Rửa bát là việc quen thuộc hằng ngày, tưởng đơn giản nhưng nếu làm sai cách thì vô tình lại biến gian bếp thành "ổ vi khuẩn", ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cả gia đình. Đặc biệt, nhiều thói quen sai lại rất phổ biến trong các gia đình, nhất là ở người lớn tuổi. Dưới đây là 6 lỗi sai điển hình khi rửa bát, nếu bạn đang mắc phải thì nên điều chỉnh càng sớm càng tốt.
1. Rửa xong chồng bát đĩa lên nhau
Nhiều người có thói quen rửa sạch rồi chồng đĩa bát lên nhau để tiết kiệm diện tích. Tuy nhiên, việc này lại vô tình khiến mặt tiếp xúc giữa các bát đĩa bị ẩm lâu hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Theo khảo sát, số lượng vi khuẩn trên bộ bát đĩa được chồng lên nhau có thể cao gấp 70 lần so với khi dựng đứng từng chiếc cho ráo nước. Giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả là hãy đặt bát đĩa thẳng đứng trên khay hoặc giá, tạo độ thông thoáng để bề mặt khô nhanh, hạn chế vi khuẩn.

2. Ngâm bát đĩa qua đêm
Một số gia đình thường ngâm bát đĩa vào nước sau bữa ăn, để hôm sau mới rửa cho tiện. Song, đây lại là thao tác cực kỳ sai lầm. Bởi khi ngâm trong nước quá lâu, lượng vi khuẩn trên bề mặt bát đĩa có thể tăng gấp hàng chục nghìn lần so với ban đầu.
Việc rửa lại sau đó không chắc đã loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn đã sinh sôi trong quá trình ngâm. Vì vậy, nên rửa ngay sau bữa ăn để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

3. Pha loãng nước rửa bát để tiết kiệm
Vì muốn tiết kiệm, nhiều người có thói quen pha loãng nước rửa bát với nước trước khi dùng. Tuy nhiên, việc pha loãng sẽ phá vỡ khả năng kháng khuẩn vốn có của sản phẩm, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào dung dịch. Khi đó, nước rửa bát không còn sạch, mà ngược lại có thể gây ô nhiễm thêm cho bát đĩa.
Hãy sử dụng nước rửa bát nguyên chất với lượng vừa phải, bảo quản nơi khô ráo, đậy kín sau khi dùng để đảm bảo hiệu quả làm sạch.

4. Dùng giẻ rửa bát quá lâu không thay
Khăn rửa bát hay miếng bọt biển nếu dùng quá lâu sẽ trở thành "ổ vi khuẩn". Theo nghiên cứu, mỗi cm vuông khăn rửa bát có thể chứa đến hàng tỷ vi khuẩn - cao gấp hàng chục lần so với nắp bồn cầu. Dù bạn có giặt kỹ đến đâu, khăn đã sử dụng lâu ngày vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm chéo khi rửa. Vậy nên hãy thay giẻ rửa bát mỗi tuần một lần và nhớ phơi khô sau mỗi lần sử dụng.

5. Không tiệt trùng bát đĩa
Rất ít gia đình có thói quen tiệt trùng bát đĩa, nhưng đây lại là bước quan trọng giúp phòng ngừa vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Helicobacter pylori - nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Nếu không có máy tiệt trùng, bạn có thể dùng cách truyền thống là đun sôi nước rồi ngâm bát đĩa sạch trong 15 đến 30 phút. Cách này giúp loại bỏ vi khuẩn hiệu quả mà không tốn kém.

6. Lạm dụng nước rửa bát hoặc chọn sản phẩm kém chất lượng
Nhiều người cho rằng rửa càng kỹ, dùng càng nhiều nước rửa bát thì càng sạch. Nhưng thực tế, lạm dụng sản phẩm này lại tiềm ẩn nguy cơ tồn dư hóa chất, ảnh hưởng đến gan, thận và nội tiết.
Một số loại nước rửa bát kém chất lượng còn chứa hóa chất không phân hủy được hoàn toàn, bám lại trên bát đĩa và đi vào cơ thể qua đường ăn uống. Do đó, khi mua nước rửa bát, hãy luôn chọn sản phẩm từ thương hiệu uy tín, kiểm soát liều lượng khi sử dụng và rửa lại thật sạch bằng nước sạch.

Nguồn: Toutiao