Vui vẻ

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”

Thứ hai, ngày 07/07/2025 14:55 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Đó là những trăn trở thời hiện đại mà đạo diễn Celine Song đặt ra cho chúng ta xuyên suốt cả bộ phim Một Nửa Hoàn Hảo.

Ra mắt tại Liên hoan phim Sundance 2024 và nhanh chóng gây tiếng vang nhờ cú bắt tay giữa đạo diễn Celine Song và bộ ba diễn viên đình đám Dakota Johnson, Pedro Pascal và Chris Evans, Materialists (tựa Việt: Một Nửa Hoàn Hảo) không đơn thuần là một bộ phim tình cảm. Khi Lucy gặp Harry (Pedro Pascal thủ vai), một triệu phú hào hoa, chỉn chu và hội tụ mọi tiêu chuẩn vàng mà cô từng áp đặt lên khách hàng, cô nhanh chóng định vị anh như một “deal tốt” mà mọi người luôn mong muốn. Nhưng khi người yêu cũ là John (Chris Evans thủ vai), một anh chàng nghệ sĩ nghèo khó nhưng tinh tế, xuất hiện với đồ uống yêu thích của cô trên tay, Lucy buộc phải đối diện với vùng ký ức chưa từng quên lãng. Một bên là sự ổn định đáng ao ước, một bên là cảm xúc không tên từng bị chôn vùi. Một bên là lý trí được lập trình bài bản, một bên là trái tim luôn khiến ta dễ dàng rung động. Và ngay chính Lucy, người phụ nữ tưởng như kiểm soát mọi thứ, lại lúng túng, lạc hướng giữa chính hai thái cực đó.

Với tinh thần mổ xẻ rất khác biệt của Celine Song, Một Nửa Hoàn Hảo được đánh giá là một trong những tác phẩm tình cảm gây ấn tượng trong mùa hè này. Sau Past Lives, Celine Song tiếp tục chứng minh cô là một trong những đạo diễn hiếm hoi khai thác bản chất mong manh của tình yêu trong thời hiện đại mà không tô hồng cảm xúc. Hiện tại, phim đã đạt được 80% điểm đánh giá đến từ khán giả trên Rotten Tomatoes và nhận về loạt lời khen ngợi từ các buổi chiếu sớm tại Châu Á.

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”- Ảnh 1.

Tình yêu là một bài toán không có lời giải

Một Nửa Hoàn Hảo là một bộ phim có cách xây dựng nhân vật tinh tế hiếm thấy. Không vẽ nên những hình mẫu phi thực, Celine Song để họ tồn tại giữa đời sống với đầy đủ bối cảnh: nghề nghiệp, căn nhà, những mối quan hệ xung quanh. Lucy hiện lên rõ ràng nhất qua công việc của cô – một người làm dịch vụ mai mối tại New York được tiếp xúc với đủ kiểu khách hàng, từ những người sợ yêu cho đến những người coi tình yêu như một món hàng cần kiểm định chất lượng. Qua từng câu chuyện nhỏ, từng yêu cầu lạ đời từ công việc, khán giả dần hiểu hơn về hệ giá trị của Lucy, cách cô nhìn thế giới và cũng là cách cô tự nhìn chính mình.

Một chi tiết đáng chú ý nữa là cách bộ phim định hình không gian sống của từng nhân vật như một phần mở rộng của thế giới nội tâm. Căn hộ cao tầng đầy ánh sáng, lạnh lẽo và không cá tính của Harry, như một showroom của sự thành công đúng khuôn mẫu - từ đó tương phản mạnh với không gian nhỏ, cũ kỹ, ngổn ngang nhưng đầy dấu vết cá nhân của John. Và Lucy, đứng giữa hai thế giới ấy, không thể không tự hỏi: mình thuộc về đâu? Không có câu trả lời rõ ràng, bởi Một Nửa Hoàn Hảo không cố gắng đưa ra lựa chọn tối ưu. Bộ phim cũng không dựng nên một cuộc đua giữa hai người đàn ông để nhân vật nữ phải chọn ai là người tốt hơn, càng không biến tình yêu thành một trò chơi chọn đúng chọn sai, không tô hồng cảm xúc và cũng không kịch hóa bi kịch. Thứ mà Celine Song thực sự đặt lên bàn cân là nội tâm người phụ nữ hiện đại, những người tưởng chừng mạnh mẽ, lý trí và độc lập, nhưng lại mang trong mình nỗi sợ rất bản năng: sợ yêu sai, sợ tổn thương, sợ thất bại đến mức đánh mất luôn khả năng lắng nghe trái tim. Nhân vật Lucy là đại diện cho kiểu phụ nữ ấy. Cô thông minh, sắc sảo, hiểu rất rõ cách vận hành của thế giới và tình yêu qua lăng kính thực dụng. Nhưng chính vì hiểu quá rõ nên cô luôn chọn phần an toàn. Cô không còn dám yêu theo bản năng, không còn tin vào những kết nối mơ hồ mà thay vào đó, cô phân tích, cân đo, tính toán rồi gạt bỏ những gì không chắc chắn ra khỏi cuộc đời mình.

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”- Ảnh 2.

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”- Ảnh 3.

Dàn diễn viên là điểm sáng lớn của phim. Nữ diễn viên Dakota Johnson mang đến một Lucy rất thật trong từng chuyển động nhỏ cũng như tâm lý nhân vật đều được cô khắc họa chính xác. Có những cảnh Lucy ngồi yên lặng trước hai người đàn ông, giữa một bữa ăn sang trọng hay trong chiếc xe cũ kỹ, và dù không nói gì, khán giả vẫn cảm nhận được tiếng ồn trong lòng cô. Có lúc cô nhìn Harry với vẻ thán phục nhưng hờ hững, có lúc lại nhìn John đầy cảnh giác nhưng dịu dàng. Hai ánh nhìn hoàn toàn khác biệt, dù chỉ diễn ra trong vài giây nhưng đủ để người xem hiểu rằng nhân vật đang tự xé lòng mình thành hai nửa. Cùng với đó, Pedro Pascal và Chris Evans không trở thành hai đầu cực để khán giả dễ dàng chọn phe mà mỗi người đều đại diện cho một loại cảm xúc trong tình yêu: cái lý tưởng và cái chân thật, cái khiến ta an toàn và cái khiến ta mong manh. Từ đó, ta được bước vào một hành trình đối diện với những tổn thương cũ, với nỗi cô đơn hiện hữu và với chính câu hỏi chưa từng được trả lời: rốt cuộc ta muốn gì trong tình yêu?

Nghệ thuật của những khoảng lặng biết nói

Cách kể chuyện của Celine Song trong Một Nửa Hoàn Hảo không dành cho người vội vàng mà cần chúng ta suy ngẫm và đồng điệu cùng nhân vật. Suốt gần hai tiếng đồng hồ, phim trôi đi bằng những nhịp thở dài, bằng ánh nhìn không vội vã, bằng những câu thoại đứt quãng bị chen ngang bởi khoảng lặng. Thay vì theo đuổi cấu trúc ba hồi quen thuộc hay tạo ra các bước ngoặt kịch tính, Celine Song để các nhân vật sống đúng với trạng thái mơ hồ, hoang mang và đầy giằng xé của con người hiện đại. Có lẽ nếu ai đó thử đếm số phút mà nhân vật không nói gì, họ sẽ bất ngờ vì phim có quá nhiều khoảng im lặng. Nhưng chính trong những phân đoạn tưởng như trống rỗng đó lại tồn tại những chuyển động nội tâm sâu sắc. Một cái liếc mắt chậm rãi, một hơi thở nén lại hay một ánh nhìn kéo dài cũng đủ khiến cảm xúc chảy tràn mà không cần bất kỳ lời thoại nào.

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”- Ảnh 4.

Sự tinh tế của Celine Song nằm ở việc nữ đạo diễn biết khi nào nên để khoảng trống xuất hiện. Celine Song tin vào trực giác của người xem, tin rằng khán giả không cần phải được chỉ đường cảm xúc mà chỉ cần được đặt vào đúng không gian, đúng thời điểm và được phép tự cảm nhận. Nhạc nền cũng vì vậy mà không xuất hiện dày đặc hay lấn át. Thay vào đó, khán giả được nghe tiếng xe vọng qua cửa sổ, tiếng ly chạm nhẹ vào mặt bàn, tiếng thở dài không rõ ràng... tất cả trở thành một bản giao hưởng âm thầm của đời sống nội tâm. Trong thế giới đó, cảm xúc không được biểu hiện ra bằng hành động kịch tính hay lời thoại phô trương, mà hiện diện trong từng cử chỉ vụn vặt: cách John lái xe và nhìn Lucy, cách Harry im lặng sau một câu nói không được đáp lại, hay cách Lucy trầm tư như đang tự trò chuyện với chính mình.

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”- Ảnh 5.

Tuy nhiên, cũng vì lựa chọn phong cách kể chuyện chậm rãi, phim dễ khiến một bộ phận khán giả cảm thấy hụt hẫng. Những ai quen với tiết tấu nhanh, các nút thắt rõ ràng và cú bẻ lái bất ngờ sẽ thấy nhịp phim này có phần lê thê hay thậm chí là buồn ngủ. Nhiều phân cảnh chỉ gồm hai người ngồi cạnh nhau trong tĩnh lặng, không kết luận, không cao trào. Những lựa chọn đó tuy đầy chủ đích nhưng cũng rất dễ bị hiểu lầm là thiếu kịch tính hoặc thiếu trọng tâm. Với khán giả yêu cầu sự dứt khoát trong cách dẫn chuyện, bộ phim này có thể bị gán mác là lửng lơ, khó hiểu, thậm chí là “không có gì để xem”.

Nhưng Celine Song có vẻ như cũng không cố làm vừa lòng tất cả. Bộ phim dành cho những ai đủ từng trải, đủ nhạy cảm, đủ trầm tĩnh để nhìn vào sự lặng lẽ mà thấu hiểu. Với người chưa từng ngồi giữa một mối quan hệ không gọi tên được, chưa từng đối diện cảm xúc nửa vời không biết rẽ lối nào, Một Nửa Hoàn Hảo sẽ chỉ là một bộ phim tình cảm chậm rãi. Còn với người đã từng sống qua cảm giác đó, phim giống như một chiếc gương soi chiếu lại những gì mình từng cất giấu rất sâu trong lòng. Không bi kịch, không đẫm lệ, nhưng đủ sức để khiến tim khẽ nhói lên trong lặng thinh.

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”- Ảnh 6.

Chấm điểm: 3.5/5

Một Nửa Hoàn Hảo không phải là bộ phim để xem một lần rồi quên. Nó không đưa ra câu trả lời rõ ràng, không ép buộc nhân vật phải lựa chọn, cũng không chiều chuộng người xem bằng những cú chuyển mình đầy cao trào. Thay vào đó, phim để lại dư vị – một cảm giác lặng thinh nhưng âm ỉ, như thể ai đó vừa khẽ chạm vào vết thương chưa lành trong lòng bạn. Celine Song không chọn con đường an toàn mà kể một câu chuyện đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự đồng cảm và một chút từng trải để thực sự thấu hiểu. Và chính vì thế, dù không hoàn hảo ở mọi mặt, bộ phim vẫn là một lát cắt điện ảnh rất riêng, rất đáng nhớ và đáng trải nghiệm trong mùa hè này.

Một Nửa Hoàn Hảo: Hành trình đối diện với nỗi cô đơn và câu hỏi “chúng ta muốn gì trong tình yêu”- Ảnh 7.

 

Chia sẻ

Van Nguyen

Ý kiến của bạn