính thức trả hết nợ. Đấy là câu chuyện của nhà em cả nhà ạ. Giá nhà chung cư giờ tăng chóng mặt, em nghĩ may mà đợt đó quyết tâm mua, chứ đợi đến giờ thì khó mà mua được nhà như ý với ngân sách 2,2 tỷ".

3 điều cần cẩn trọng, lưu tâm khi vay tiền mua nhà

Nếu quyết định vay tiền mua nhà, bạn cần lưu tâm 3 vấn đề dưới đây, để phòng trường hợp mua nhà xong, áp lực trả nợ lại trở thành gánh nặng quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

1 - Phương án tính toán khoản vay mua nhà

Để khoản vay mua nhà không ảnh hưởng tới chi tiêu, sinh hoạt chung của bản thân hoặc gia đình, bạn có thể áp dụng quy tắc 28/36.

Mấy năm trước mà không “đánh liều” vay tiền tỷ thì giờ vẫn ở nhà thuê, chẳng biết bao giờ mới mua nhà nổi- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.

Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.

Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 40.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:

- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 40.000.000 x 28% = 11.200.000.

- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 40.000.000 x 36% = 14.400.000.

2 - Ưu tiên vay tiền người thân trước khi vay ngân hàng

Nếu bắt buộc phải vay tiền mua nhà, hãy ưu tiên vay người thân trước khi vay ngân hàng, vì thông thường, vay người thân sẽ không mất lãi; hoặc nếu lãi, khoản lãi có thể cũng sẽ "nhẹ nhàng" hơn nhiều lãi vay ngân hàng.

Vậy nên, cố gắng vay tiền người thân, đồng thời lên kế hoạch tiết kiệm để trả nợ cho họ, rồi xem còn thiếu bao nhiêu, hãy vay ngân hàng.

3 - Vay ngân hàng thời hạn dài

Khoản vay thời hạn càng lâu, số tiền lãi bạn phải trả sẽ càng nhiều. Tuy nhiên, với những khoản vay lớn như vay mua nhà, bạn vẫn nên vay với thời hạn 5, 10 hoặc 15 năm. Vì như vậy, số tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) sẽ giảm. Nếu không may bị giảm thu nhập trong thời gian đang phải trả nợ vay nhà, gánh nặng và áp lực nợ nần, cũng sẽ nhẹ đi phần nào.

Chia sẻ

Ngọc Linh

Ý kiến của bạn