Khoảng 2 năm trở lại đây, khi giá BĐS liên tục tăng cao, cộng thêm tình hình đìu hiu của thị trường lao động, tất cả gộp lại tạo thành "combo" kéo giấc mơ mua nhà ra khỏi tầm với. Trong bối cảnh ấy, có người tặc lưỡi tạm gác lại mục tiêu mua nhà, hài lòng với việc đi ở thuê nhưng cũng có người mạnh dạn vay ngân hàng tiền tỷ, vì suy nghĩ phải an cư mới lạc nghiệp được.
Những suy nghĩ, những quyết định có phần đối nghịch ấy đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi, trong những ngày vừa qua. Cứ tưởng nhà ai người đó, nợ ai người đó trả, nhưng mà không...
Team "ở thuê" đối đầu team "mua nhà bằng mọi giá"
Sự rôm rả này bắt nguồn từ dòng trạng thái của một bạn trẻ, chia sẻ quan điểm về việc vay tiền mua: "Tôi không hiểu sao có người dám vay 70–80% để mua chung cư...".

"Sống mà tháng nào cũng nơm nớp vì nợ ngân hàng thì sống làm gì?" (Ảnh chụp màn hình)
Trong gần 400 bình luận, có 2 luồng tranh luận rõ rệt:
- Một bên ra sức phản đối tư duy không mua nhà, xác định ở thuê cả đời. Vì giá BĐS tăng thì giá thuê nhà sẽ tăng theo, ở thuê cho nhẹ đầu chỉ là suy nghĩ ảo tưởng, vì phải phụ thuộc vào chủ nhà, rồi tuổi tác hay những biến động khó lường. Tháng nào cũng bỏ tiền ra thuê nhà thì chi bằng cố thêm một chút, vay mua nhà. BĐS bây giờ dù là chung cư hay nhà mặt đất thì cũng chẳng lo mất giá. So với lãi vay mua nhà thì tốc độ tăng giá của BĐS vẫn là cao hơn. Thế nên dành tiền đi thuê nhà mãi là... dại!

Trung bình quan điểm của những người tin rằng phải an cư mới lạc nghiệp, dù BĐS có tăng cũng nên cố gắng mua nhà! (Ảnh chụp màn hình)
- Trong khi đó, "team ở thuê" lại phản bác bằng những lý lẽ cũng thuyết phục không kém: Có tiền thì để tiết kiệm rồi mua vàng, đầu tư,... vẫn yên tâm có tài sản cho mình, và xa hơn là tài sản để lại cho con, chứ chẳng nhất thiết cứ phải mua nhà. Vay mượn tiền tỷ, gánh nợ mấy chục năm mà trong lúc đó có biến cố sức khỏe hay công việc, thì áp lực chồng áp lực, chẳng tội gì phải thế!

"Cái lý" của những người chấp nhận đi ở thuê chứ không mạo hiểm vay tiền mua nhà (Ảnh chụp màn hình)
Tựu trung lại, dù mua nhà hay thuê nhà để ở, mục tiêu lớn nhất vẫn là ổn định cuộc sống ở hiện tại và cả tương lai. Người có thu nhập cao, đủ để trang trải nợ vay mua nhà sẽ có quyết định khác với người có thu nhập bấp bênh.
Thiết nghĩ, cũng giống như nhiều cuộc tranh luận khác trên MXH, việc nên mua nhà hay đi ở thuê cho nhẹ đầu là câu hỏi khó có hồi kết, cũng chẳng thể tìm ra 1 đáp án chung thỏa lòng tất cả. Đơn giản là vì mỗi người một mức thu nhập, một mục tiêu, một cách tận hưởng cuộc sống khác nhau.
Thế nên vấn đề cần đặt ra chỉ là: Nếu quyết tâm mua nhà mà phải đi vay, cần làm gì để không "vỡ nợ"?
3 điều phải nhớ khi vay tiền mua nhà
Để phòng trường hợp mua nhà xong, áp lực trả nợ lại trở thành gánh nặng quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, bạn cần lưu tâm 3 vấn đề dưới đây.
1 - Phương án tính toán khoản vay mua nhà
Để khoản vay mua nhà không ảnh hưởng tới chi tiêu, sinh hoạt chung của bản thân hoặc gia đình, bạn có thể áp dụng quy tắc 28/36.
Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.

Ảnh minh họa
Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.
Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 40.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 40.000.000 x 28% = 11.200.000.
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 40.000.000 x 36% = 14.400.000.
2 - Ưu tiên vay tiền người thân trước khi vay ngân hàng
Nếu bắt buộc phải vay tiền mua nhà, hãy ưu tiên vay người thân trước khi vay ngân hàng, vì thông thường, vay người thân sẽ không mất lãi; hoặc nếu lãi, khoản lãi có thể cũng sẽ "nhẹ nhàng" hơn nhiều lãi vay ngân hàng.
Vậy nên, cố gắng vay tiền người thân, đồng thời lên kế hoạch tiết kiệm để trả nợ cho họ, rồi xem còn thiếu bao nhiêu, hãy vay ngân hàng.
3 - Không được phép loại trừ khả năng bị giảm thu nhập sau khi vay tiền mua nhà
Khi thu nhập ổn định, việc trả nợ hàng tháng có thể không phải áp lực quá lớn. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tiềm ẩn những bất trắc như mất việc, ốm đau, hoặc các vấn đề kinh tế khác có thể dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập. Nếu đã quyết định vay tiền mua nhà hoặc mua BĐS, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, đừng bao giờ bỏ qua khả năng bản thân có thể bị giảm thu nhập/mất thu nhập.
Việc trả nợ mua nhà là một cam kết tài chính dài hạn và thường chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập hàng tháng. Nếu không tính toán đến khả năng giảm thu nhập, bạn có thể phải thắt chặt chi tiêu quá mức khi tình huống xấu xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Việc có sự chuẩn bị trước giúp bạn có thể duy trì một mức sống chấp nhận được ngay cả khi thu nhập bị ảnh hưởng.