Vui vẻ

Phía sau câu chuyện nhân viên mới nhận việc viết email xin mang mèo đến công ty, HR đòi "xử lý"

Thứ tư, ngày 10/07/2024 14:22 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Tiếp nối chuỗi câu chuyện về HR - ứng viên trên Threads nhưng lần này không còn luồng phản ứng tiêu cực, mà cả ứng viên lẫn người làm nhân sự đều được khen ngợi

Kể từ khi được ra mắt vào tháng 7/2023, Threads trở thành "cái nôi" cho mọi cuộc thảo luận, được mọi người, đặc biệt là giới trẻ, yêu thích sử dụng để thể hiện quan điểm hơn bất kỳ nền tảng MXH nào khác. Trong đó, rất nhiều cuộc tranh luận trên Threads bị đẩy lên cao trào, với phản ứng đôi khi khiến các "bảnh" phải than thở: Toxic quá!

Mới đây, một bài đăng của HR về đoạn email ứng viên có yêu cầu "lạ" vào ngày đầu nhận việc đang thu hút sự chú ý và tương tác khủng từ các người dùng Threads. Song, khác với những câu chuyện cùng chủ đề giao tiếp giữa HR - ứng viên từng gây bùng nổ tranh cãi tiêu cực trước đây, thì câu chuyện của bạn HR và nhân viên mới dưới đây chứa đầy sự đáng yêu.

Tưởng "phốt" hoá ra là...

Cụ thể, một bạn HR trẻ đăng tải hình ảnh trích một phần email của ứng viên gửi cho cô bạn, trong đó, ứng viên đồng ý nhận việc nhưng đính kèm theo một yêu cầu hiếm gặp: "Em xin phép hỏi là liệu em có thể mang mèo đến công ty không ạ, mèo của em không ở nhà một mình được ạ." HR đính kèm cùng chú thích "Trường hợp này xử lý sao đây?".

Phía sau câu chuyện nhân viên mới nhận việc viết email xin mang mèo đến công ty, HR đòi "xử lý"- Ảnh 1.

Bài đăng đang được thảo luận vô cùng sôi nổi.

Chỉ trong vòng 24 giờ, bài đăng nhận được 209k lượt xem, hơn 7k tim, 200 thảo luận và hơn 600 lượt đăng lại. Nhiều người dùng khi đọc chú thích đã nghĩ rằng bạn HR đang thể hiện thái độ không hài lòng trước yêu cầu kì lạ của ứng viên, và họ cố gắng đưa ra hướng giải quyết đẹp lòng đôi bên.

Song, dưới lời khuyên từ một cư dân mạng, cô bạn HR đã đính chính về caption gây hiểu lầm: "Ý tui là xử lý sao để bạn được đem mèo đi chứ tui cũng thích mèo". Hóa ra, đây không phải là bài đăng dùng Threads để trút xả tâm sự, bất mãn của HR thường thấy, mà thực sự cần "cao kiến" để hỗ trợ ứng viên.

Phản ứng của cô bạn sau đó khiến các người dùng bất ngờ, một số thở phào nhẹ nhõm vì câu chuyện không đi đến hồi căng thẳng: "Được tính là lật mặt không nhỉ? Caption khác với suy nghĩ thế?"; "10 điểm cho bà. Thật sự bất ngờ."

Tuy nhiên, từ chính câu chuyện này, nhiều người đi làm lâu năm chỉ chỉ ra vấn đề to hơn cả việc được hay không được mang mèo đến công ty, mà đó là câu chuyện về: GIAO TIẾP giữa nhân viên mới và những đồng nghiệp sếp, HR...

 "Sen" mang mèo đến công ty: Cần nhắc điều gì?

Netizen chỉ ra hai yếu tố quyết định cần cân nhắc là một khi có ý định mang thú cưng đến công ty: Có ảnh hưởng đến không gian chung (sức khỏe, vệ sinh) của những người đồng nghiệp khác, và có ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc hay không. Vì dù gì cũng là môi trường công sở, tập thể, trước khi làm bất cứ việc gì, phải để ý sự ảnh hưởng đến kết quả chung.

- "Bạn này lễ phép nên mình nghĩ cũng nên lễ phép lại được. Nếu luật công ty không cấm và con mèo không gây ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc chung, được sếp duyệt cho phép thì có thể đồng ý. Lời khuyên của mình là cầm thư điện tử này đi hỏi sếp."

- "Em nghĩ là tùy quy mô công ty ạ, nếu là công ty quy mô nhỏ, 1 phòng không quá nhiều người thì nên hỏi trước mọi người trong phòng (vì có nhiều người dị ứng, bị bệnh hô hấp sợ hít phải lông chó, mèo). Nếu tất cả đều đồng ý thì HR nên có 1 bộ quy tắc kiểu giữ vệ sinh, không làm phiền mọi người,..."

- "Trao đổi lại với cả lãnh đạo và nhân viên đó, nếu mèo ngoan không ảnh hưởng đến môi trường làm việc và năng suất của nhân viên đó thì không thiệt."

Phía sau câu chuyện nhân viên mới nhận việc viết email xin mang mèo đến công ty, HR đòi "xử lý"- Ảnh 2.

Muốn đem mèo đến văn phòng, phải tôn trọng luật lệ của công ty và không gian công cộng.

Cùng nêu ý kiến, rất nhiều bạn trẻ khuyến khích HR cho phép nhân viên mang động vật theo. Không chỉ là để hỗ trợ nhân sự mới, mà họ còn chỉ ra lợi ích mà những người bạn bốn chân mang đến cho văn phòng, trong đó, lợi ích lớn nhất vẫn là cải thiện tâm trạng cho nhân viên.

"Nhu cầu nuôi thú cưng ở văn phòng có vẻ cao. Trước phòng mình nuôi cá với cua ẩn sĩ, tinh thần đi làm của mọi người tốt hơn đó." - Một người dùng cho biết. Kèm theo đó là những hình ảnh, câu chuyện đáng yêu chứng thực về những người "đồng nghiệp" đặc biệt, luôn thu hút và tạo cảm giác vui vẻ cho những đồng nghiệp khác.

Phía sau câu chuyện nhân viên mới nhận việc viết email xin mang mèo đến công ty, HR đòi "xử lý"- Ảnh 3.
Phía sau câu chuyện nhân viên mới nhận việc viết email xin mang mèo đến công ty, HR đòi "xử lý"- Ảnh 4.

Nhiều người dùng chia sẻ hình ảnh "mèo công sở" dưới bài đăng, xem sự hiện diện của những người bạn bốn chân là niềm vui và khiến tinh thần họ thoải mái.

Bên cạnh nhiều người đùa cợt hài hước như "Bảo mèo gửi CV ứng tuyển thì sẽ được đi", "Tặng sếp một con, sếp ghiền là sẽ cho phép mang theo", một bộ phận thể hiện sự phật ý trước yêu cầu có phần "ngây ngô" của ứng viên.

Họ chỉ ra rằng nuôi mèo là sở thích cá nhân, việc quản lý thú nuôi trong lúc làm việc có thể gây xao nhãng. Bên cạnh đó, ý kiến mỗi người về các vật nuôi khác nhau, có người thích, có người ghét, nên tốt hơn hết là nên từ chối những vấn đề mang tính cá nhân.

- "Mấy công ty không chuyên sản xuất thì chắc còn có khả năng. Chứ công ty sản xuất thì chắc chắn là không rồi. Chẳng con gì là không ở một mình được cả. Còn không thì ở nhà với nó đi. Chứ công ty là nơi công cộng, có khả năng có người dị ứng hoặc không thích động vật. Không thể ép họ chịu đựng chỉ vì sở thích cá nhân được."

- "Thì cái này phải có ý kiến của ban lãnh đạo và cấp trên. Nếu chấp thuận thì phải có điều kiện ràng buộc. Nếu như không thì sau này sẽ rất rắc rối. Nên thường tránh lằng nhằng và ý thức của mỗi ng khác nhau. Công ty sẽ lựa chọn từ chối những vấn đề mang tính cá nhân."

Dù kết cục "yêu cầu lạ" của ứng viên có được đáp ứng hay không, thì cư dân mạng dễ thấy điều mấu chốt khiến phản ứng dưới bài đăng đa phần là tích cực, và để người HR dành thời gian cân nhắc, chủ yếu là nằm ở cách đối đáp lễ phép, lịch sự.

Đôi khi, có những ứng viên sẽ ngại đưa ra yêu cầu, vấn đề của mình, đặc biệt là vào những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, câu chuyện cho thấy kể cả một mong muốn mang tính cá nhân như mang theo mèo đi làm vì vật nuôi không thể ở nhà một mình, thì chỉ cần có cách đề nghị phù hợp, cũng có thể khiến HR, công ty không ngại cân nhắc. Vậy nên, trong email giao tiếp, hễ cứ đầy đủ chào hỏi, xin phép và kính ngữ, có thể là bước đầu tiên khiến HR "mát lòng" để ứng viên có thể thổ lộ những điều mình cần. Vẫn là câu nói "lời chào cao hơn mâm cỗ" không bao giờ sai!

Chia sẻ

M.L

Ý kiến của bạn