Trong suốt nhiều năm làm việc với hàng nghìn gia đình trên toàn cầu, 2 chuyên gia tâm lý và huấn luyện phụ huynh, Ashley Graber và Maria Evans, đã nhận thấy nỗi lo lắng ở trẻ em ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy biến động. Không chỉ điều hành các nhóm hỗ trợ cho phụ huynh, họ còn đào tạo hơn 8.000 nhà trị liệu, nhà tâm lý và cố vấn nhằm giúp trẻ vượt qua lo âu.
Với kiến thức vững chắc cùng hàng nghìn giờ trị liệu thực tế, Ashley và Maria đã chỉ ra rằng, nỗi lo của trẻ không chỉ đơn giản là sợ bóng tối hay bài kiểm tra, mà còn đến từ những điều âm thầm, sâu xa mà người lớn thường không để ý. Theo họ, để giúp trẻ bình tĩnh và vững vàng hơn trong cuộc sống, bước đầu tiên là thấu hiểu: Trẻ đang lo lắng điều gì?
Dưới đây là 6 nguyên nhân chính khiến trẻ em thường xuyên cảm thấy lo âu, cùng với những cách mà cha mẹ có thể hỗ trợ con cái một cách hiệu quả:
1. Lo lắng về các mối quan hệ xã hội
Trẻ em khi bước vào giai đoạn trưởng thành, thường rất nhạy cảm với những gì người khác nghĩ về mình. Trẻ khao khát được chấp nhận và mong muốn trở thành một phần của nhóm bạn bè.
Tuy nhiên, nếu trẻ có sự khác biệt về ngoại hình, sở thích, văn hóa hay sắc tộc, chúng có thể cảm thấy tự ti hoặc trở thành mục tiêu của sự bắt nạt và chế giễu. Nỗi lo lắng về việc "không giống ai" có thể trở thành một gánh nặng tâm lý kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển và tâm trạng của trẻ.

Ảnh minh họa.
2. Ảnh hưởng từ mạng xã hội
Mạng xã hội đang tạo ra áp lực ngày càng lớn cho trẻ em trong việc so sánh bản thân với người khác, từ bạn bè cho đến những người lạ. Những hình ảnh và thông tin mà trẻ tiếp cận thường là "phiên bản hoàn hảo" của cuộc sống người khác, khiến chúng cảm thấy mình kém cỏi.
Nếu không có sự giám sát trong việc sử dụng mạng xã hội, trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, tự ti và chịu áp lực kéo dài, điều mà người lớn thường khó nhận ra.
3. Thay đổi lớn trong cuộc sống
Chuyển nhà, đổi trường, có em bé hay bố mẹ ly thân đều là những biến động lớn trong cuộc sống của trẻ. Mặc dù những thay đổi này có thể mang lại điều tích cực, nhưng trước mắt, trẻ thường cảm thấy như mình đang mất đi một điều gì đó quan trọng.
Chẳng hạn, trước khi kịp vui mừng vì sự xuất hiện của em bé, trẻ có thể cảm thấy buồn bã vì không còn là "duy nhất" trong lòng bố mẹ.

Ảnh minh họa.
4. Lịch trình quá dày đặc
Nhiều gia đình hiện nay đặt nặng việc học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa, dẫn đến việc trẻ em gần như không có thời gian nghỉ ngơi thực sự.
Thiếu thời gian chơi tự do và không gian riêng tư có thể gây ra tình trạng stress mãn tính ở trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và khả năng học tập của trẻ.
5. Thiếu sự nhất quán
Trẻ em không cần phải trải qua những hoạt động lặp đi lặp lại giống hệt nhau mỗi ngày. Tuy nhiên, những thay đổi đột ngột, sự thất hứa từ người chăm sóc, hay các quy tắc liên tục thay đổi có thể khiến trẻ cảm thấy lo âu. Khi người lớn trong gia đình đưa ra những thông điệp mâu thuẫn, trẻ sẽ cảm thấy không an toàn và không chắc chắn về điều gì là "đúng".
6. Trải nghiệm sang chấn
Tai nạn dù nhỏ như bị chó cắn hay chứng kiến người bị thương, thậm chí là một vụ va chạm giao thông, đều có thể gây ra sang chấn tâm lý cho trẻ em. Khi não bộ chưa kịp xử lý những sự kiện này, bất kỳ điều gì gợi nhớ đến chúng có thể khiến trẻ cảm thấy hoảng sợ, khó thở và mất kiểm soát cảm xúc. Hệ quả là trẻ có thể rơi vào tình trạng rối loạn lo âu kéo dài.
Tóm lại, những điều lo lắng trên nếu không được cha mẹ kịp thời sửa chữa cho trẻ, nó sẽ để lại nhiều hậu quả tiêu cực kéo dài từ nhỏ cho tới lớn.