Theo thông tin từ Sciencealert, một đánh giá gần đây gồm 180 bài báo về tỷ lệ tử vong của con người do biến đổi khí hậu đã đưa ra một con số vô cùng đáng lo ngại. Trong khoảng một thế kỷ tới, những ước tính của các nhà khoa học cho thấy một tỷ người có thể chết vì thảm họa khí hậu, và thậm chí con số thực tế có thể nhiều hơn.
Giống như hầu hết các dự đoán cho tương lai, dự đoán này dựa trên một số giả định.
Một là quy tắc rule of thumb được gọi là "quy tắc 1000 tấn" - nghĩa đen là phương pháp làm việc dựa vào ngón tay cái, và nghĩa bóng là phương pháp thô sơ để đánh giá hay đo lường một cái gì, dựa trên kinh nghiệm. Theo khuôn khổ này, mỗi nghìn tấn carbon mà nhân loại đốt cháy được cho là gián tiếp kết án tử hình một người trong tương lai.
Nếu thế giới tiếp tục tăng thêm 2 độ C so với nhiệt độ trung bình toàn cầu thời tiền công nghiệp, thì sẽ có rất nhiều sinh mạng bị thiệt hại. Kể từ nay, cứ mỗi 0,1 độ C nóng lên, thế giới có thể phải hứng chịu khoảng 100 triệu ca tử vong.
Chuyên gia năng lượng Joshua Pierce từ Đại học Western Ontario ở Canada giải thích : "Nếu bạn coi trọng sự đồng thuận khoa học về quy tắc 1.000 tấn và tính toán các con số, thì sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra tương đương với một tỷ xác chết sớm trong thế kỷ tới".
"Rõ ràng là chúng ta phải hành động. Và chúng ta phải hành động nhanh chóng".
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng tỷ lệ tử vong của con người do biến đổi khí hậu là cực kỳ khó tính toán, ngay cả trong thời đại ngày nay.
Liên Hợp Quốc báo cáo rằng hàng năm, các yếu tố môi trường đã cướp đi sinh mạng của khoảng 13 triệu người, tuy nhiên vẫn chưa rõ có bao nhiêu trong số những ca tử vong này bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp do biến đổi khí hậu.
Một số chuyên gia cho rằng nhiệt độ bất thường có thể cướp đi sinh mạng của khoảng 5 triệu người mỗi năm.
Một phần của vấn đề là những tác động toàn cầu của biến đổi khí hậu rất đa dạng. Mất mùa, hạn hán, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng và nước biển dâng đều có thể tác động đến cuộc sống con người theo những cách tinh vi và phức tạp.
Dự đoán số người chết trong tương lai do những thảm họa khí hậu này vốn dĩ là một công việc không dễ dàng thực hiện, nhưng Pierce và đồng tác giả của ông, Richard Parncutt từ Đại học Graz ở Áo, cho rằng đây là một chủ đề đáng để theo đuổi.
Họ lập luận rằng việc đo lượng khí thải theo khía cạnh cuộc sống của con người giúp công chúng dễ dàng tiếp thu các con số hơn, đồng thời nhấn mạnh mức độ không thể chấp nhận được của việc chúng ta không hành động hiện tại.
Pierce nói : "Sự nóng lên toàn cầu là vấn đề sống còn của một tỷ người".
Để nhấn mạnh quan điểm đó, Pierce và Parncutt đã áp dụng quy tắc 1000 tấn cho mỏ than Adani Carmichael ở Australia – dự kiến trở thành mỏ than lớn nhất từ trước đến nay.
Nếu đốt toàn bộ trữ lượng của mỏ than này, các tác giả cho rằng có thể gây ra cái chết sớm cho khoảng 3 triệu người trong tương lai.
Về mặt kỹ thuật, quy tắc 1000 tấn không tính đến các vòng phản hồi khí hậu có thể xảy ra, điều này có thể khiến hậu quả môi trường trong tương lai do lượng khí thải carbon thậm chí còn tồi tệ hơn, thậm chí nhanh hơn.
Điều đó để lại rất nhiều chỗ cho những kịch bản thậm chí còn thảm khốc hơn kịch bản được nêu ở đây.
Đó là một thực tế khó khăn nhưng là một thực tế mà công chúng và các nhà hoạch định chính sách cần phải đối mặt trực tiếp.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Energies.