Vui vẻ

Những câu nói của bố mẹ khiến trẻ trở nên nhút nhát, không dám phản kháng và chấp nhận bị người khác bắt nạt

Thứ hai, ngày 26/05/2025 14:04 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

5 câu nói này sẽ giết chết sự tự tin trong đứa trẻ.

Bố mẹ nào cũng yêu con, nhưng đôi khi những lời nói vô tình lại trở thành "chiếc kìm" kìm hãm sự mạnh mẽ của trẻ. Dưới đây là những câu nói khiến trẻ trở nên nhút nhát, sợ hãi và dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt:

1. "Con phải nghe lời người lớn, không được cãi!"

Khi bố mẹ nói với con mình câu này, trẻ hiểu rằng mình không có quyền phản kháng, kể cả khi bị đối xử bất công.

Dần dần trẻ lựa chọn im lặng và chấp nhận bất kỳ vấn đề gì xảy đến với mình. Thậm chí, trẻ sợ hãi khi phải nói ra vấn đề của bản thân nên lựa chọn việc cam chịu tất cả.

Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến việc khi bị bắt nạt, hay phải chịu điều gì đó bất công, trẻ sẽ im lặng chịu đựng vì nghĩ "mình phải nghe lời".

Những câu nói của bố mẹ khiến trẻ trở nên nhút nhát, không dám phản kháng và chấp nhận bị người khác bắt nạt- Ảnh 1.

2. "Mặc kệ đi, đừng mách lẻo!"

Tác hại của câu nói này là khiến trẻ tin rằng kể hay phản ánh về việc bị bắt nạt là xấu, nên sẽ giấu kín nỗi đau.

Trẻ sẽ tự cho rằng mọi lỗi lầm đều là ở mình, bản thân bị bắt nạt, bị hành hung hay bị đối xử không tốt đều bắt nguồn từ chính bản thân mình. Từ đó trẻ sẽ không nhận định đúng về chính bản thân mình và những tình huống xảy đến với mình.

Hậu quả có thể khiến cho trẻ không được bảo vệ đúng lúc và kẻ bắt nạt càng lấn tới, khiến cho trẻ càng tổn thương sâu sắc.

3. "Con phải nhường bạn, không được tranh giành!"

Đứa trẻ quá non nớt để hiểu được giới hạn của việc nhường nhịn và ranh giới của sự tranh giành. Trẻ sẽ hiểu sai về sự công bằng và cho rằng công bằng là luôn phải hy sinh bản thân, luôn chấp nhận chịu thiệt thòi.

Con cũng có thể trở thành những người ngại từ chối, không dám nói "không" với sự nhờ vả, đòi hỏi từ ai đó. Điều này sẽ khiến trẻ khi lớn lên, va chạm với xã hội sẽ thường xuyên phải chịu thiệt thòi về phần mình.

Khi đi học, trẻ dễ trở thành "con ngoan dễ bắt nạt" trong mắt bạn bè. Và ngay cả khi bị bắt nạt trẻ cũng không dám phản kháng, không dám nhờ đến sự hỗ trợ của người lớn vì sợ bị đành giá là đứa trẻ không ngoan.

4. "Chắc do con gây sự/có lỗi trước!"

Hành động đổ lỗi cho nạn nhân là 1 hành động rất đáng lên án. Trong khi bố mẹ đáng ra phải là người bảo vệ con cái thì câu nói này lại khiến cho trẻ cảm thấy mình không được ai bảo bọc, không được ai tin tưởng. Điều àny khiến trẻ không dám tâm sự với bố mẹ nữa.

Hậu quả của câu nói này là khiến trẻ nghĩ mình đáng bị bắt nạt. Từ đó trẻ dần trở nên tự ti, chấp nhận số phận. Không bao giờ dám có tư tưởng đứng lên bảo vệ chính bản thân mình hay đấu tranh vì quyền lợi của bản thân mình.

5. "Con phải chịu đựng/ Con phải chấp nhận!"

Một câu nói dạy trẻ cam chịu bất công như phần tất yếu của cuộc sống. Khiến cho trẻ nghĩ rằng mình xứng đáng phải chịu những điều không tốt đẹp và không được phép than vãn, lên tiếng vì điều đó.

Trẻ khi bị đối xử bất công thay vì đứng lên phản kháng, tìm lại công bằng cho mình thì lại chấp nhận và cố gắng chịu đựng tất cả.

Lớn lên trong lời nói này, trẻ mất khả năng tự bảo vệ, dễ trở thành mục tiêu lâu dài của những kẻ thích bắt nạt.

Những câu nói của bố mẹ khiến trẻ trở nên nhút nhát, không dám phản kháng và chấp nhận bị người khác bắt nạt- Ảnh 2.

Những Câu Nên Nói Để Trẻ Tự Tin & Mạnh Mẽ

"Con có quyền nói 'KHÔNG' nếu ai đó làm con khó chịu"

"Nếu bị bắt nạt, hãy kể ngay cho bố mẹ. Không ai được phép làm tổn thương con kể cả đó là bố/mẹ hay chính bản thân con"

"Đôi lúc im lặng không phải là ngoan, mà còn khiến bản thân gặp nguy hiểm"

"Con xứng đáng được tôn trọng. Đừng sợ lên tiếng!"

Lời Khuyên Cho Bố Mẹ

Dù con ở bất kỳ độ tuổi này thì việc bố mẹ nên làm là lắng nghe con thay vì phán xét hay gạt đi lời con nói.

Dạy con kỹ năng phản kháng, tự vệ để bảo vệ bản thân mình thay vì dạy con cam chịu, chấp nhân bất kỳ điều gì tiêu cực mà người khác gây ra cho mình.

Khuyến khích con kết bạn nhiều hơn, giao tiếp nhiều hơn. Hãy khen con khi con làm đúng và giải thích cặn kẽ khi trẻ làm sai. Trẻ tự tin thường ít bị bắt nạt hơn.

Chia sẻ

Minh Uyên

Ý kiến của bạn