Vào năm 2019, cặp chị em sinh đôi người Anh Irene Crump và Phyllis Jones đã kỷ niệm tròn 103 năm bên nhau kể từ khi chào đời cách nhau 25 phút vào ngày 20 tháng 11 năm 1916. Cặp sinh đôi này cũng là một trong sáu cặp song sinh sống lâu trăm tuổi rất nổi tiếng ở Anh.
Tuy nhiên, họ không phải là những người duy nhất trong gia đình sống thọ. Irene Crump và Phyllis Jones còn có một chị gái tên là Dorothy đã qua đời năm 2006 ở tuổi 92. Chồng của Irene là Samuel qua đời năm 1999 khi 90 tuổi, còn chồng của Phyllis là Ray qua đời năm 2006 ở tuổi 91. Mặc dù Irene không có con nhưng được Carl Jones - con trai duy nhất của người em chăm sóc.
Chia sẻ về bí quyết sống thọ, bà Irene cho biết làm việc chăm chỉ, tinh thần lạc quan và một chế độ dinh dưỡng tốt đã giúp họ kéo dài tuổi thọ. Bên cạnh một thực đơn dinh dưỡng đầy đủ, mọi người cũng có thể học hỏi 2 thói quen “0 đồng” của cặp song sinh này để khỏe mạnh và sống lâu hơn mỗi ngày.
1. Sống tích cực và yêu thương mọi người
Irene Crump và Phyllis Jones là những người sống vui vẻ, hòa nhã và thường xuyên giúp đỡ mọi người xung quanh. Cặp song sinh luôn biết cách để tận hưởng mọi phút giây của cuộc sống. Họ rất hay cười, thích đi chơi và đi ăn trưa vào hầu hết các ngày thứ Sáu tại Lenchford Inn - nơi họ thường tổ chức sinh nhật cùng nhau.
Vào dịp sinh nhật năm 100 tuổi, cặp song sinh này còn khiến ngày đặc biệt này trở nên ý nghĩa hơn bằng cách từ chối nhận quà tặng của mọi người. Thay vào đó, họ kêu gọi bạn bè và người thân quyên góp tiền cho dịch vụ cứu thương bằng máy bay của địa phương.
Cụ bà Crump chia sẻ: “Chúng tôi không muốn quà, điều chúng tôi muốn là có thể giúp đỡ cho nhiều người hơn. Tuy số tiền kêu gọi được không lớn nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm khá tốt.”
Trên thực tế, thái độ sống tích cực, lạc quan cũng là giải pháp hiệu quả giúp con người trẻ lâu. Luôn vui vẻ tươi cười được coi là môn thể dục đơn giản và hiệu quả nhất đối với con người. Theo Greatness, tiếng cười có thể kéo dài tuổi thọ của bạn. Cười nhiều có thể mở rộng phổi, kích thích cơ ngực, nâng cơ hoành, làm sâu chuyển động hô hấp và đồng thời làm thông thoáng đường thở.
Một nghiên cứu trên tạp chí Dịch tễ học (Mỹ) cho thấy những phụ nữ lạc quan có nguy cơ tử vong thấp hơn đáng kể do một số bệnh chủ yếu, bao gồm ung thư, bệnh tim, đột quỵ và bệnh đường hô hấp, so với phụ nữ bi quan. Các nhà nghiên cứu tin rằng lạc quan có thể trực tiếp ảnh hưởng đến chức năng sinh học của con người.
2. Sống độc lập và chăm chỉ vận động
Trải qua 1 thế kỷ cuộc đời, sức khỏe của cặp sinh đôi này không còn tốt như trước. Tuy vậy, họ vẫn chăm chỉ vận động và sống rất độc lập.
Dù không thể đi lại nhiều như trước nhưng cụ bà Irene vẫn đều đặn đi bộ quanh khu nhà mỗi ngày. Irene có giải thích rằng lý do đi lại khó khăn là do bà từ trước đến nay luôn mập hơn Phyllis, cơ thể nặng nề hơn.
Y học hiện đại đã chứng minh rằng sự sống nằm ở sự vận động của não bộ, và sự lão hóa của con người bắt đầu từ não bộ. Việc vận động và sử dụng nhiều bộ não hơn có thể thúc đẩy lưu thông máu và độ nhạy cảm của dây thần kinh trong não. Chỉ khi bộ não khỏe mạnh, con người mới có thể sống lâu hơn.
Theo lời con trai Carl, mẹ ông - Phyllis có một đặc điểm đó là thường không chịu ngồi yên một chỗ mà chạy khắp nhà để làm gì đó. Thật không may, bà cụ bị chứng mất trí nhớ do di chứng từ vài cơn đột quỵ nhỏ khiến con trai Carl và con dâu của bà cụ thường phải qua nhà mỗi ngày để xem mẹ sống như thế nào.
Dẫu vậy, Carl cho biết 2 cụ bà đã tự chủ tốt đến mức chỉ gọi con trong trường hợp thực sự khẩn cấp. Ngoài ra, mặc dù hai chị em Irene và Phyllis rất hợp nhau nhưng theo Carl thì giữa họ cũng thường tranh luận nên sẽ có những lúc ở riêng trong không gian của mỗi người. Theo Carl, đó là việc thường xảy ra với 2 “bà mẹ” của mình ở bất cứ lứa tuổi nào, dù 20 hay 100 tuổi".
(Tổng hợp)