6 thứ độc hại trong bếp, âm thầm kéo sức khỏe cả nhà đi xuống

Cần lưu ý khi mua và sử dụng để tránh dùng nhầm 6 món độc hại này.

Bếp là nơi liên quan trực tiếp đến sức khỏe cả gia đình. Không chỉ cần sạch sẽ, ngăn nắp, các vật dụng trong bếp còn phải được lựa chọn kỹ càng về chất liệu. Bởi hầu hết đồ bếp thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, nếu chất liệu không an toàn thì có thể giải phóng ra những chất gây hại. Những chất này không ảnh hưởng ngay lập tức nhưng về lâu dài có thể âm thầm làm tổn hại đến sức khỏe.

Dưới đây là 6 vật dụng phổ biến trong nhà bếp mà nếu nhà bạn đang sử dụng, hãy cân nhắc thay thế sớm để bảo vệ sức khỏe cả nhà.

1. Dụng cụ inox giá rẻ

Dụng cụ bằng inox được nhiều người ưa chuộng nhờ nhẹ, dễ rửa và không dễ vỡ. Tuy nhiên, các sản phẩm chất lượng thường có giá thành không rẻ. Chính vì vậy, nhiều người tìm đến các loại giá rẻ trên mạng mà không biết rằng phần lớn chúng được làm từ inox công nghiệp, không đạt tiêu chuẩn tiếp xúc thực phẩm.

Những loại inox này dễ bị hoen ố, gỉ sét khi tiếp xúc với axit trong thực phẩm, thậm chí có thể thôi nhiễm kim loại nặng vào thức ăn. Chính vì vậy khi mua dụng cụ nhà bếp làm bằng inox, hãy ưu tiên mua ở cửa hàng uy tín, đừng vì tiếc vài đồng mà ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình.

6 thứ độc hại trong bếp, âm thầm kéo sức khỏe cả nhà đi xuống- Ảnh 1.

2. Đũa hợp kim tổng hợp

Nhiều người sợ đũa gỗ dễ mốc nên chuyển sang dùng đũa hợp kim. Nhưng không phải loại đũa hợp kim nào cũng an toàn. Một số loại được làm từ sợi thủy tinh kết hợp nhựa nhiệt dẻo, nhìn bề ngoài có vẻ bền đẹp nhưng thực tế là không chịu được nhiệt độ cao.

Khi tiếp xúc với nước sôi hay thực phẩm nóng, phần nhựa có thể phân hủy, đồng thời nếu bị trầy xước sẽ lộ ra sợi thủy tinh, gây kích ứng da hoặc bám vào thực phẩm. Vì vậy, dùng đũa gỗ vẫn là một trong những lựa chọn an toàn hơn cả, chỉ cần chú ý thay định kỳ và giữ khô ráo sau khi rửa.

6 thứ độc hại trong bếp, âm thầm kéo sức khỏe cả nhà đi xuống- Ảnh 2.

3. Thớt ghép bằng gỗ ép rẻ tiền

Một số loại thớt được làm từ gỗ ép hoặc gỗ dăm ghép lại bằng keo dính. Những loại thớt này thường có giá rất rẻ và được quảng cáo là nhẹ, tiện lợi. Tuy nhiên, lớp keo kết dính có thể chứa formaldehyde hoặc các hợp chất dễ bay hơi, đặc biệt là khi bị ẩm hoặc cắt vào sâu.

Sử dụng thớt kiểu này lâu dài sẽ khiến các hóa chất có hại ngấm vào thực phẩm. Nếu thớt nhà bạn có mùi keo hoặc cảm giác dính ẩm, tốt nhất nên thay bằng loại thớt gỗ nguyên khối hoặc thớt tre ép cao cấp.

6 thứ độc hại trong bếp, âm thầm kéo sức khỏe cả nhà đi xuống- Ảnh 3.

4. Giấy lót nồi chiên không rõ nguồn gốc

Giấy lót nồi chiên là món đồ tiện lợi, giúp hạn chế việc phải chùi rửa. Nhưng nếu mua nhầm loại rẻ tiền không rõ nguồn gốc thì lại mang đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Nhiều loại giấy lót được sản xuất từ giấy tái chế, dán bằng chất kết dính không chịu nhiệt hoặc phủ lớp chống dính không đạt chuẩn. Khi nồi chiên hoạt động ở nhiệt độ cao, các chất độc hại này dễ dàng bốc hơi và bám vào thực phẩm. Khi mua, nên ưu tiên các loại giấy được chứng nhận an toàn thực phẩm, có thông tin rõ ràng về nhiệt độ chịu nhiệt.

6 thứ độc hại trong bếp, âm thầm kéo sức khỏe cả nhà đi xuống- Ảnh 4.

5. Chén đĩa sứ có lớp men phủ nổi

Nếu chén đĩa nhà bạn có hoa văn nổi rõ, sờ vào thấy gồ ghề thì nên cẩn trọng. Bởi đó có thể là sản phẩm dùng kỹ thuật phủ men trang trí bên ngoài lớp men bóng, thường gọi là men phủ ngoài.

Khi sử dụng lâu ngày, đặc biệt trong lò vi sóng hoặc khi rửa bằng nước nóng, lớp màu trang trí có thể bong tróc, giải phóng chì và các kim loại nặng khác. Những chất này dễ thẩm thấu vào thức ăn và tích tụ trong cơ thể. Do đó, tốt nhất nên chọn chén đĩa có hoa văn nằm dưới lớp men bóng mịn, hay còn gọi là kỹ thuật men chìm.

6 thứ độc hại trong bếp, âm thầm kéo sức khỏe cả nhà đi xuống- Ảnh 5.

6. Ly thủy tinh màu sặc sỡ

Không phải ly thủy tinh nào cũng an toàn. Những loại ly màu óng ánh, đặc biệt là ly có lớp ánh kim hoặc màu lấp lánh thường được mạ điện hoặc nhuộm màu bề mặt.

Các lớp mạ này nếu không được xử lý đúng kỹ thuật sẽ dễ bị bong ra khi gặp nước nóng, đồng thời giải phóng các chất hóa học vào nước uống. Đặc biệt nếu sử dụng để đựng nước nóng hay trà thì nguy cơ thôi nhiễm sẽ càng cao. Lời khuyên là nên dùng ly thủy tinh trong suốt, không màu và được ghi rõ đạt tiêu chuẩn an toàn nhiệt độ.

6 thứ độc hại trong bếp, âm thầm kéo sức khỏe cả nhà đi xuống- Ảnh 6.

 Theo Zhuanlan

Phác Thái Anh