

Với nhiều người, hình dung về một nhà máy sản xuất trong tâm trí sẽ là những khối nhà xưởng vuông vức mang màu sắc ảm đạm, tiếng máy móc rầm rì, từng lớp công nhân đi lại khẩn trương hay lớp bụi đen tỏa ra từ ống khói cao vút.
Nhưng bài văn miêu tả đó sẽ bị phê là “sai thực tế” nếu đề bài được giao là khắc họa khu tổ hợp sản xuất của Canifa tại Văn Giang, Hưng Yên.
Cách Hà Nội khoảng hơn 20km, nhà máy Canifa nằm cạnh con đường tỉnh lộ nhộn nhịp đi qua Ecopark, mang dáng vẻ của một công viên hơn là công xưởng sản xuất.
Ngay đầu “khu công viên” là tòa nhà vận hành trong suốt nổi lên như pháo đài, bao quanh bởi hào nước có đàn cá Koi bơi lội, với lối vào duy nhất chỉ là một cây cầu.
Nhìn vào tòa nhà vận hành bằng kính này, nhiều người sẽ liên tưởng đến những tòa nhà văn phòng của các công ty công nghệ nổi tiếng thế giới, được chau chuốt bởi khoảng không gian xanh, đề cao tính thẩm mỹ, khoáng đạt – những yếu tố giúp tăng năng suất làm việc hơn.
Được quy hoạch theo ô bàn cờ, tổ hợp Canifa Văn Giang phân rõ từng khu vực nhà xưởng, tổng kho, phòng lab, tòa nhà vận hành và khu đa năng, với không gian tách biệt rộng rãi. Đan xen ở giữa là những thảm cỏ lớn, dàn cây sấu, chiêu liêu trồng thành từng hàng dài, ôm lấy bốn góc khuôn viên. Sự cầu kỳ hiếm thấy đối với một công trình vốn đề cao tính tối ưu, năng suất.

“Là người trong ngành thời trang, tôi coi nhà máy không chỉ là nơi tạo ra sản phẩm mà còn phải đẹp. Đó phải là nơi tạo cảm hứng cho chính mình, cho người lao động hay cho cả những đối tác ghé nơi đây”, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, CEO Canifa chia sẻ về thiết kế độc đáo của tổ hợp.
Đi vào hoạt động từ gần 10 năm trước, tổ hợp Văn Giang của Canifa tại Hưng Yên có quy mô hơn 3ha, phục vụ nhu cầu làm việc của gần 400 người. Đây là một trong số ít nhà máy dù đã xây dựng từ lâu những vẫn đảm bảo tính hiện đại, theo xu hướng bền vững, đặc biệt được nhận chứng chỉ LEED – chứng chỉ danh giá dành cho những công trình xanh, tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải, bảo vệ môi trường.
Trong quá trình đánh giá, LEED xác nhận tổ hợp tiết kiệm nước từ 20 – 40% so với các công trình thông thường. Nước thải trong quá trình sử dụng đều được thu hồi, lọc sạch và tái sử dụng cho hệ sinh thái nội khu, tưới cây hay thậm chí là được sử dụng trực tiếp để nuôi cá Koi.

Cây xanh, thảm cỏ tại đây chiếm 30% diện tích xây dựng. Các tòa nhà đều được làm bằng kính hoặc tận dụng kính tối đa. Các vị trí có người làm việc đều có ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng năng lượng nhân tạo.
Ở Mỹ, LEED được coi là chứng chỉ bắt buộc, chẳng phải chủ công trình xây dựng nào cũng ưa. Nhưng ở Việt Nam, Canifa lại tự nguyện “đưa đầu vào tròng”.
“Sau các nhà máy xây dựng từ 20 năm trước, chúng tôi muốn mở thêm những nhà máy mới tốt hơn. Văn Giang là một trong những nhà máy đầu tiên của tư nhân định hướng trong việc đạt được chứng chỉ LEED. Chúng tôi muốn đây là nơi hòa hợp với thiên nhiên cũng như đi theo xu hướng chung của toàn thế giới”, bà Ngọc chia sẻ.
Ngoài tòa nhà vận hành chính được sử dụng hoàn toàn là kính, còn có khu đa năng gồm canteen và khu vực sinh hoạt chung với tạo hình đảm bảo hai công năng: “ăn dưới, chơi trên”. Bên dưới là nhà ăn chung cho toàn bộ công nhân viên với bốn mặt trong suốt, trên nóc là không gian hoạt động ngoài trời, bao gồm cả sân tennis.
Diện tích mặt thoáng lớn, những thảm cỏ xanh quanh nhà máy thường là nơi nhân viên làm việc theo nhóm một cách tự do, kích thích sự sáng tạo trong ngành thời trang, cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống, ngay trong giờ làm thay vì phải chờ đến ngày nghỉ.

“Triết lý của Canifa là kinh doanh dựa trên giá trị thực. Trong suốt chính là sự minh bạch – thứ mà chúng tôi đề cao. Từ khu văn phòng đến khu làm việc, khu nhà bếp, đều có những cửa kính trong suốt, không có chỗ nào là riêng tư. Mọi người hoàn toàn có thể nhìn thấy nhau đang làm gì. Bản thân tổ hợp này chính là sự phản chiếu triết lý của Canifa”, CEO Canifa mô tả.

Từ những ngày đầu mới hoạt động, Canifa đã nhận thức ngành thời trang, dệt may gây ra những tác động không hề tốt đối với môi trường, khi là một trong ba ngành sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước, tạo ra rác thải trong quá trình sản xuất cũng như sau khi sử dụng.
“Đấy là thực tế phũ phàng của ngành. Để giải quyết vấn đề đó, chúng tôi cho rằng Canifa phải xác định thời trang bền vững là con đường cần đi lâu dài”, bà Phạm Thị Thúy, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng Canifa cho biết.
“Canifa kinh doanh dựa trên giá trị thật. Chúng tôi chú tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của nguyên liệu, mọi quá trình dẫn đến sản phẩm sau cùng đều đảm bảo tác động ít nhất đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng”.
Phương thức này chỉ mới được khái quát, gọi tên bằng khái niệm “bền vững, xanh” trong những năm gần đây. Nhưng với Canifa, định hướng đó đã có trong đầu từ cách đây 20 năm.
“Chúng tôi xác định mình phải làm song song, cả bền vững và thời trang”, bà Thúy nhấn mạnh.

Xanh và bền vững không chỉ là lớp vỏ kính bóng bẩy bên ngoài nhà máy, đó còn là quá trình nhiều công đoạn từ chọn nguyên liệu, nhà cung ứng, thử nghiệm, thiết kế, sản xuất. Cách nhanh chóng và chính xác nhất để “xanh hóa” mọi công đoạn đó là áp dụng tiêu chuẩn đã được kiểm chứng trên thế giới.
Canifa sử dụng đến 70% nguyên vật liệu tự nhiên trong sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường. Đặc biệt là những loại nguyên liệu đạt chứng chỉ quốc tế như Cotton USA, loại vải từ sợi bông nhập khẩu 100% từ Mỹ, thân thiện với môi trường hơn so với vải pha, hay len lông cừu Úc với khả năng giữ ấm vượt trội, sức đàn hồi tốt, có thể kéo dài đến 20.000 lần không đứt.
“Canifa là một trong những thương hiệu có nhiều thứ đầu tiên. Là nhà sản xuất đầu tiên có chứng chỉ OEKO-TEX từ năm 2014, đầu tiên đưa cotton chất lượng Mỹ đến với khách hàng Việt Nam và là nhãn hàng nội địa của Việt Nam duy nhất là thành viên của Cotton USA từ 2017, cũng như chứng chỉ quốc tế về len lông cừu Úc của Woolmark”, bà Thúy liệt kê về bộ sưu tập tiêu chuẩn nhiều gạch đầu dòng của Canifa.
“Những nguyên liệu và tiêu chuẩn nói trên chỉ mới phổ biến trên thị trường 2-3 trở lại đây nhưng Canifa đã đưa vào sử dụng gần chục năm qua”.
Để tìm hiểu kỹ càng về những thứ mới mẻ này, Canifa đã đến tận vùng sản xuất tại nhiều nước trên thế giới, phối hợp với các chuyên gia để xem chúng có tác động đến môi trường, con người hay là sinh thái địa phương thế nào, có ưu thế gì hơn đối với các nguyên liệu thô thường. Khi các tổ chức đưa ra những số liệu cụ thể, Canifa tin rằng đây chính là thứ mình đang tìm kiếm.
Thương hiệu thời trang lâu năm của Việt nam cũng quan tâm đến chứng chỉ an toàn toàn cầu OEKO-TEX từ năm 2014, khi chưa có nhiều nhãn hàng trong nước quan tâm đến.
Là một trong những chứng chỉ uy tín nhất hiện nay – OEKO-TEX sẽ kiểm nghiệm sản phẩm nghiêm ngặt từ nguyên liệu tới thành phẩm để đảm bảo không có chứa các chất độc hại trước khi đến tay người dùng.
“Trong khi quy định hàng hóa kinh doanh hiện tại chỉ yêu cầu đáp ứng về chỉ tiêu khoảng vài chục hợp chất, OEKO-TEX kiểm nghiệm đến 1.000 hợp chất. Những hợp chất này sẽ được cập nhật hoặc loại bỏ hàng năm”, bà Thúy giải thích.

“Sản phẩm có chứng nhận này đồng nghĩa với khách hàng đang được sử dụng sản phẩm có độ an toàn cao nhất hiện tại với tiêu chuẩn mang tính toàn cầu”.
Cho đến nay, Canifa vẫn là một trong số ít các nhãn nội địa có chứng chỉ OEKO-TEX.
“Chơi” theo tiêu chuẩn quốc tế không đơn giản. Họ có những quy tắc nghiêm ngặt, minh bạch và dài hạn. Thêm nữa, chi phí cũng tốn kém.
Bà Thúy cho biết, chứng chỉ quốc tế ở đây không phải chỉ được cấp một lần là dùng trọn đời. Đơn vị cấp chứng nhận sẽ giám sát và đánh giá hàng năm. “Quy trình sản xuất phải rất mình bạch, rất rõ ràng thì mới được gia hạn”, bà nhấn mạnh.
Dù yêu cầu chi phí cao và quy trình phức tạp so với phương thức truyền thống, Canifa không nghĩ rằng công ty đang tự làm khó mình hay “chơi trội”.
“Chúng tôi không nghĩ nhiều về khó khăn. Tiêu chuẩn quốc tế mang lại cho Canifa thuận lợi ở nhiều phương diện khác. Chất lượng các lô hàng ổn định, đồng đều hơn, quá trình sản xuất được rút ngắn, tiết kiệm công sức, thời gian sản xuất, lỗi giảm nhiều. Thời gian đầu có thể vất vả nhưng khi xây dựng một quy trình ổn, mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo”.

Có một điều đặc biệt là khi đã theo tiêu chuẩn quốc tế, Canifa chỉ được mua vải hay mua các phụ liệu khác ở những nhà cung cấp cũng nằm trong danh sách. Ngay cả công đoạn phụ như in thêu cũng được chỉ định là đơn vị gia công đạt chuẩn.
Giai đoạn đầu là giai đoạn Canifa rất khó kiếm nhà cung cấp trong nước. Các đơn vị gia công thời điểm đó vẫn mang tư duy bán sản phẩm thay vì nâng cao chất lượng.
“Những tiêu chuẩn đó rất khắt khe. Thời điểm 2014, rất hiếm các doanh nghiệp thời trang nội địa của Việt Nam xây dựng hệ thống chất lượng, đảm bảo được các chứng chỉ đó, buộc chúng tôi phải mua nguyên liệu từ nước ngoài”, bà Thúy chia sẻ.

Điều này cũng dẫn đến tình huống trớ trêu khi yêu cầu từ phía Canifa phức tạp đến nỗi nhà cung cấp trong nước tuyên bố dừng hợp tác một cách phũ phàng. “Họ gọi thẳng cho tôi nói: Anh không làm với Canifa đâu. Bọn em đòi hỏi nhiều lắm”, bà Thúy kể lại.
“Chúng tôi không nghĩ một đơn vị cung cấp có tiếng của thị trường Việt Nam lại nói không hợp tác với Canifa. Nhưng khi hiểu kỹ thì mới thấy tiêu chuẩn Canifa và của đối tác thực tế có sự tương hợp cao. Đây chỉ là sự chưa thấu hiểu nhau mà thôi”.
Giờ đây, khi những khớp nối đã vừa vặn, Canifa chỉ cần đưa quy chuẩn và nguyên liệu là sẽ được đáp ứng ngay lập tức, không một lời thắc mắc. Nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước của Canifa hiện chiếm đến 70%.
“Chúng tôi muốn mở rộng tìm kiếm các nguồn cung ứng trong nước. Có thể nhà cung cấp nước ngoài hiểu quy trình với tiêu chuẩn hơn nhưng các đối tác trong nước cũng đang ngày càng nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng”, bà Thúy chia sẻ.


Sau 10 năm “cầm đèn soi đường”, ngày càng có nhiều đơn vị thời trang, nhà cung cấp bắt đầu đi theo con đường tiêu chuẩn xanh và bền vững, cho thấy hiệu ứng tích cực đến từ Canifa.
“Tôi nghĩ Canifa đã đóng góp được phần nào đó đối với xu hướng xanh và bền vững trong công nghiệp thời trang dệt may Việt Nam. Từ những yêu cầu khó ban đầu của Canifa, các đối tác cũng tự thúc đẩy mình và kiên quyết trên con đường xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, chinh phục những chứng chỉ quốc tế. Chúng tôi cộng hưởng tạo nên một hệ sinh thái tiêu chuẩn xanh và bền vững phát triển cùng nhau”, bà Thúy tự hào.
“Bản thân là đơn vị tâm huyết, chúng tôi cũng mong các nhãn hàng khác sẽ ngày càng thấu hiểu và nhận thức về tính bền vững để cùng Canita xây dựng chuỗi cung ứng của thời trang Việt Nam ngày một chất lượng”.
Khó khăn, tốn chi phí nhưng việc săn đuổi những tiêu chuẩn quốc tế đã thu những trái ngọt, điều thể hiện qua sự tin tưởng từ phía khách hàng cũng như hình ảnh thương hiệu được nâng cao trong những năm qua.
“Khi thực hiện khảo sát về ý kiến khách hàng, có rất nhiều đánh giá tốt về độ tin cậy và chất lượng sản phẩm. Chúng tôi nghĩ đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của mình khi chọn con đường khó đi”.

“Chúng tôi có khoảng 1.200.000 khách hàng đăng ký thành viên, trong đó là 600.000 khách hàng thân thiết. Độ trung thành với thương hiệu tương đối cao là câu trả lời cho tất cả”.
Sau những tiêu chuẩn chất lượng, khía cạnh quan trọng hơn vẫn là thành phẩm đến tay người dùng. Triết lý của Canifa là tạo nên các sản phẩm mang tính thời trang vừa đủ, đáp ứng thị hiếu nhưng vẫn tối giản để tránh lỗi mốt nhanh chóng, chú trọng vào chất lượng và độ bền giúp kéo dài vòng đời, từ đó góp phần giảm lượng rác thải thời trang.
“Sản phẩm của Canifa có thiết kế cơ bản, dễ mặc trong nhiều trường hợp, từ đi làm đi chơi, thậm chí là đi họp phụ huynh, có thể sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tăng tần suất sử dụng và giảm thiểu việc khách hàng phải mua nhiều sản phẩm cho từng ngữ cảnh”, bà Thúy cho biết.
“Đường may cũng phải chỉn chu, đạt chất lượng để có được vòng đời kéo dài. Nếu chỉ mặc được một hai lần thì không thể gọi là bền vững”.
Các sản phẩm từ nhà máy chuyển đến từng cửa hàng trên khắp mọi miền đất nước dù đắt hay rẻ đều được cung cấp hệ thống nhãn mác đầy đủ để khách hàng nắm rõ về cách sử dụng, chất liệu, nguồn gốc xuất xứ, những tiêu chuẩn an toàn.
Với nhiều người, những lớp nhãn mác đó không phải thứ đáng lưu tâm, thậm chí gây khó chịu, nhưng với Canifa, đó là một hành trình dài mang tiêu chuẩn quốc tế gắn vào sản phẩm mang đậm dấu ấn "Made by Vietnam".

“Sứ mệnh của Canifa là mang đến những sản phẩm thời trang chất lượng quốc tế trong mức giá phù hợp nhất. Khách hàng Việt xứng đáng có được điều đó”, bà Thúy nói.
Ghi dấu cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ với mô hình phát triển bền vững và không ngừng đổi mới sáng tạo, trong năm 2024, Canifa đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Thương hiệu Đổi mới Sáng tạo lần thứ 2 liên tiếp.