Vui vẻ

Phim Việt giờ vàng đừng đánh tráo khái niệm “chữa lành” nữa!

Thứ tư, ngày 23/07/2025 05:55 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Phim Việt giờ vàng những năm gần đây thịnh hành dòng phim chữa lành nhưng lành ở đâu thì khán giả không thấy.

Giờ vàng truyền hình Việt từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần đúng nghĩa với hàng triệu khán giả. Khoảng thời gian từ 20h đến 22h mỗi tối trên các kênh quốc gia như VTV1, VTV3 luôn là lúc gia đình quây quần bên nhau để cùng thưởng thức những bộ phim truyền hình Việt. Những cái tên như Về Nhà Đi Con, Hương Vị Tình Thân, Người Phán Xử, hay Sống Chung Với Mẹ Chồng không chỉ tạo cơn sốt rating mà còn trở thành hiện tượng văn hoá, được bàn luận khắp mạng xã hội đến mâm cơm gia đình.

Vài năm gần đây, một làn sóng mới đang len lỏi trong các bộ phim giờ vàng: dòng phim chữa lành. Với màu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng, những bộ phim này được kỳ vọng sẽ mang lại cảm giác yên bình, đồng cảm và khơi gợi cảm xúc tích cực giữa bối cảnh đời sống ngày càng áp lực. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không ít tác phẩm gắn mác “chữa lành” lại đi ngược với tinh thần ấy, thay vì xoa dịu, phim lại khiến khán giả mệt mỏi với những màn drama, bi kịch và hành xử phi lý.

Phim Việt giờ vàng đừng đánh tráo khái niệm “chữa lành” nữa!- Ảnh 1.

Phim “chữa lành” là gì?

Dòng phim healing (chữa lành) vốn đã không còn xa lạ với khán giả châu Á, đặc biệt là ở Hàn Quốc - cái nôi của nhiều bộ phim nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Phim chữa lành là thể loại tập trung vào cảm xúc tích cực, nhẹ nhàng, thường khai thác những mối quan hệ gia đình, tình yêu hoặc tình bạn theo hướng chữa lành vết thương tinh thần. Thay vì drama gay cấn hay cú twist chấn động, phim healing chọn cách kể chuyện chậm rãi, ấm áp, đưa người xem về những giá trị giản dị và cảm xúc chân thật.

Ở Hàn Quốc, những tác phẩm như Our Blues, My Liberation Notes, When the Weather Is Fine, Because This Is My First Life, Hospital Playlist, Hometonw Cha Cha Cha hay gần đây là Our Unwritten Seoul đã minh chứng rằng một bộ phim không cần quá nhiều biến cố vẫn có thể chạm đến trái tim người xem. Phim healing thường đặc trưng bởi tone màu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm, âm nhạc dịu dàng, đặc biệt là cách xây dựng nhân vật đầy chiều sâu, giúp khán giả đồng cảm và tìm thấy sự an ủi trong chính câu chuyện của họ.

Phim Việt giờ vàng đừng đánh tráo khái niệm “chữa lành” nữa!- Ảnh 2.

Hometonw Cha Cha Cha

Phim Việt giờ vàng chạy theo trend healing

Bắt kịp xu hướng châu Á, phim truyền hình Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm khung giờ vàng của VTV, bắt đầu dấn thân vào dòng phim chữa lành. Từ năm 2022 đến nay, một loạt tác phẩm đã ra đời với thông điệp “mang lại năng lượng tích cực” và “xoa dịu những tổn thương tinh thần cho khán giả”.

Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình là một trong những phim được quảng bá là “healing” khi xoay quanh gia đình ba anh em trai cùng sống chung dưới một mái nhà. Phim được xây dựng với gam màu ấm áp, nhiều tình huống hài hước, dễ thương, đậm chất gia đình Việt. Tương tự, Đừng Làm Mẹ Cáu khai thác câu chuyện làm mẹ đơn thân với sự góp mặt của những đứa trẻ đáng yêu, từng được kỳ vọng sẽ mang đến góc nhìn nhân văn, nhẹ nhàng.

Phim Việt giờ vàng đừng đánh tráo khái niệm “chữa lành” nữa!- Ảnh 3.

Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình

Sau đó là Trạm Cứu Hộ Trái Tim, Dịu Dàng Màu Nắng, Gặp Em Ngày Nắng… tất cả đều được định vị là phim chữa lành, với dàn diễn viên trẻ trung, màu sắc phim tươi sáng và nội dung nghe qua có vẻ tích cực. Thậm chí, các nhà sản xuất còn dùng chính từ khóa “healing” trong các bài phỏng vấn để miêu tả thông điệp của phim khiến khán giả tin chắc về những tác phẩm đúng và đủ vị. 

Nhưng đa phần chỉ là… chữa lành giả

Tuy nhiên, khi khán giả thực sự theo dõi các bộ phim này, cảm giác nhận lại lại không hề “chữa lành” như lời hứa. Phần lớn các tác phẩm đều mang nặng tính drama, mâu thuẫn gay gắt, nhân vật cư xử bất hợp lý và liên tục rơi vào những tình huống bi kịch. Thay vì cảm thấy được an ủi hay thấu hiểu, người xem nhiều lần bức xúc, mệt mỏi vì phim quá kịch và thiếu logic. Như Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình, phim mở đầu rất đúng chuẩn chữa lành nhưng bởi nó quá hot, biên kịch đã cố tình kéo dài thường lượng phát sóng bằng cách thêm thắt drama, làm phá vỡ cấu trúc thể loại và "làm phiền" cả người xem.

Phim Việt giờ vàng đừng đánh tráo khái niệm “chữa lành” nữa!- Ảnh 4.

Điển hình hơn cả của dòng phim chữa lành lỗi trên sóng giờ vàng chính là Trạm Cứu Hộ Trái Tim - một bộ phim mà chính ekip sản xuất khẳng định là “healing” nhưng thực chất lại đầy rẫy những tình tiết dày đặc mâu thuẫn, “vết thương nối tiếp vết thương”. Nhân vật liên tục rơi vào những bi kịch lặp lại: cha con hiểu lầm, mẹ đơn thân bỏ con, con trẻ bị lạm dụng, tình yêu tay ba, tay tư… Dù tên phim nghe nhẹ nhàng, nhưng nội dung lại không khác gì một “trạm drama” chứ không hề mang lại sự chữa lành.

Phim Việt giờ vàng đừng đánh tráo khái niệm “chữa lành” nữa!- Ảnh 5.

Khi bị phản ứng vì phim quá bi kịch, biên kịch và đạo diễn còn phản biện rằng muốn chữa lành thì phải có vết thương. Đây là một lập luận hợp lý nếu xét trong điện ảnh nói chung nhưng lại không phù hợp với tinh thần của dòng phim healing. Phim chữa lành không đồng nghĩa với việc “dội bom tâm lý” lên nhân vật để rồi kết thúc bằng vài câu thoại cảm động là đủ xoa dịu. Một bộ phim thực sự chữa lành cần sự tử tế ngay trong cách kể chuyện không bi kịch hoá mọi thứ, không khai thác tổn thương như một công cụ câu kéo cảm xúc.

Khi chữa lành trở thành chiêu bài truyền thông

Càng ngày, từ “chữa lành” càng bị lạm dụng trong truyền thông phim Việt. Cứ hễ một bộ phim có bối cảnh nhẹ nhàng, nhân vật nghề nghiệp tử tế, hoặc lời thoại tích cực là được gắn mác healing. Nhưng rõ ràng, việc chọn concept “chữa lành” không thể chỉ dừng ở hình thức.

Nhiều khán giả chia sẻ rằng họ xem phim với tâm thế muốn được thư giãn, giải tỏa sau một ngày dài áp lực, nhưng càng xem càng tức, càng mệt. Điều đáng tiếc là sự kỳ vọng vào dòng phim nhẹ nhàng này lại bị chính những bộ phim Việt “mượn danh” làm cho tiêu tan. Lâu dần, khán giả sẽ mất lòng tin vào phim Việt không phải vì chất lượng kỹ thuật hay diễn xuất, mà vì cách đặt nhãn cho sản phẩm.

Phim Việt giờ vàng đừng đánh tráo khái niệm “chữa lành” nữa!- Ảnh 6.

Không thể phủ nhận việc làm phim chữa lành là một thử thách lớn với nhà sản xuất: phải đủ tinh tế, sâu sắc, giàu trải nghiệm và đặc biệt là thấu cảm. Đó là lý do vì sao phim healing rất khó viết, khó dựng và khó chạm đến trái tim người xem. Nhưng chính vì khó mà khi làm được, hiệu quả của nó sẽ sâu sắc hơn bất cứ dòng phim nào.

Phim Việt có quyền thử sức, thậm chí nên đi theo xu hướng này để đa dạng màu sắc thị trường truyền hình. Tuy nhiên, thay vì đánh tráo khái niệm và coi “healing” như một chiêu bài marketing, các nhà làm phim nên đầu tư đúng nghĩa vào nội dung, cách kể chuyện và thái độ làm nghề. Khán giả hiện nay không còn dễ dãi như xưa, họ đủ tinh ý để phân biệt đâu là một bộ phim chữa lành thật sự và đâu chỉ là một sản phẩm “gắn mác”.

Nguồn ảnh: VTV

Chia sẻ

LỆ AN

Ý kiến của bạn