Trì hoãn một chút, bận việc hay đơn giản là “quên”, nhiều người có thói quen để quần áo giặt xong nằm im trong máy hàng giờ, thậm chí đến tận hôm sau mới mang đi phơi. Nghĩ đơn giản là “giặt rồi thì sạch rồi, để đó có gì đâu” nhưng thật ra đây là thói quen gây hại cực kỳ lớn.
Tại bệnh viện nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã ghi nhận trường hợp cả nhà 3 người bị viêm nhiễm, dị ứng da chỉ vì SAI LẦM giặt quần áo đáng tiếc kể trên.
Để tìm hiểu rõ hơn, sau đây tôi sẽ cho bạn thấy những lý do cho thấy "ngâm" quần áo quá lâu trong máy giặt vừa hại sức khỏe, vừa hại cả thiết bị. Nghe xong có khi bạn phải bật dậy đi phơi đồ ngay lập tức đấy!
1. Môi trường ẩm kín trong lồng giặt: “Vườn ươm” lý tưởng của vi khuẩn và nấm mốc
Khi quần áo giặt xong vẫn còn ẩm bị bỏ lại trong không gian kín của máy giặt - nơi có độ ẩm cao, thiếu ánh sáng và thông khí sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc bắt đầu sinh sôi. Theo một nghiên cứu của Viện Vệ sinh và Vi sinh vật môi trường (Mỹ), chỉ sau 6 - 12 giờ để quần áo ẩm trong máy giặt, mật độ vi sinh vật trên vải có thể tăng lên gấp 8 - 10 lần so với mức ban đầu.

Vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa hay nấm mốc thuộc họ Aspergillus có thể gây kích ứng da, viêm da dị ứng, nổi mẩn đỏ, tệ hơn là nhiễm trùng da nếu tiếp xúc lâu dài. Ngoài ra, bào tử nấm khi phát tán qua không khí còn có thể gây ra các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt nguy hiểm với người có hệ miễn dịch suy giảm, người cao tuổi và trẻ nhỏ.

2. Tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn chéo giữa các lần giặt
Nếu quần áo bị nấm mốc hay vi khuẩn bám lâu trong lồng giặt, những mầm bệnh này có thể bám vào các bề mặt bên trong máy giặt và lây sang mẻ đồ tiếp theo, ngay cả khi đó là quần áo sạch. Việc này khiến máy giặt trở thành một “ổ vi khuẩn ngầm” làm cho lần giặt sau mất tác dụng khử khuẩn dù bạn dùng xà phòng hay nước nóng.
3. Mùi ẩm mốc bám sâu
Một hậu quả rõ ràng của việc để quần áo ướt lâu trong máy giặt là mùi ẩm mốc khó chịu. Mùi này không chỉ do hơi ẩm mà còn do sự phân hủy của tế bào da, bụi bẩn, dầu mỡ từ cơ thể – những thứ bám vào quần áo và bị vi khuẩn chuyển hóa trong điều kiện yếm khí. Mùi hôi sẽ thấm sâu vào sợi vải và khó bị loại bỏ chỉ bằng một lần giặt lại thông thường.

4. Ảnh hưởng đến độ bền và kết cấu sợi vải
Độ ẩm kéo dài trong môi trường kín có thể phá vỡ cấu trúc vi sợi vải, làm giảm độ bền cơ học của quần áo. Các loại vải dễ bị tổn thương như:
- Vải cotton: Dễ mục sợi, bị xơ hoặc co rút sau khi bị phơi nắng do hấp thụ quá nhiều ẩm.
- Len, lụa: Bị biến dạng cấu trúc, mất độ mềm mại, nhanh bạc màu.
- Sợi tổng hợp (polyester, spandex): Có thể bị ám mùi hôi và giảm độ đàn hồi.
Tóm lại, việc để quần áo quá lâu trong môi trường ẩm sẽ khiến vải bị mòn nhanh hơn, phai màu hoặc thậm chí co rút sai kích thước ban đầu.
5. Làm giảm tuổi thọ và hiệu suất vận hành của máy giặt
Một hậu quả ít được chú ý nhưng rất quan trọng là máy giặt cũng chịu ảnh hưởng nếu quần áo bị để lại quá lâu sau khi giặt. Độ ẩm cao, kết hợp với cặn bột giặt và chất bẩn chưa thoát hết sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển trong lồng giặt và ống xả nước. Điều này làm phát sinh mùi hôi kéo dài và khó vệ sinh nếu không tháo máy, linh kiện cũng dễ bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, cửa máy giặt cũng dễ bị kẹt hoặc xuống cấp gioăng cao su do phải tiếp xúc lâu với độ ẩm. Ngoài ra, lồng giặt cũng sẽ bị oxy hóa nhẹ hoặc bám cặn nếu để nước ứ đọng nhiều giờ liên tục. Về lâu dài, máy giặt sẽ giảm hiệu quả làm sạch, gây tiêu tốn điện, nước hơn và có nguy cơ phát sinh lỗi kỹ thuật.

Nguồn: Tổng hợp