Các nạn nhân của cái gọi là “cyber wrecker” - những cá nhân kiếm lời bằng cách lan truyền tin đồn ác ý trên YouTube - đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định và truy cứu trách nhiệm của những kẻ đứng sau.
Nỗ lực của họ càng bị cản trở bởi sự miễn cưỡng của YouTube trong việc tiết lộ danh tính của người đăng tải video, cùng với chi phí kiện tụng đắt đỏ tại cả tòa án trong nước và quốc tế.
Thuật ngữ “cyber wrecker” bắt nguồn từ hình ảnh xe cứu hộ (wrecker) nhanh chóng có mặt tại hiện trường tai nạn để di dời phương tiện hư hỏng mà không cần sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Tương tự, những kẻ "cyber wrecker" kiếm lợi bằng cách đăng tải tin đồn hoặc thông tin chưa kiểm chứng về người nổi tiếng, chính trị gia và cả người bình thường, thường với mục đích bôi nhọ.
Theo các báo cáo truyền thông, Liwu, công ty luật đại diện cho streamer Se-yeon của AfreecaTV, mới đây đã nhận được thông tin cá nhân của YouTuber “PPKKa” từ Google LLC, sau khi Tòa án Quận Bắc California (Mỹ) chấp thuận yêu cầu.

YouTuber PPKKa (trái) và streamer Se-yeon (phải)
Phía Se-yeon dự định sử dụng thông tin này để khởi kiện PPKKa về tội phỉ báng. Được biết, PPKKa là một YouTuber có tư tưởng chống nữ giới, sở hữu hơn 1,14 triệu người theo dõi.
Se-yeon đã trở thành tâm điểm của nhiều tin đồn kể từ khi cô bị bắt gặp xuất hiện cùng Bang Si-hyuk, chủ tịch HYBE, tại Beverly Hills, California vào tháng 8. Ngay sau đó, PPKKa đăng tải một video cáo buộc Se-yeon kiếm tiền thông qua mại dâm và cờ bạc ở Las Vegas.
Trước những cáo buộc vô căn cứ, Se-yeon đã đệ đơn kiện phỉ báng vào tháng 9 và thành công trong việc lấy được thông tin cá nhân của PPKKa thông qua tòa án Mỹ, trong bối cảnh YouTube bị tố không hợp tác với các cơ quan điều tra Hàn Quốc trong việc cung cấp danh tính người đăng video.
Trường hợp này tương tự với vụ kiện của Jang Won-young (IVE), khi cô cũng từng kiện và xác định danh tính YouTuber “Taldeok Camp” vào năm ngoái.

Jang Won-young (trái) và YouTuber “Taldeok Camp” (phải)
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ tống tiền, quấy rối trực tuyến nhắm vào người nổi tiếng do các YouTuber ác ý thực hiện, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn trên không gian mạng.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đối với những cá nhân không đủ khả năng chi trả chi phí thuê luật sư từ cả Hàn Quốc và Mỹ.
Trong hầu hết các trường hợp, các cơ quan điều tra Hàn Quốc phải đình chỉ điều tra do gặp khó khăn trong việc lấy thông tin cá nhân của người đăng video từ các nền tảng nước ngoài như YouTube.
Hệ quả là chỉ những người có đủ tài chính mới có thể khởi kiện các YouTuber ác ý, trong khi những người bình thường bị ảnh hưởng bởi cyber wrecker lại không thể thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào, theo công ty luật Liwu.
Trong khi đó, YouTube tuyên bố trong nguyên tắc cộng đồng rằng những người sáng tạo nội dung có hành vi gây hại hoặc đe dọa người khác bằng cách kích động thù hận, quấy rối, bắt nạt trực tuyến hoặc tấn công ác ý có thể bị hạn chế về quảng cáo và doanh thu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nền tảng này vẫn có cách tiếp cận khá lỏng lẻo trong việc xử lý bạo lực mạng do các YouTuber ác ý gây ra.
Lee Woong-hyuk, giáo sư ngành cảnh sát học tại Đại học Konkuk, cho biết: “YouTube, với hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, là nơi ẩn náu lý tưởng cho các cyber wrecker che giấu danh tính để đăng video. Việc điều tra YouTube rất khó khăn vì nền tảng này luôn tìm cách tránh liên quan đến việc xác định danh tính người đăng tải.”
Yoo Hyun-jae, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Sogang, cũng nhận định: “YouTube không áp đặt chế tài đối với các cyber wrecker vì nền tảng này vẫn thu lợi nhuận từ lượt xem và quảng cáo trên các video đó”.
Trước thực trạng này, ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi siết chặt quản lý đối với các nền tảng trực tuyến nước ngoài, yêu cầu họ thực hiện các biện pháp chống bạo lực mạng, như xóa hoặc chặn các video bị báo cáo, đồng thời hạn chế doanh thu từ những YouTuber có hành vi xấu.
Hôm Chủ nhật (23/2), nghị sĩ Jeon Yong-gi thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc tuyên bố trên Facebook rằng đảng đối lập sẽ thúc đẩy việc ban hành Đạo luật Công khai Thông tin Cyber Wrecker nhằm đối phó với tình trạng các YouTuber ác ý trốn tránh trách nhiệm pháp lý.
"Cyber wrecker đang lợi dụng các nền tảng nước ngoài để lách luật, dù họ đã hủy hoại danh dự của người khác bằng những thông tin sai lệch. Điều này không thể dung thứ”, Jeon nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết mục tiêu cốt lõi của dự luật là ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch một cách vô trách nhiệm trên các nền tảng nước ngoài như YouTube, đồng thời tìm kiếm các biện pháp giúp nạn nhân được bảo vệ pháp lý một cách nhanh chóng.
Nguồn: Korea Times