Trang trí nhà cửa bằng cây xanh là thói quen phổ biến của nhiều gia đình hiện đại. Cây không chỉ làm đẹp không gian sống mà còn giúp lọc không khí, tăng cường cảm giác thư giãn, gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng phù hợp để trưng trong nhà. Một số loại cây dù nhìn bắt mắt, dễ trồng nhưng lại mang năng lượng âm, không nên đưa vào không gian sống vì dễ gây mất cân bằng phong thủy, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ và tài lộc của gia chủ.
Dưới đây là 4 loại cây điển hình được xem là mang tính âm, nhiều chuyên gia phong thuỷ khuyên nên tránh đặt trong nhà.
1. Cây liễu
Liễu có dáng cây mềm mại, cành lá rũ xuống như những dòng nước chảy. Chính vì đặc điểm ấy, trong phong thủy, liễu mang hình tượng "sầu bi", thường gắn với những điều không vui như chia ly, u sầu, mất mát. Không ngẫu nhiên mà liễu thường xuất hiện trong tranh vẽ hoặc cảnh phim liên quan đến biệt ly, tiễn biệt.
Đặt cây liễu trong nhà vô tình tạo ra cảm giác u ám, làm giảm dương khí, khiến tâm trạng con người dễ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Không ít người chọn cành liễu khô để cắm lọ hoa vì thấy lạ mắt, nhưng nếu đặt trong phòng khách hay phòng ngủ thì lại là điều tối kỵ trong phong thuỷ.

2. Cây xương rồng
Xương rồng là loại cây phổ biến nhờ dễ sống, ít cần chăm sóc, có ngoại hình độc đáo. Tuy nhiên, đặc trưng của cây là các gai nhọn chi chít - trong phong thủy được xem là tạo sát khí, phá vỡ luồng năng lượng tích cực trong nhà. Đặc biệt, các gai nhọn chĩa ra ngoài như mũi tên có thể "chĩa" vào sức khoẻ, các mối quan hệ hoặc đường tài lộc của gia chủ.
Nhiều người có thói quen đặt xương rồng trên bàn làm việc hoặc kệ sách, nghĩ rằng giúp thanh lọc không khí. Nhưng nếu không biết cách đặt và đặt sai vị trí, cây có thể phản tác dụng. Trong trường hợp rất thích xương rồng, bạn nên đặt ngoài ban công hoặc khu vực trước nhà để cây làm nhiệm vụ trấn giữ, hoá giải sát khí từ bên ngoài.

3. Cây dâu tằm
Dâu tằm là loại cây quen thuộc trong dân gian, được biết đến với khả năng xua đuổi côn trùng và đôi khi còn dùng để trừ tà. Tuy nhiên, tên gọi của cây lại là điểm trừ rất lớn trong phong thủy. Từ "dâu" trong tiếng Hán có phát âm gần giống với từ "tang" mang nghĩa tang tóc, mất mát.
Vì lý do đó, người xưa thường tránh trồng dâu tằm trong sân nhà, đặc biệt là ở vị trí chính diện hoặc gần cửa ra vào. Dù cây có công dụng tốt về mặt sinh học, việc đưa dâu tằm vào nhà vẫn bị xem là mang điềm gở, không thuận lợi cho gia đạo và tài lộc. Nếu dùng làm thuốc hoặc nuôi tằm thì nên trồng cách xa khu vực sinh hoạt chính.

4. Cây trúc đào
Trúc đào là cây ra hoa quanh năm, được nhiều người yêu thích nhờ màu sắc rực rỡ, lại chịu nắng tốt. Tuy nhiên, đây là một trong những loại cây cực độc nếu sử dụng hoặc tiếp xúc sai cách. Tất cả các bộ phận của trúc đào, từ hoa, lá đến nhựa cây đều chứa độc tố mạnh, có thể gây ngộ độc nếu nuốt phải hoặc tiếp xúc nhiều qua da.
Không chỉ nguy hiểm cho sức khoẻ, trúc đào còn không được đánh giá cao trong phong thuỷ. Loài cây này gắn với biểu tượng cô độc, mạnh mẽ đến mức cực đoan, đôi khi mang ý nghĩa "đẹp nhưng không gần gũi", thậm chí là "đẹp nhưng bạc mệnh". Với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc thú cưng, trúc đào lại càng cần tránh xa.

Trồng sai cây cảnh dễ khiến bạn mất cân bằng năng lượng sống
Chọn cây đặt trong nhà không chỉ nên xét đến yếu tố thẩm mỹ hay độ dễ trồng, mà còn cần cân nhắc đến ý nghĩa phong thuỷ và năng lượng mà cây mang lại. Những loại cây có gai, cành rủ, tên gọi mang nghĩa tiêu cực hoặc chứa độc tố thường mang tính âm, không thích hợp với môi trường sinh hoạt cần nhiều dương khí như nhà ở.
Thay vì chọn những loại cây trên, bạn có thể thay thế bằng các loại cây lành tính, mang ý nghĩa tích cực như kim tiền, lan ý, trầu bà, ngọc ngân, lưỡi hổ hoặc các loại cây nhỏ lá tròn dễ chăm. Chúng không chỉ giúp làm đẹp không gian mà còn góp phần tăng cường sinh khí, mang lại cảm giác tươi mới, an lành cho cả gia đình.
*Thông tin mang tính chất tham khảo