Tôi là mẹ của một đứa trẻ học lớp 9. Vừa cùng con trải qua những kỳ thi mệt mỏi, tôi hiểu cảm giác hồi hộp đến mất ngủ khi chờ điểm, lo lắng khi thấy con áp lực hay buồn bã. Nhưng có lẽ vì thế, tôi càng thấy bàng hoàng khi đọc được một vụ việc mới đây.
Chuyện là trên mạng xã hội, người ta đang truyền tay nhau bức ảnh của một nữ sinh, cùng loạt thành tích học tập khủng: Đạt IELTS 8.5 từ năm lớp 7, thi cấp 3 - Toán 9,5; Văn 9; Tiếng Anh 10, Tiếng Anh chuyên 7,25. Mới đây, khi làm thử đề thi Tiếng Anh THPT 2025, em được 9,5 điểm trong vòng 30 phút.

Thành tích học tập của em nữ sinh bỗng thành đề tài gây tranh cãi
Không rõ mẹ của nữ sinh này hay ai đã đăng thành tích của em lên MXH, nhưng nhiều cư dân mạng đang cho rằng gia đình em đã chia sẻ.
Thú thật, khi nhìn thành tích học tập của em, tôi thấy đáng nể!
Bất kỳ cha mẹ nào nếu có con như vậy, chắc cũng sẽ thấy hạnh phúc và muốn chia sẻ niềm tự hào đó. Nhưng không, thay vì những lời chúc mừng, gia đình của em nữ sinh lại phải hứng chịu một trận “ném đá” tới tấp từ cộng đồng mạng.
Nhiều người mỉa mai: “Biết rồi, giỏi rồi, nói ít thôi”, hay: “Giỏi sớm làm gì, ra đời chưa chắc làm nên cơm cháo”, có người còn trách: “Khoe không đúng lúc, mùa này 2k7 đang hoang mang vì điểm thi, không thấy mình nhẫn tâm à?”, "Phát mệt với mấy ông bố bà mẹ khoe con một cách thiếu tinh tế",... Đọc những bình luận đó, tôi thực sự thấy chạnh lòng.
Không thích thì lướt qua, sao phải buông lời cay đắng?
Đọc những bình luận mà tôi bàng hoàng! Từ bao giờ, sự giỏi giang của một đứa trẻ lại trở thành cái cớ để người lớn buông lời cay nghiệt? Từ bao giờ, việc cha mẹ tự hào về con mình lại bị xem là khoe khoang đáng ghét?
Tôi không rõ có phải mẹ em nữ sinh đã đăng thành tích của con lên mạng xã hội hay không? Nếu là chị đăng thì tôi nghĩ người mẹ ấy cũng chẳng cố tình “trêu ngươi” các em học sinh 2k7 hay bất kỳ ai. Chị chỉ đang làm điều mà bất kỳ phụ huynh nào cũng từng làm: vui thì khoe. Mạng xã hội đâu phải bảng tin tuyển sinh hay hội đồng thi, mà cứ phải “đúng lúc đúng nơi”? Chúng ta chia sẻ ảnh đi chơi, khoe bữa ăn ngon, tâm trạng vu vơ – thì tại sao lại cấm người khác khoe con giỏi? Nếu không thích, lướt qua là xong. Sao phải buông những lời chua cay như thể người ta có tội?
Tôi từng ở trong hoàn cảnh đó – từng lướt mạng khi con vừa làm bài không tốt, từng đọc những dòng điểm cao con nhà người ta mà thấy tim nhói lên một chút. Nhưng rồi tôi tự nhắc mình: con mình có hành trình riêng, con không cần giống ai để được mình yêu thương. Và khi nghĩ như thế, tôi thấy nhẹ lòng. Tôi cũng mừng cho đứa trẻ nào học tốt, bởi chẳng ai tự nhiên mà giỏi cả.
Mỗi người đều có một điểm xuất phát khác nhau, điều kiện khác nhau. Việc so sánh chỉ khiến chúng ta thêm mệt mỏi. Còn chỉ trích người khác để thấy mình “đỡ kém” – đó là một dạng độc hại tinh vi, mà nếu không nhận ra, ta rất dễ truyền lại cho chính con mình.
Tôi nghĩ, làm cha mẹ, điều quan trọng không phải là bắt người khác im lặng để mình thấy dễ chịu, mà là dạy con cách đứng vững trong một thế giới đầy so sánh và phán xét. Không ai có thể dọn sẵn tâm trạng cho mình ngoài chính mình. Và cũng không ai có nghĩa vụ giữ niềm vui của họ trong ngăn kéo chỉ để vừa lòng cảm xúc người khác.
Thành tích của người khác không khiến con tôi kém đi. Câu chuyện của họ không làm mờ đi nỗ lực mà con tôi đã trải qua. Mạng xã hội có thể là con dao hai lưỡi, nhưng cán dao luôn nằm trong tay người cầm. Lướt qua hay cứa vào mình – đó là lựa chọn của chính chúng ta. Và nếu không thể nói lời tử tế, thì giữ im lặng cũng là một cách để tử tế.