5 biểu hiện trẻ EQ thấp khiến con lớn lên dễ thiệt thòi, và cha mẹ cần làm ngay những điều này

EQ thấp có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp và cả tương lai về sau. Nếu con bạn có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ nên giúp con thay đổi sớm

Trong khi chỉ số IQ thể hiện mức độ thông minh thì EQ (Emotional Quotient – chỉ số cảm xúc) lại phản ánh khả năng nhận diện, kiểm soát cảm xúc và ứng xử xã hội của trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, EQ ảnh hưởng không nhỏ đến thành công trong cuộc sống. Trẻ có EQ thấp thường dễ bị tổn thương trong các mối quan hệ, khả năng thích nghi kém và khó duy trì tinh thần tích cực.

5 biểu hiện trẻ EQ thấp khiến con lớn lên dễ thiệt thòi, và cha mẹ cần làm ngay những điều này- Ảnh 1.

Từ 3 đến 12 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất để phát triển chỉ số cảm xúc (Ảnh minh họa)

Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo EQ của trẻ đang ở mức thấp và cũng là lúc cha mẹ cần bắt đầu thay đổi cách nuôi dạy con.

1. Thiếu khả năng tự kiểm soát

Trẻ EQ thấp thường không làm chủ được cảm xúc và hành vi. Ví dụ: mỗi sáng phải được nhắc nhiều lần mới chuẩn bị đi học, dễ cáu gắt khi bị nhắc nhở, không kiểm soát được thời gian học tập hay sinh hoạt.

Tác động lâu dài: Trẻ dễ bị phân tâm, làm việc thiếu kế hoạch, khó hình thành thói quen tự lập - điều cần thiết cho cuộc sống trưởng thành.

Cha mẹ nên làm gì?

- Rèn cho con kỹ năng lập thời gian biểu đơn giản từ nhỏ.

- Hạn chế "làm hộ" mà thay bằng "đồng hành cùng con".

2. Thường xuyên than vãn, đổ lỗi

Khi gặp khó khăn, thay vì tìm cách vượt qua hoặc nhận trách nhiệm, trẻ có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. Ví dụ: vấp ngã khi chơi thì nói “tại bạn đi chậm”, học kém thì trách “cô dạy khó hiểu”.

Tác động lâu dài: Trẻ không hình thành tư duy chủ động, ngại chịu trách nhiệm, khó phát triển sự kiên trì.

Cha mẹ nên làm gì?

- Cần phân tích rõ vấn đề đúng sai với con, không tìm cách đổ lỗi.

- Dạy con biết xin lỗi khi sai và cảm ơn khi được giúp đỡ.

3. Khó chấp nhận thất bại

Một biểu hiện rõ của EQ thấp là khi trẻ dễ nổi nóng, từ chối chơi tiếp nếu thua, hoặc phá hỏng trò chơi khi không đạt như ý. Trẻ như vậy thường phản ứng tiêu cực với sự cạnh tranh hoặc đánh giá.

Tác động lâu dài: Thiếu khả năng chịu áp lực, dễ bỏ cuộc, kém bền bỉ khi đối diện thử thách.

Cha mẹ nên làm gì?

- Tập cho con hiểu “thua cũng là một phần cuộc chơi”.

- Khích lệ nỗ lực thay vì chỉ khen kết quả.

4. Lấy mình làm trung tâm

Trẻ EQ thấp thường chỉ quan tâm đến cảm xúc, mong muốn của bản thân. Ví dụ: chen ngang khi người khác đang nói, giành đồ chơi, không biết chờ đợi đến lượt.

Tác động lâu dài: Trẻ khó kết nối xã hội, không được bạn bè yêu quý, dễ bị cô lập.

Cha mẹ nên làm gì?

- Giúp con hiểu “ai cũng có nhu cầu như con”.

- Tạo cơ hội cho con chia sẻ, chờ đợi, nhường nhịn.

5. Chế giễu người khác

EQ thấp thể hiện rõ qua cách trẻ phản ứng với bạn bè: dễ trêu chọc, mỉa mai những người khác biệt ví dụ như bạn nói lắp, bạn kém hơn mình.

Tác động lâu dài: Trẻ hình thành tính cách kiêu ngạo, thiếu bao dung, dễ gây tổn thương người khác mà không nhận ra.

Cha mẹ nên làm gì?

Dạy con tôn trọng sự khác biệt.

Kể cho con nghe các câu chuyện về lòng nhân ái, tinh thần vị tha.

Giai đoạn vàng để rèn luyện EQ cho trẻ: từ 3–12 tuổi

5 biểu hiện trẻ EQ thấp khiến con lớn lên dễ thiệt thòi, và cha mẹ cần làm ngay những điều này- Ảnh 2.

Nếu bạn nhận ra những biểu hiện trên ở con, đừng lo lắng quá bởi hành trình rèn luyện EQ bắt đầu từ chính hôm nay, bằng sự kiên nhẫn, đồng hành và thấu hiểu của bạn. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, từ 3 đến 12 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất để phát triển chỉ số cảm xúc. Cha mẹ có thể rèn EQ cho con thông qua những hành động rất đời thường:

- Đặt mình vào cảm xúc của con thay vì chỉ “dạy dỗ”.

- Tôn trọng phản ứng cảm xúc của con dù đó là giận dỗi hay buồn bã.

- Thường xuyên trò chuyện để con học cách biểu đạt cảm xúc.

- Làm gương trong cách giải quyết mâu thuẫn, ứng xử với người khác.

EQ là một chỉ số có thể bồi đắp qua từng ngày. Trẻ có EQ cao không chỉ học tốt mà còn sống tốt, biết cách hợp tác, lắng nghe, chia sẻ và trên hết là biết yêu bản thân và người khác.

Nếu bạn nhận ra những biểu hiện trên ở con, đừng lo lắng quá bởi hành trình rèn luyện EQ bắt đầu từ chính hôm nay, bằng sự kiên nhẫn, đồng hành và thấu hiểu của bạn.

Minh Linh