"Con bao nhiêu tuổi thì không nên ngủ cùng mẹ nữa?": Vấn đề tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng đến cả tương lai đứa trẻ

Khi nào nên cho con ngủ riêng? Và nếu không đúng thời điểm, điều gì sẽ xảy ra?

“Nhà cậu cho bé ngủ riêng chưa?” – một người bạn bất ngờ hỏi tôi khi hai đứa trẻ đang nô đùa trong công viên. “Ngủ riêng được hai năm rồi ấy chứ.” Cô ấy nhăn mặt: “Con gái mình nhỏ hơn một tuổi thôi mà vẫn chưa tách được. Mỗi đêm nó phải sờ vào tai mẹ mới ngủ nổi, thật sự mệt mỏi.” Cô kể rằng con bé cũng từng nói: “Trong lớp bạn nào cũng tự ngủ được rồi mà con không làm được.” Nhưng cứ tắt đèn là lại sợ, lại khóc. “Thật ra mình không ngại vất vả, chỉ sợ con quá phụ thuộc, sau này lớn lên khó tự lập.”

Những lo lắng ấy không phải vô cớ. Ít ai để ý rằng, việc trẻ mấy tuổi ngủ riêng thực ra phản ánh rất rõ quá trình phát triển tâm lý ban đầu. Có bé chỉ mới 2–3 tuổi đã nằng nặc đòi “con muốn ngủ giường riêng”, nhưng cũng không hiếm trường hợp trẻ tiểu học vẫn khăng khăng đòi chui vào chăn ba mẹ. Có những bé nửa đêm gặp ác mộng sẽ lật đật chạy sang phòng bố mẹ mà không thể tự trấn an.

Ngủ cùng mẹ – sự an ủi hay rào cản vô hình?

Một người bạn tên Minh kể rằng, cậu con trai của cô ngủ rất ngoan – miễn là mẹ nằm cạnh. Chỉ cần có mẹ bên, bé có thể ngủ thẳng một mạch đến sáng. Nhưng một lần cô phải đi công tác, bố thay mẹ nằm cạnh con. Đêm đó, bé gần như không ngủ, cứ trằn trọc mãi.

"Con bao nhiêu tuổi thì không nên ngủ cùng mẹ nữa?": Vấn đề tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng đến cả tương lai đứa trẻ- Ảnh 1.

Trong lý thuyết của Melanie Klein – nhà sáng lập trường phái phân tâm học trẻ em – có nói: Trẻ em ngay từ rất sớm đã hình thành nhận thức về mối quan hệ: ai phụ thuộc vào ai, ai nắm quyền chủ động, ai kiểm soát cảm xúc. Trẻ ngủ cùng mẹ quá lâu có thể vô thức hình thành kiểu gắn bó “trách nhiệm hóa”, nghĩ rằng “mẹ cần mình ở cạnh”. Sợi dây tình cảm này tuy êm ái nhưng lại vô hình gắn chặt hai tâm hồn – đôi khi là một dạng "hòa tan cảm xúc". Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên có xu hướng dễ lo âu, hay làm vừa lòng người khác và thiếu ranh giới nội tâm.

Ngược lại, những bé biết tự trấn an và ngủ một mình sẽ sớm hình thành khả năng điều tiết cảm xúc. Con trai lớn của tôi bắt đầu ngủ riêng từ năm 4 tuổi. Lần đầu đi trại hè lớp 3, con gọi điện nói: “Con hơi nhớ nhà nên con đếm nhịp thở một lúc rồi ngủ được luôn.” Chính khoảnh khắc tự điều chỉnh đó là minh chứng rõ ràng cho thứ mà nhà phân tâm học Donald Winnicott gọi là “không gian chuyển tiếp” – nơi đứa trẻ biết tự xây cho mình một mái nhà an toàn bên trong tâm trí.

Tách giường, tách phòng – không phải đẩy con ra xa, mà là nhường chỗ cho trưởng thành

Rất nhiều bố mẹ trì hoãn việc tách phòng vì chính họ còn chưa sẵn sàng. “Cho con ngủ riêng” nghe như một hành động… lạnh lùng. Nhưng theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, sau 3 tuổi, việc thiết lập không gian ngủ riêng sẽ giúp trẻ hình thành cảm giác kiểm soát bản thân, nhận thức rõ ranh giới cá nhân, cũng như góp phần điều chỉnh hệ thần kinh sinh lý theo hướng lành mạnh hơn.

"Con bao nhiêu tuổi thì không nên ngủ cùng mẹ nữa?": Vấn đề tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng đến cả tương lai đứa trẻ- Ảnh 2.

Tại sao là mốc 3 tuổi? Vì đây là thời kỳ trẻ bắt đầu gọi “con là…” để xưng hô – một dấu mốc cho thấy cái tôi đang nảy nở. Đồng thời, trẻ cũng hiểu rằng: mẹ có rời khỏi phòng thì vẫn còn tồn tại – điều này cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát nỗi sợ bị bỏ rơi.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý: không nên máy móc. Một bà mẹ từng cố tách con gái 2 tuổi rưỡi theo lời “chuyên gia”. Hệ quả: bé liên tục khóc đêm, ngủ không sâu. Sau này khám ra mới biết – đó là biểu hiện của chứng hoảng loạn đêm do lo âu chia ly. Vậy nên, chia giường chia phòng không thể chỉ dựa trên tuổi, mà còn phải lắng nghe trái tim của con.

Cho trẻ ngủ riêng sao cho đúng cách?

Khoa Tâm lý Đại học Bắc Kinh từng khảo sát 478 gia đình và phát hiện: Trẻ ngủ riêng trước 4 tuổi có chỉ số tốt hơn hẳn ở các khía cạnh như: nhận thức bản thân, ngôn ngữ, khả năng xử lý tình huống, giao tiếp với bạn bè. Ngược lại, trẻ 7 tuổi vẫn chưa ngủ riêng lại có xu hướng: dễ xúc động, lệ thuộc cảm xúc, hay dùng lời lẽ gắn bó tiêu cực.

Vậy làm thế nào để chia phòng một cách êm ái?

Phân ly theo giai đoạn: Bắt đầu từ tách giường nhưng vẫn trong cùng phòng. Sau đó, từ từ rút ngắn thời gian ở bên, cho đến khi con có thể ngủ độc lập.

Tạo nghi thức đi ngủ: Biến quá trình “ra ở riêng” thành một trò chơi “nâng cấp level”, mỗi lần vượt qua sợ hãi là được một phần thưởng nho nhỏ.

Chuẩn bị vật chuyển tiếp: Một chiếc gối, con thú nhồi bông, hay chiếc áo mẹ mặc hôm qua – tất cả đều là “vật neo cảm xúc” giúp trẻ cảm thấy an toàn.

"Con bao nhiêu tuổi thì không nên ngủ cùng mẹ nữa?": Vấn đề tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng đến cả tương lai đứa trẻ- Ảnh 3.

Với gia đình tôi, thời điểm con trai lớn bắt đầu ngủ riêng trùng với lúc tôi mang bầu bé thứ hai. Tôi thủ thỉ: “Sắp làm anh rồi, con phải học cách chăm sóc chính mình trước nhé.” Cậu bé chẳng những không phản kháng mà còn vui vẻ dọn giường, nói: “Con sẽ làm gương cho em.”

Có lẽ, đôi khi không cần giáo điều. Một lý do đủ thuyết phục và một cái ôm thật lâu sẽ giúp con đủ dũng cảm để… rời vòng tay mẹ.

Một nhà tâm lý từng nói: “Sự đồng hành tốt nhất là khiến đứa trẻ tin rằng – dù mẹ buông tay, con vẫn có đủ dũng khí để bước ra thế giới.” Ngủ riêng không phải là rời xa mà là cùng nhau bước sang một giai đoạn mới – nơi con bắt đầu học cách đứng vững một mình, và mẹ học cách tin vào đôi cánh của con.

Bạn có sẵn sàng cùng con đi qua bước chuyển đầy yêu thương này không?

Ái Vi