Có những thói quen dọn dẹp tưởng chừng rất đúng khoa học nhưng thật ra lại đang khiến vi khuẩn sinh sôi, nấm mốc tích tụ mà bạn không hề hay biết. Càng làm sạch lại càng bẩn, thậm chí còn gây hại sức khỏe. Đây là 9 thói quen vệ sinh tưởng đúng nhưng lại rất sai, nhiều người mắc phải mà không hề biết.
1. Rửa thịt sống trực tiếp dưới vòi nước
Mua thịt tươi về, nhiều người có thói quen mở vòi nước và xối trực tiếp để rửa sạch. Cách này tưởng là sạch nhưng thực ra lại vô cùng mất vệ sinh vì nước bắn tung tóe khi rửa thịt có thể làm vi khuẩn lan ra bồn rửa, bàn bếp và thậm chí là các dụng cụ xung quanh.

Cách làm đúng nên là cho thịt vào tô lớn, thêm chút muối và nước sạch, ngâm một lúc để thịt ra máu thừa và bẩn vì muối có tác dụng sát khuẩn nhẹ. Sau đó chuyển thịt đã rửa sang tô khác và rửa sạch toàn bộ dụng cụ đã tiếp xúc với thịt sống để an toàn nhất.
2. Dùng một chiếc giẻ lau cho cả nhà
Lau bàn, lau bếp, lau bồn rửa chén, nhiều người dùng đúng một chiếc giẻ cho tất cả. Theo nghiên cứu, một chiếc giẻ lau có thể chứa hàng tỷ vi khuẩn. Nếu dùng một giẻ cho nhiều khu vực khác nhau thì cũng là vô tình phát tán vi khuẩn ra khắp nhà.
Thế nên hãy phân loại giẻ lau rõ ràng, cái lau bếp, cái lau bàn ăn, cái rửa chén. Mỗi vài ngày bạn nên ngâm giẻ với nước sôi và muối hoặc nước kiềm nhẹ, rồi phơi khô dưới nắng. Tốt nhất là thay giẻ sau 3 tháng để đảm bảo sạch sẽ. Nếu lười hay không có thời gian thì dùng giẻ lau dùng một lần rồi bỏ cũng là giải pháp hợp lý.

3. Dùng khăn ướt lau trái cây trước khi ăn
Nhiều người tiện tay cầm khăn ướt lau sơ trái cây trước khi ăn, cách này cũng cực kỳ sai vì khăn giấy hay khăn ướt không thể loại bỏ thuốc trừ sâu hay bụi bẩn bám sâu trên vỏ trái cây. Muốn sạch, bạn nên rửa dưới vòi nước đang chảy ít nhất 30 giây, sau đó ngâm trong nước muối loãng vài phút rồi rửa lại mới đủ yên tâm để ăn.

4. Trải nilon lên bàn ăn cho sạch
Những tấm nilon trải bàn được tận dụng vì thấy dễ lau dọn, sạch sẽ và đẹp mắt nhưng cũng không nên trải lên bàn ăn nhiều lần. Nilon sau thời gian sử dụng rất dễ tích bụi, vi khuẩn. Các vết dầu mỡ nếu không lau kỹ sẽ tích tụ thành mảng bẩn, dễ sinh nấm mốc. Tệ hơn, nhiều loại nilon kém chất lượng làm từ PVC độc hại có thể thôi nhiễm vào đồ ăn khi tiếp xúc lâu dài. Vì vậy, tốt hơn hết là dùng khăn trải bàn bằng vải có thể giặt sạch hoặc để bàn gỗ trơn tự nhiên là đủ.

5. Dùng màn lưới đậy đồ ăn thừa
Rất nhiều người dùng màn lưới đậy đồ ăn để tránh ruồi, tưởng là tốt nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy đáng sợ. Màn lưới có thể ngăn ruồi tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn nhưng chính những con ruồi sẽ đậu trên lớp vải đó, để lại trứng, ấu trùng dễ lọt qua lưới rơi xuống đồ ăn. Thêm vào đó, màn lưới ít được giặt, bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ theo thời gian càng làm tăng nguy cơ ô nhiễm. Tốt nhất là bạn nên cho đồ ăn vào hộp kín có nắp hoặc đậy bằng màng bọc thực phẩm an toàn.

6. Dùng nước sôi trụng đũa cũ để làm sạch
Trụng đũa gỗ bằng nước sôi sẽ diệt được hết vi khuẩn cũng là một suy nghĩ tưởng đúng mà sai, chỉ đúng nếu đũa còn mới. Nếu đũa đã dùng lâu (trên 5 - 6 tháng), bề mặt thường có vết nứt, xước tích tụ nấm mốc và vi khuẩn khó mà làm sạch chỉ với nước nóng. Đặc biệt, các loại mốc có khả năng chịu nhiệt rất cao thì dùng nước sôi càng vô tác dụng.
Cách tốt nhất nếu muốn sạch sẽ là hãy thay đũa định kỳ 4 - 6 tháng/lần, đặc biệt nếu thấy có đốm đen, cong vênh hoặc có mùi lạ.

7. Phơi vỏ gối mỗi tháng là đủ?
Rất nhiều người giữ nguyên gối trong nhiều năm, chỉ thay vỏ gối và mang ra phơi nắng. Nhưng điều đó chưa đủ.
Mỗi đêm, da đầu, tóc, mồ hôi, dầu thừa đều bám lên gối. Sau thời gian dài, vỏ gối có thể sạch, nhưng lõi gối bên trong thì tích đầy tế bào chết, vi khuẩn, thậm chí là mốc. Và phơi nắng không thể diệt hết vi sinh vật bên trong lõi. Tốt nhất là thay ruột gối ít nhất mỗi năm 1 lần. Bên cạnh đó, nên ưu tiên dùng gối cao su non hoặc sợi tổng hợp, tránh gối bông hay lông vũ vì chúng dễ tích mạt bụi và nấm mốc.

8. Mỗi ngày đều rửa bình giữ nhiệt nhưng vẫn dùng đến vài năm
Uống nước mỗi ngày, bình giữ nhiệt cũng được rửa mỗi ngày nhưng nếu thấy phần trong bình có vết xước, nước có mùi lạ như mùi sắt, mùi gỉ thì nên bỏ ngay. Bởi khi lớp inox chống gỉ bị bong tróc, các kim loại nặng như niken, crôm sẽ thôi ra nước. Ngoài ra, miếng gioăng cao su ở nắp bình cũng là nơi tích tụ cặn bẩn nếu không được vệ sinh kỹ. Tóm lại vẫn nên thay định kỳ để bảo vệ sức khỏe.

9. Lau tay thường xuyên nhưng không giặt khăn
Nhiều gia đình treo khăn lau tay trong bếp, nhà vệ sinh nhưng lại rất ít khi giặt. Đây là nơi lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, đặc biệt là trong môi trường ẩm thấp. Kết quả là rửa tay xong mà dùng khăn lau đầy vi khuẩn thì cũng như không.
Tốt nhất là nên giặt khăn lau tay mỗi tuần và phơi dưới ánh nắng để khử khuẩn tự nhiên. Nếu được, hãy thay khăn mới mỗi tháng để vừa sạch vừa thơm.

Nguồn: post.smzdm