Trong suy nghĩ của nhiều người, một công việc văn phòng ổn định với mức lương cố định hàng tháng là lựa chọn an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người trẻ ngày nay không còn hài lòng với mức thu nhập khởi điểm thấp.
Thay vì chỉ trông chờ vào việc tăng lương theo thâm niên, họ chủ động tìm kiếm cơ hội nâng cao thu nhập thông qua việc học hỏi, làm thêm hoặc thậm chí chuyển hướng sang lĩnh vực mới. Nhiều người đã bắt đầu sự nghiệp với mức lương thấp, nhưng nhờ sự kiên trì và chăm chỉ làm việc, họ đã đạt được mức thu nhập đáng mơ ước.
Mới ra trường, mình không ngại nhận việc lương thấp, nhưng...
Đó là lời chia sẻ của Nguyễn Trinh (37 tuổi, Hà Nội) khi nhớ lại những ngày đầu đi làm với mức lương chỉ 7 triệu đồng/tháng. Là một sinh viên ngành Kế toán mới ra trường, cô không có nhiều lựa chọn nên phải chấp nhận mức thu nhập thấp để có kinh nghiệm.
"Mình biết nếu chỉ nhìn vào mức lương mà từ chối cơ hội thì rất khó có thể phát triển. Vì vậy, dù lương thấp, mình vẫn quyết định làm để học hỏi và trau dồi kỹ năng", Trinh nói.
Để bù đắp cho khoản lương ít ỏi, mỗi tối cô còn nhận thêm việc gia sư, đồng thời tranh thủ học thêm về kế toán thuế, báo cáo hợp nhất. Suốt nhiều năm, cô không từ chối nhiều công việc mà cấp trên giao, dù là làm thêm giờ hay đảm nhận những nhiệm vụ khó.
"Có lúc mình cảm thấy kiệt sức vì công việc chồng chất, nhưng khi nhìn lại, mình thấy đó là khoảng thời gian quý giá nhất giúp mình tiến xa hơn sau này", Trinh nói thêm. Nhờ sự kiên trì và không ngừng trau dồi, sau 15 năm, Trinh đã trở thành Giám đốc tài chính, ngoài ra còn nhận tư vấn tài chính riêng. Tổng thu nhập mỗi tháng của cô hiện nay là 75 triệu/tháng.

Ảnh minh hoạ
Tương tự, Phạm Trà (30 tuổi, Hà Nội) cũng từng trải qua những tháng ngày chật vật với mức lương khởi điểm 4 triệu đồng khi làm cho một công ty điện tử. "Ban đầu, mình rất sốc vì lương thấp hơn kỳ vọng. Nhưng thay vì chán nản, mình nghĩ rằng nếu muốn có mức lương cao hơn, trước hết phải chứng minh năng lực của bản thân", cô nàng nhớ lại.
Sau một năm, cô quyết định nhảy việc để có mức thu nhập khá hơn. Khi chuyển sang công ty mới, lương của Trà tăng lên 9 triệu và duy trì trong một thời gian dài. Nhưng không dừng lại ở đó, cô tiếp tục rèn luyện kỹ năng, làm thêm nhiều nhiệm vụ ngoài chuyên môn để có kinh nghiệm rộng hơn. Cô nàng kể lại: "Mình không chỉ làm đúng phần việc của mình mà còn chủ động hỗ trợ các bộ phận khác, nhờ đó mà học hỏi được nhiều điều." Nhờ vậy, đến nay, cô đã đạt mức lương 30 triệu/tháng.
Trong khi đó, Thu Quỳnh (29 tuổi) xuất phát điểm với vị trí nhân viên ngành Marketing với mức lương chỉ 5 triệu dành cho vị trí thực tập sinh. "Lương thấp đến mức mình phải tính toán từng đồng, nhưng mình xác định đây chỉ là bước khởi đầu nên không nản lòng", Thu Quỳnh tâm sự.
Ban đầu, số tiền ít ỏi khiến cô phải tính toán chi tiêu rất chặt chẽ. Quỳnh chấp nhận ở ghép với bạn để giảm tiền thuê nhà, ăn cơm tự nấu thay vì ăn ngoài. Nhưng thay vì than vãn về thu nhập thấp, cô dành thời gian học thêm kỹ năng marketing nâng cao, đặc biệt là tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp.
"Mình nhận ra rằng khi có kiến thức vững, cơ hội sẽ tự tìm đến. Vì vậy, mình đầu tư rất nhiều thời gian vào học tập và thực hành", cô nàng kể lại. Sau nhiều năm cố gắng, hiện tại Quỳnh có mức lương 50 triệu/tháng từ công việc chính kết hợp nguồn thu nhập tay trái nhờ tư vấn doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ
Làm sao để lương tăng vọt trong sự nghiệp?
Không phải ai cũng sẵn sàng nhận mức lương thấp để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ thành công đều có giai đoạn làm việc không ngại khó, không ngại khổ.
Nguyễn Trinh cho rằng yếu tố quan trọng nhất để đạt được bước nhảy vọt trong sự nghiệp là tinh thần chủ động học hỏi và trau dồi kỹ năng. Trinh chia sẻ: "Mình chưa bao giờ nghĩ rằng cứ có bằng cấp là đủ. Thực tế, những người được tăng lương và thăng chức nhanh là những người không ngừng học. Họ không chỉ làm tốt công việc hiện tại mà còn trang bị thêm những kỹ năng mới để nâng cao giá trị bản thân. Nếu bạn không học hỏi, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau."
Trong khi đó, Phạm Trà nhấn mạnh tầm quan trọng của cố gắng đảm nhiệm nhiều đầu việc để tích luỹ kinh nghiệm. Cô nàng bày tỏ: "Đừng bao giờ chỉ làm đúng phần việc của mình, vì như thế bạn sẽ không thể nổi bật giữa hàng loạt nhân viên khác. Khi bạn sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm, bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn, có cơ hội tiếp xúc với các nhiệm vụ quan trọng hơn, và tất nhiên cơ hội tăng lương cũng cao hơn. Hãy chứng minh rằng bạn có thể làm được nhiều hơn những gì công ty yêu cầu."
Còn Thu Quỳnh thì cho rằng đầu tư cho bản thân là điều không thể thiếu nếu muốn thu nhập cao: "Khi mới đi làm, mình luôn trích một phần thu nhập để học hỏi, dù lương rất thấp. Nhiều người nghĩ rằng phải có nhiều tiền mới học được, nhưng thực tế có rất nhiều tài liệu miễn phí trên mạng. Quan trọng là bạn có chịu khó tìm kiếm và tự học hay không. Nếu bạn không đầu tư cho chính mình, đừng mong người khác sẽ trả lương cao cho bạn".
Sau cùng, Thu Quỳnh cho rằng khi mới ra trường, có thể bạn phải mất nhiều năm làm việc với mức thu nhập thấp trước khi có bước nhảy vọt. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng việc chấp nhận mức lương thấp ban đầu để đổi lấy kinh nghiệm là điều xứng đáng. Điều quan trọng là bạn cần có kế hoạch phát triển bản thân, không ngừng học hỏi và tận dụng từng cơ hội để tiến xa hơn trong sự nghiệp.