Sức khỏe

Người phụ nữ 56 tuổi chi tiền triệu cho miếng dán "hồi xuân" và cái kết bất ngờ

Thứ bảy, ngày 05/07/2025 17:18 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Bà Trình đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục nghìn nhân dân tệ để mua một lượng lớn miếng dán này với hy vọng có thể thực hiện được ước mơ làm mẹ lần nữa.

Một nữ doanh nhân thành đạt ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã chi hàng chục nghìn nhân dân tệ cho miếng dán được quảng cáo là có thể "khởi động lại tuổi xuân" với mong muốn sinh con thứ hai. Tuy nhiên, phép màu hão huyền đã biến thành cơn ác mộng khi bà phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.

Khao khát làm mẹ ở tuổi ngũ tuần và cú sốc "hồi xuân" bất ngờ

Phó Giám đốc khoa Phụ sản Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu (Trung Quốc), bác sĩ Ngưu Tranh, đã gặp một trường hợp hy hữu. Bệnh nhân là bà Trình (56 tuổi), một nữ doanh nhân thành đạt, đến khám với niềm vui khôn xiết: "Bác sĩ ơi, tôi đã mãn kinh 10 năm rồi mà tự nhiên lại có kinh nguyệt, liệu tôi có thể mang thai sinh con được không?".

Người phụ nữ 56 tuổi chi tiền triệu cho miếng dán "hồi xuân" và cái kết bất ngờ- Ảnh 1.

Bà Trình vốn chỉ có một con và luôn mong mỏi có thêm con thứ hai. Ước mơ này tưởng chừng đã tắt hẳn sau khi bà bất ngờ mang thai và phải phá thai ở tuổi 45, dẫn đến việc mãn kinh. Thế nhưng, gần đây, bà bỗng thấy kinh nguyệt trở lại, làn da cũng trở nên mịn màng, tươi trẻ hơn, cứ như được trẻ lại cả chục tuổi.

Với kinh nghiệm dày dặn, bác sĩ Ngưu Tranh ngay lập tức cảm thấy có điều bất thường. Kết quả siêu âm cho thấy niêm mạc tử cung của bà Trình dày bất thường và có polyp tử cung. Xét nghiệm máu cũng phát hiện nồng độ estrogen vượt xa mức bình thường. Sau khi gặng hỏi, bác sĩ mới biết được nguyên nhân. Hóa ra bà Trình đã chi một số tiền lớn để mua một loại "miếng dán năng lượng" hay miếng dán "hồi xuân" được quảng cáo là có thể "khởi động lại tuổi xuân" và giúp phụ nữ rụng trứng trở lại.

Người phụ nữ 56 tuổi chi tiền triệu cho miếng dán "hồi xuân" và cái kết bất ngờ- Ảnh 2.

Loại miếng dán này được rao bán với giá khá đắt đỏ, hai miếng đã có giá vài nghìn nhân dân tệ. Bà Trình đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục nghìn nhân dân tệ để mua một lượng lớn miếng dán này với hy vọng có thể thực hiện được ước mơ làm mẹ lần nữa. Sau hai tháng sử dụng, bà Trình thấy kinh nguyệt trở lại và tin rằng mình đã tìm thấy "thần dược".

Cái giá phải trả cho "giấc mơ hồi xuân" và lời cảnh tỉnh cho chị em phụ nữ

Bác sĩ Ngưu Tranh cho biết loại "miếng dán năng lượng" mà bà Trình sử dụng thực chất chỉ là miếng dán estrogen thông thường, lại còn là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Giá trị thực của nó chỉ bằng một phần mười so với số tiền mà bà Trình đã bỏ ra.

Mặc dù estrogen có tác dụng làm giảm các triệu chứng mãn kinh, cải thiện làn da và thậm chí là giúp kinh nguyệt trở lại, nhưng việc tự ý sử dụng estrogen không theo chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm. Việc lạm dụng estrogen có thể gây rối loạn nội tiết tố, kích thích niêm mạc tử cung phát triển quá mức, dẫn đến polyp tử cung, tăng sản nội mạc tử cung và thậm chí là ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú.

May mắn là sau khi kiểm tra bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ vú và xét nghiệm các dấu ấn ung thư, bác sĩ chưa phát hiện ra dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng nào ở bà Trình. Tuy nhiên, bác sĩ Ngưu Tranh vẫn nghiêm khắc yêu cầu bà Trình ngừng sử dụng miếng dán ngay lập tức và phải tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng niêm mạc tử cung.

Những thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ ngoài 50 tuổi – khi mãn kinh gõ cửa

Sau tuổi 50, hầu hết phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh – thời điểm buồng trứng ngừng hoạt động và khả năng sinh sản gần như chấm dứt hoàn toàn. Sự thay đổi sâu sắc về nội tiết tố, đặc biệt là sự suy giảm estrogen, progesterone và hormone kích thích nang trứng (FSH), là yếu tố chính gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản trong độ tuổi này.

Estrogen và progesterone là hai hormone chủ chốt trong chu kỳ kinh nguyệt và quá trình rụng trứng. Khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, nồng độ hai hormone này giảm mạnh và không còn dao động theo chu kỳ. Điều này dẫn đến ngưng rụng trứng và kết thúc kinh nguyệt – biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy hệ sinh sản đã dừng hoạt động.

Một nghiên cứu công bố trên Fertility and Sterility (2013) cho thấy, nồng độ estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh có thể giảm tới 90% so với thời kỳ tiền mãn kinh, khiến niêm mạc tử cung không còn phát triển và không còn khả năng làm tổ cho phôi thai. Đồng thời, progesterone – hormone hỗ trợ sự ổn định nội mạc tử cung – cũng giảm mạnh, khiến tử cung không còn môi trường thuận lợi cho quá trình mang thai.

Dù rất hiếm, một số trường hợp phụ nữ sau 50 vẫn có thể mang thai nhờ sử dụng trứng hiến tặng và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng thai kỳ sau mãn kinh có nguy cơ cao hơn về biến chứng cho cả mẹ và thai nhi, bao gồm tiền sản giật, sinh non và đái tháo đường thai kỳ (Journal of Perinatal Medicine, 2020).

Tóm lại, sau tuổi 50, sự suy giảm nội tiết tố không chỉ là nguyên nhân gây mãn kinh mà còn đánh dấu sự kết thúc chức năng sinh sản tự nhiên của người phụ nữ. Việc hiểu rõ cơ chế thay đổi nội tiết sẽ giúp phụ nữ có quyết định phù hợp trong hành trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và cân nhắc về kế hoạch gia đình từ sớm.

Chia sẻ

TT

Ý kiến của bạn