Xã hội

MỚI NHẤT: Cách tính trợ cấp đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/7, được lợi hơn trước đây nhờ điểm này

Thứ ba, ngày 13/05/2025 15:06 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi từ từ 1/7/2025 được hưởng trợ cấp có phần có lợi hơn so với quy định trước đó nhờ yêu cầu đóng BHXH tối thiểu giảm từ 20 năm xuống 15 năm theo Luật BHXH 2024.

Các chế độ, chính sách hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP, đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo quyền lợi và tạo động lực cho công chức, viên chức tham gia tinh giản biên chế hoặc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Những chính sách này, bao gồm trợ cấp hưu trí một lần, trợ cấp theo thời gian công tác, và duy trì bảo hiểm y tế, không chỉ giúp ổn định tài chính, giảm áp lực tâm lý cho người lao động.

Tuy nhiên sắp tới đây khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025, nhiều trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thắc mắc liệu điều kiện và cách tính trợ cấp có gì khác so với hiện hành hay không?

MỚI NHẤT: Cách tính trợ cấp đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/7, được lợi hơn trước đây nhờ điểm này- Ảnh 1.

Các khoản trợ cấp không có sự thay đổi

Cả hai nhóm công chức nghỉ hưu trước tuổi (trước và sau 1/7/2025) đều được hưởng các khoản trợ cấp tài chính sau:

- Trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm

Trong 12 tháng đầu từ 15/3/2025: Tiền lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm

Từ tháng thứ 13 trở đi (sau 15/3/2026): Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm.

Trong đó: Tiền lương hiện hưởng: Bao gồm lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp (chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề, công vụ, v.v.) và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

- Trợ cấp theo số năm nghỉ hưu trước tuổi

Cứ mỗi năm nghĩ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 05 tháng tiền lương hiện hưởng (tính tròn năm: 1-6 tháng = 0,5 năm, trên 6 tháng = 1 năm).

- Trợ cấp một lần cho thời gian đóng BHXH vượt mức (Điều 58 Luật BHXH 2014, Điều 68 Luật BHXH 2024):

Nếu thời gian đóng BHXH vượt mức cần thiết để đạt tỷ lệ lương hưu tối đa 75% (35 năm với nam, 30 năm với nữ), mỗi năm vượt được trợ cấp 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Công thức:

Nam: (Số năm đóng BHXH - 35) × 0,5 × Mức bình quân tiền lương.

Nữ: (Số năm đóng BHXH - 30) × 0,5 × Mức bình quân tiền lương.

- Không giảm tỷ lệ lương hưu

Bảo hiểm y tế (BHYT): Quỹ BHXH tiếp tục đóng BHYT cho người nghỉ hưu trước tuổi, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh.

Không giảm tỷ lệ lương hưu: Công chức nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế không bị trừ 2% tỷ lệ lương hưu cho mỗi năm nghỉ sớm, khác với quy định thông thường.

MỚI NHẤT: Cách tính trợ cấp đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/7, được lợi hơn trước đây nhờ điểm này- Ảnh 2.

Khác biệt về trợ cấp giữa hai nhóm

Sự khác biệt chính giữa hai nhóm công chức nghỉ hưu trước tuổi trước và sau ngày 1/7/2025 nằm ở thời gian đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu và mức trợ cấp theo thời gian công tác, do sự thay đổi từ Luật BHXH 2014 sang Luật BHXH 2024. 

Nhóm nghỉ hưu trước tuổi trước ngày 1/7/2025

Theo khoản 3 Điều 24 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 18 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP) quy định thì cán bộ công chức nghỉ hưu trước tuổi được trợ cấp như sau:

- 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Có hiệu lực cho đến trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi trước 1/7/2025 (ngày có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội 2024) được hưởng trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 20 năm đầu công tác và 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác tính từ năm thứ 21 trở đi.

MỚI NHẤT: Cách tính trợ cấp đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/7, được lợi hơn trước đây nhờ điểm này- Ảnh 3.

Nhóm nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/7/2025 trở đi

Theo Khoản 6 Mục 2 Công văn 1814/BNV-TCBC năm 2025 quy định đối với cán bộ công chức viên chức nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1.7.2025 (ngày có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội 2024) thì hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác;

- Từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Ví dụ minh họa

Để hiểu rõ hơn sự khác nhau về trợ cấp của 2 nhóm công chức nghỉ hưu trước tuổi trước và sau ngày 1/7 được sửa đổi bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP, người lao động có thể theo dõi những ví dụ dưới đây để tham khảo.

Ví dụ 1

Ông Nguyễn Văn A., công chức cấp huyện, nghỉ hưu trước tuổi tháng 6/2025, còn 3 năm (36 tháng) đến tuổi nghỉ hưu, đóng BHXH 38 năm, lương hiện hưởng 12 triệu đồng/tháng, mức tiền lương bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Ông A. thuộc trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP, được hưởng những khoản trợ cấp sau:

Trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm.

= 12 triệu × 1 × 36 = 432 triệu đồng.

Trợ cấp theo năm nghỉ sớm = Tiền lương tháng hiện hưởng x 05 x Số năm nghỉ sớm.

= 12 triệu x 5 x 3 = 180 triệu đồng.

Trợ cấp theo thời gian công tác = Tiền lương tháng hiện hưởng X 05 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + (0,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi).

= 12 triệu đồng x [5 + (38 năm đóng BHXH - 20 năm đầu đóng BHXH) x 0,5] = 138 triệu đồng.

Trợ cấp BHXH vượt mức = (Số năm đóng BHXH - 35) × 0,5 × Mức bình quân tiền lương.

= (38 - 35) × 0,5 × 10 triệu = 45 triệu đồng.

Tổng trợ cấp: 432 + 180 + 138 + 45 = 795 triệu đồng.

MỚI NHẤT: Cách tính trợ cấp đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/7, được lợi hơn trước đây nhờ điểm này- Ảnh 4.

Ví dụ 2

Bà Trần Thị B., công chức cấp huyện, nghỉ hưu trước tuổi tháng 8/2025, còn 3 năm (36 tháng) đến tuổi nghỉ hưu, đóng BHXH 32 năm, lương hiện hưởng 11 triệu đồng/tháng, mức tiền lương bình quân 9 triệu đồng/tháng.

bà B.. thuộc trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP, được hưởng những khoản trợ cấp sau:

Trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm.

= 11 triệu x 1 x 36 = 396 triệu đồng (trong 12 tháng đầu từ 15/3/2025).

Trợ cấp theo năm nghỉ sớm = Tiền lương tháng hiện hưởng x 05 x Số năm nghỉ sớm.

= 11 triệu × 5 × 3 = 165 triệu đồng.

Trợ cấp theo thời gian công tác = Tiền lương tháng hiện hưởng X 05 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + (0,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi).

= 11 triệu x [ 4 + (32 năm đóng BHXH - 15 năm đầu) x 0,5] = 115,5 triệu triệu đồng.

Trợ cấp BHXH vượt mức = (Số năm đóng BHXH - 30) × 0,5 × Mức bình quân tiền lương.

= (32 - 30) × 0,5 × 9 triệu = 9 triệu đồng.

Tổng trợ cấp: 396 + 165 + 115,5 + 9 = 685,5 triệu đồng.

(Trên đây chỉ là ví dụ minh hoạ về cách tính chế độ đối với người nghỉ hưu trước tuổi theo diện tinh gọn, sắp xếp bộ máy.

Việc thực hiện chế độ hưu trí do BHXH Việt Nam đảm nhiệm khi có quyết định nghỉ hưu hợp lệ. Trường hợp có vướng mắc, người lao động cần liên hệ đơn vị công tác hoặc cơ quan Nội vụ địa phương để được hướng dẫn theo thẩm quyền).

Chia sẻ

Thanh Thanh

Ý kiến của bạn