6 thứ "bỏ thì thương, vương thì chật": Càng sớm dọn đi càng thoáng nhà, nhẹ đầu

Nhà cửa dọn mãi cũng không gọn, rất có thể là do sự xuất hiện của 6 thứ này.

Tiết kiệm không đồng nghĩa với tằn tiện. Những món đồ "bỏ thì thương, vương thì chật" tưởng như vô hại, nhưng lại âm thầm chiếm dụng không gian sống, khiến ngôi nhà trở nên bừa bộn, ngột ngạt và thiếu vệ sinh.

Muốn nhà cửa gọn gàng, dễ thở hơn, việc đầu tiên cần làm là học cách buông bỏ những thứ không còn giá trị sử dụng. Dưới đây là 6 món đồ mà nhiều người vẫn vô thức tích trữ, nhưng thực chất nên được loại bỏ càng sớm càng tốt.

1. Các loại thiết bị gia dụng nhỏ ít khi dùng đến

Vài năm trở lại đây, trào lưu mua sắm các thiết bị gia dụng mini bùng nổ, từ máy ép chậm, nồi chiên không dầu, máy làm sữa hạt cho đến máy làm bánh mì, máy sấy tóc mini. Thoạt đầu ai cũng nghĩ: mua về rồi sẽ có lúc dùng đến. Nhưng thực tế là có những món mua về hai ba năm, thậm chí còn chưa bóc tem, huống gì sử dụng.

Những món đồ này không chỉ chiếm chỗ trong bếp mà còn lấn sang cả tủ đồ ăn, kệ phòng khách, thậm chí cả ban công. Nếu bạn không dùng đến hoặc dùng quá ít, tốt nhất nên thanh lý hoặc cho tặng người thân. Đừng để chúng nằm không chiếm diện tích nhà cửa, bám bụi mà chẳng có tác dụng gì.

6 thứ "bỏ thì thương, vương thì chật": Càng sớm dọn đi càng thoáng nhà, nhẹ đầu- Ảnh 1.

2. Quần áo không mặc nhưng vẫn giữ lại

Không ít người luôn than thở rằng "không có gì để mặc", dù tủ đồ đã chật ních đến mức không thể nhét thêm món nào. Tâm lý mua sắm theo cảm hứng, thích thì mua nhưng không mặc hoặc mặc một lần rồi cất đã khiến không ít váy áo còn nguyên nhãn mác bị bỏ quên đến lúc lỗi mốt.

Theo thời gian, quần áo tích tụ ngày càng nhiều, khiến chiếc tủ vốn dùng để lưu trữ nay lại trở thành gánh nặng. Có người phải dồn bớt ra giường, thùng nhựa, thậm chí chui vào mọi góc khuất trong nhà để "né" tầm mắt. Thay vì tiếp tục chất đống, hãy học cách thanh lọc định kỳ: giữ lại những món vẫn mặc, còn lại có thể quyên góp, bán thanh lý hoặc đơn giản là bỏ đi. Tủ gọn, đầu óc cũng nhẹ hơn!

6 thứ "bỏ thì thương, vương thì chật": Càng sớm dọn đi càng thoáng nhà, nhẹ đầu- Ảnh 2.

3. Túi nilon tích trữ ngày càng nhiều

Không ít gia đình có thói quen giữ lại túi nilon sau mỗi lần đi chợ hay mua sắm, nghĩ rằng để dành sau này dùng sẽ tiết kiệm hơn. Nhưng thực tế, túi cứ chất chồng theo thời gian, đến lúc cần thì lại chẳng dùng vì sợ bẩn, sợ rách, thậm chí quên luôn là mình đã từng cất.

Tệ hơn, túi nilon cũ vứt lăn lóc lâu ngày dễ trở thành ổ trú ẩn cho gián, côn trùng hoặc nấm mốc, gây mất vệ sinh nghiêm trọng. Cách tốt nhất là chọn lọc lại, chỉ giữ số lượng vừa đủ những chiếc túi sạch, còn lại nên mạnh dạn loại bỏ. Đừng để thói quen "tiếc của" biến căn nhà thành kho chứa rác vô hình.

6 thứ "bỏ thì thương, vương thì chật": Càng sớm dọn đi càng thoáng nhà, nhẹ đầu- Ảnh 3.

4. Đồ nhựa dùng một lần

Tâm lý tiếc của khiến nhiều người có thói quen giữ lại đũa thìa, hộp nhựa từ đồ ăn mang về, với suy nghĩ "lỡ sau này có lúc cần dùng". Nhưng thực tế, đây đều là đồ nhựa dùng một lần, chất lượng không đảm bảo để tái sử dụng, nhất là trong môi trường nhiệt độ cao.

Ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, việc giữ lại quá nhiều những thứ này còn khiến tủ bếp rối loạn, thiếu vệ sinh. Thay vì gom góp những hộp đồ nhựa rẻ tiền, hãy đầu tư vài bộ hộp bảo quản thực phẩm chất lượng cao và nói không với việc tích trữ đồ nhựa dùng một lần.

6 thứ "bỏ thì thương, vương thì chật": Càng sớm dọn đi càng thoáng nhà, nhẹ đầu- Ảnh 4.

5. Thùng carton từ đơn hàng online

Thói quen mua sắm online khiến nhà ai cũng chất đầy thùng giấy. Ban đầu, ai cũng nghĩ sẽ để dành bán ve chai hoặc tái sử dụng. Nhưng thực tế là thùng cũ để lâu chiếm nhiều chỗ, dễ thu hút gián và chuột, đến lúc đem bán cũng chỉ được vài nghìn đồng, không đáng công sức. Nếu không có nhu cầu sử dụng ngay, khuyên bạn hãy mạnh dạn gấp gọn và bỏ đi.

6 thứ "bỏ thì thương, vương thì chật": Càng sớm dọn đi càng thoáng nhà, nhẹ đầu- Ảnh 5.

6. Giày dép cũ hỏng hoặc không còn đi được

Với trẻ nhỏ, giày dép rất nhanh chật. Với người lớn, lại thường có xu hướng mua nhiều nhưng ít dùng hoặc giữ lại cả những đôi đã bong tróc, bốc mùi, thậm chí nấm mốc. Có đôi đã để nhiều năm không đụng đến nhưng vẫn tiếc không bỏ.

Thực tế, giày dép đã cũ kỹ hoặc hư hỏng không chỉ chiếm chỗ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, nhất là với các vấn đề về da chân hay hô hấp. Hãy mạnh dạn thanh lọc tủ giày định kỳ, giữ lại những đôi còn lành lặn và phù hợp. Còn lại, nếu không thể sửa chữa hay vệ sinh được nữa, hãy để chúng về đúng nơi cần đến - thùng rác hoặc điểm thu gom tái chế. Giữ gìn sự gọn gàng cho lối vào nhà cũng là một cách chăm sóc chính mình.

6 thứ "bỏ thì thương, vương thì chật": Càng sớm dọn đi càng thoáng nhà, nhẹ đầu- Ảnh 6.

Theo Toutiao

Phác Thái Anh