Luận bàn

Mẹ bỉm 32 tuổi, 8 năm "kinh nghiệm" trầm cảm: Nếu không có chuyên gia tâm lý, tôi không chắc mình còn ở đây

Thứ sáu, ngày 04/04/2025 09:00 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Ở độ tuổi 32, Dung đã có 8 năm “kinh nghiệm” đối mặt với trầm cảm: Một lần từ khi chưa chồng con gì, một lần trong khi mang thai và sau sinh.

Cuộc tranh cãi về những "nhà trị liệu tâm lý tự xưng" mấy ngày vừa qua chợt khiến chúng tôi nảy ra một thắc mắc: Sự khác biệt giữa nhà trị liệu tâm lý/chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp - được đào tạo chính quy bài bản, và những chuyên gia tâm lý "tự xưng", là gì?

Tạm bỏ qua những nhận định của người làm chuyên môn trong lĩnh vực tham vấn, trị liệu tâm lý, vì đối tượng đầu tiên và cũng là đối tượng sau cùng chịu tác động, không là ai khác ngoài những người đã hoặc đang gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Họ cảm thấy như thế nào, họ đã thay đổi ra sao nhờ có sự đồng hành của chuyên gia, nhà trị liệu tâm lý là vấn đề chúng tôi muốn đi tìm câu trả lời.

Xét từ góc độ người tiếp nhận các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, liệu họ có quan tâm đến vấn đề bằng cấp, chứng chỉ hành nghề của chuyên gia/nhà trị liệu tâm lý hay không, hay tất cả những gì họ cần chỉ là có một người lắng nghe mình mà không phán xét?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thùy Dung (sinh năm 1993) - Một bà mẹ bỉm sữa, một người vượt qua 2 giai đoạn trầm cảm với sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp, để tìm lời giải đáp cho thắc mắc trên.

Mẹ bỉm 32 tuổi, 8 năm "kinh nghiệm" trầm cảm: Nếu không có chuyên gia tâm lý, tôi không chắc mình còn ở đây- Ảnh 1.

Phí trị liệu liệu có phản ánh độ uy tín và năng lực của chuyên gia tâm lý?

Ở thời điểm hiện tại, phí trị liệu tâm lý quả thực khiến nhiều người... không biết đâu mà lần. Có chuyên gia thu 2-3 triệu đồng/phiên trị liệu kéo dài đâu đó 60-90 phút, nhưng cũng có người chỉ thu 500-800k cho phiên trị liệu với thời gian tương tự.

Chúng ta vẫn thường nghĩ "giá thành đi đôi với chất lượng", việc gì mà chẳng thế?! Nhưng với trải nghiệm 2 lần vượt "bão trầm cảm" với sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, chị Thùy Dung khẳng định chắc nịch: Không thể đánh giá độ uy tín và khả năng của nhà trị liệu nếu chỉ nhìn vào mức phí họ thu.

Mẹ bỉm 32 tuổi, 8 năm "kinh nghiệm" trầm cảm: Nếu không có chuyên gia tâm lý, tôi không chắc mình còn ở đây- Ảnh 2.

"Lần đầu tiên mình đi trị liệu tâm lý là vào năm 2017. Ở thời điểm đó thì các dịch vụ tham vấn tâm lý chưa phổ biến như bây giờ, thông tin về các chuyên gia, nhà trị liệu cũng rất ít, quả thực có tìm trên mạng cũng chưa chắc đã ra.

Mình may mắn có người thân làm việc trong ngành Y, nên ngay từ đầu, mình đã được hỗ trợ bởi người có chuyên môn. Lần đó, mình trị liệu với chuyên gia làm việc tại Phòng tham vấn Tâm lý của Đại học Y tế Công cộng. Chi phí cho 1 phiên tham vấn 90 phút ở thời điểm năm 2017 là 400k.

Đến năm 2022, sau khi mình sinh em bé và có dấu hiệu tái trầm cảm, mình vẫn liên hệ lại với chuyên gia đã hỗ trợ mình trước đây. Lúc đó, chuyên gia đã không còn công tác tại Đại học Y tế Công cộng, chi phí có tăng lên thành 800k/phiên trị liệu. Và đến giờ, như mình được biết thì mức phí ấy vẫn chưa tăng.

Vậy nên, không thể đánh giá độ uy tín hay khả năng của nhà trị liệu nếu chỉ nhìn vào mức phí họ thu, nhất là trong bối cảnh "ai cũng tự nhận là chuyên gia tâm lý" như bây giờ" - Chị Thùy Dung khẳng định.

Nhưng nếu không phải là chi phí, vậy thì điều gì sẽ phản ánh rõ nhất về độ chuyên nghiệp cũng như khả năng chuyên môn của một chuyên gia tâm lý? Bởi như chị Thùy Dung chia sẻ, ở thời buổi "ai cũng tự nhận là chuyên gia" và tự do thu phí tiền triệu cho khoảng 1 tiếng tham vấn, trò chuyện, đúng là quá khó để tìm được người có tâm có tầm.

Với thắc mắc này của chúng tôi, chị Thùy Dung không cần tới 1 giây suy nghĩ. Câu trả lời chị đưa ra đơn giản đến mức bất ngờ. 

1 là bằng cấp, 2 là hợp đồng trị liệu - văn bản làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà trị liệu với thân chủ trước khi bắt đầu quá trình trị liệu.

"Với những chuyên gia công tác tại các bệnh viện lớn hoặc các phòng khám uy tín, mọi người có thể yên tâm về vấn đề bằng cấp, chứng chỉ hành nghề cũng như chuyên môn của họ. Nhưng nếu nhận sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý làm việc tự do, một trong những yếu tố quan trọng bắt buộc phải quan tâm vì quyền lợi của chính bản thân mình, là hợp đồng/cam kết trong quá trình trị liệu.

Chuyên gia tâm lý có nhiệm vụ phải bảo mật thông tin của thân chủ, thậm chí, trong trường hợp thân chủ có dính dáng tới pháp luật - chẳng hạn như ly hôn và kiện tụng chia tài sản, giành quyền nuôi con, chuyên gia tâm lý có thể làm chứng hay không? Rồi nếu trong trường hợp tệ nhất, là đã đi trị liệu rồi, mà thân chủ cuối cùng cũng tự kết liễu cuộc đời, thì trách nhiệm của nhà trị liệu với thân chủ và gia đình của thân chủ thế nào? Tất cả những thỏa thuận đó cần được làm rõ và phải làm rõ bằng văn bản" - Chị Thùy Dung bộc bạch và nhấn mạnh đó là những điều mà chuyên gia tâm lý đã chủ động làm rõ với chị, trước khi bắt đầu quá trình trị liệu.

Trị liệu tâm lý là một quá trình "dài hơi", khó mà xong trong vài buổi

Những chia sẻ phía trên của chị Thùy Dung chắc hẳn đã phần nào giúp chúng ta có góc nhìn cụ thể và rõ ràng hơn trong việc chọn chuyên gia tâm lý để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất.

Nhưng bàn về hành trình trị liệu tâm lý - mà ở đây là trị liệu để vượt qua giai đoạn trầm cảm, có lẽ, vẫn còn không ít người chưa hình dung được cụ thể quá trình ấy sẽ diễn ra thế nào. Và liệu rằng trị liệu tâm lý cho một người bị trầm cảm sau sinh, với trị liệu tâm lý cho người độc thân - người trẻ, có khác nhau hay không?

Là một người đã trải qua 2 lần trầm cảm, một lần ở độ tuổi 24 khi chưa lập gia đình, và một lần ở tuổi 29 - sau khi sinh con, chị Thùy Dung cho biết: Căn nguyên khác nhau thì cách trị liệu có lẽ cũng sẽ khác.

Mẹ bỉm 32 tuổi, 8 năm "kinh nghiệm" trầm cảm: Nếu không có chuyên gia tâm lý, tôi không chắc mình còn ở đây- Ảnh 3.

"Mình không học về ngành Tâm lý, nên cũng không dám tự tin nói chuyện chuyên môn nhưng từ 2 lần trị liệu tâm lý để vượt qua trầm cảm ở những giai đoạn khác nhau, mình nhận thấy có cả điểm chung và những điểm khác biệt trong việc trị liệu.

Điểm chung là lần nào cũng phải làm "bài tập về nhà" mỗi tuần, sau mỗi phiên trị liệu.

Còn khác biệt thì là lần đầu tiên, mình chỉ cần trị liệu tâm lý khoảng 8 tháng, mỗi tuần 2 buổi trong 5 tháng đầu và mỗi tuần 1 buổi trong 3 tháng sau, là đã có thể dừng trị liệu vì bản thân đã ổn. Nhưng tới lần thứ 2, chuyên gia gợi ý mình đi khám tâm thần và kết hợp dùng thuốc được kê đơn bởi bác sĩ tâm thần. Lần 2 là mình điều trị kết hợp: Cả trị liệu tâm lý lẫn thuốc kê đơn của bác sĩ tâm thần. Mất khoảng 15 tháng, mình mới ổn, mới có thể dừng trị liệu và giảm dần lượng thuốc cho đến khi cắt hẳn thuốc" - Chị Thùy Dung bộc bạch.

Nhìn lại chặng đường có phần chông gai mà bản thân đã vượt qua, chị Thùy Dung thừa nhận nếu năm xưa không may mắn gặp được chuyên gia tâm lý có tâm có tầm, chị cũng không dám chắc bây giờ mình còn ngồi ở đây để trò chuyện, để kể về những khúc gập ghềnh trong quá khứ.

Chị bật cười khi kể về những lần "làm bài tập về nhà" sau mỗi phiên trị liệu, khi thì là viết nhật ký, khi thì là tập đếm nhịp thở để đưa bản thân vào trạng thái không nghĩ bất kỳ điều gì, khi lại là việc "phải cách ly với tất cả người thân trong gia đình" trong vòng tối thiểu 15 phút mỗi ngày,...

Nhờ kiên trì và chịu khó "làm bài tập về nhà" từng tuần như vậy, đến giờ này, chị Thùy Dung đã có thể tự tin khẳng định mình ổn.

"Ổn ở đây không phải là mình không bao giờ buồn, không bao giờ nghĩ tiêu cực nữa. Cuộc đời mà, làm gì có ai làm được vậy. Ổn ở đây nghĩa là kể cả có buồn, có gặp khó khăn trở ngại, mình cũng biết nên làm gì để bản thân không chìm sâu trong những suy nghĩ rối ren. Mình nhận biết được cả những suy nghĩ tiêu cực của bản thân, để tự đối mặt, tự thoát ra. Mình nghĩ rằng đó chính là ý nghĩa của việc kiên trì trị liệu tâm lý với chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp.

Đến một lúc nào đó, dù cuộc đời có ra sao, mình cũng có thể tự tin đối mặt".

Chia sẻ

AMT

Ý kiến của bạn