Chạnh lòng vì không có nhà và xe cho con, mẹ trẻ nhận được lời nhắn bất ngờ từ cộng đồng mạng

Một mẹ công chức chia sẻ nỗi buồn khi nghĩ mình sẽ khó tạo được "bàn đạp vững chắc" cho con như người khác. Nhưng điều khiến chị bất ngờ là, cộng đồng mạng lại đồng loạt gửi tới một lời nhắn đầy thấu hiểu và tỉnh táo.

“Hôm nay buồn buồn muốn tâm sự với cả nhà một chút…” dòng mở đầu bình dị trong bài viết của một mẹ trẻ công chức bỗng khiến nhiều người dừng lại. Không oán trách, không than thở, chị chỉ kể một nỗi lòng rất thật: sau đợt sáp nhập đơn vị, chị được chuyển đến nơi làm mới cách nhà hơn 40km. Sáng đưa con đi học, chị bắt xe buýt đến cơ quan rồi đi bộ cả cây số từ bến vào. Chồng chị đi làm hơn chục cây số bằng xe máy, hai vợ chồng lương mỗi người hơn chục triệu, nuôi hai con nhỏ, tiết kiệm lắm cũng chỉ dư được nửa lương.

Chạnh lòng vì không có nhà và xe cho con, mẹ trẻ nhận được lời nhắn bất ngờ từ cộng đồng mạng- Ảnh 1.

Không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện để làm bàn đạp vật chất cho con (Ảnh minh họa)

Điều khiến chị chạnh lòng không phải là vất vả, mà là khi nhìn thấy các bạn đồng nghiệp mới ra trường vài năm đã có nhà vài tỷ, có xe riêng vì có bố mẹ làm chỗ dựa. Chị viết: “Mình lại thương con cái sau này vì chắc mình không lo cho con được như bố mẹ các bạn ấy…”.

Nhưng điều khiến nhiều người chú ý không chỉ là nỗi buồn đó, mà là cách chị tự kết lại: “Thôi cả nhà cứ tự động viên nhau là thời buổi này còn được mạnh khỏe, bình an, mỗi tối sum họp là hạnh phúc, may mắn lắm rồi, cả nhà nhỉ?”.

Cha mẹ nhất thiết phải để lại nhà xe cho con?

Bài viết của người mẹ trẻ nhanh chóng nhận về hàng loạt phản hồi. Không ai trách móc chị “yếu lòng”, cũng không cố vội vàng khuyên nhủ. Điều khiến nhiều người ấm lòng là sự đồng cảm xuất phát từ trải nghiệm thật: ai rồi cũng từng ít nhiều thấy mình nhỏ bé khi nhìn quanh, nhưng điều quan trọng là sau cùng vẫn biết quay về với những điều mình đang có.

Nhiều bình luận nhắn gửi rằng, mỗi người có một thời điểm rực rỡ riêng, chỉ cần tốt hơn chính mình của ngày hôm qua là đủ. Không có nhà, không có xe, nhưng còn công việc, còn sức khỏe, còn một mái ấm được giữ bằng những bữa cơm tối quây quần - với nhiều người, thế là đã đủ đầy rồi.

- Nếu để so với người khác thì đúng là không bằng. Nhưng nghĩ tích cực ra, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người: có công việc, có gia đình, có con để lo.

- Mỗi người 1 cuộc đời đừng nhìn vườn nhà bên cạnh xanh hơn mà ham. Chắc gì người ta đã hạnh phúc hơn bạn.

- Chuẩn rồi chị ơi còn đủ cả gia đình buổi tối quây quần là hạnh phúc lắm rồi, ngước lên mình chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống chẳng ai bằng mình đâu , nhiều người giờ cũng chỉ muốn như hai anh chị thôi.

Chạnh lòng vì không có nhà và xe cho con, mẹ trẻ nhận được lời nhắn bất ngờ từ cộng đồng mạng- Ảnh 2.

Tài sản lớn nhất của cha mẹ là cho con nền tảng để tự lập (Ảnh minh họa)

Và một câu hỏi cũng được không ít người đặt ra: Liệu cha mẹ có nhất thiết phải để lại cho con nhà, xe hay tài sản vật chất? Hay điều quan trọng hơn là cho con sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần và giáo dục, để khi bước vào đời, con có thể tự đứng vững bằng đôi chân của mình?

- Sống khỏe, cho con cái nghề là tài sản tốt nhất. Mình sinh ra trong gia đình ba mẹ không có nghề nghiệp ổn định mình vẫn rất tự hào. Việc của mình là nuôi dạy con bằng tất cả những gì mình có và làm thật tốt công việc hiện tại, cống hiến cho xã hội, mọi sự ghi nhận là tài sản mình giành cho con sau này

- Vì sao mọi người cứ phải có tư duy làm sau này cho con cái mà không phải là chỉ có trách nhiệm nuôi con ăn học đến khi ra trường là được rồi. Còn con cái phải tự lập tự lo. Còn lại thì làm tự lo cho bản thân.

Tài sản lớn nhất của cha mẹ là cho con nền tảng để tự lập

Không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện để làm bàn đạp vật chất cho con. Nhưng ai cũng có thể tạo nên một nền móng vững chắc bằng chính cách mình sống  tử tế, có trách nhiệm, biết đủ và yêu thương.

Bạn có thể không để lại cho con nhà cửa hay xe hơi. Nhưng nếu bạn là người cha, người mẹ luôn nỗ lực, không bỏ cuộc, biết tự an ủi mình bằng những giá trị bền vững, thì bạn đã để lại cho con một thứ tài sản lâu dài hơn: một tấm gương để noi theo.

Vì sau cùng, con cái không chỉ lớn lên từ bữa cơm cha mẹ nấu, mà còn lớn lên từ những gì cha mẹ tin, cha mẹ sống và cha mẹ truyền lại bằng chính từng lựa chọn mỗi ngày.


Minh Linh