Khoảng 2 năm gần đây, khi giá BĐS tăng cao - đặc biệt là BĐS nhà ở tại các thành phố lớn, nhiều người bắt đầu dè chừng với dự định mua nhà, chuyển hướng sang hài lòng với việc đi ở thuê. Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người vẫn cố gắng với mục tiêu cầm trong tay sổ đỏ với suy nghĩ "mua nhà để ở rồi còn có tài sản để lại cho con".
Việc có nên mua nhà lúc này hay không, cứ thi thoảng lại trở thành chủ đề bàn tán rôm rả. Mới đây trong một cộng đồng tâm sự, chia sẻ của một cặp vợ chồng mới kết hôn, đang sinh sống ở Hà Nội cũng tạo ra 2 luồng tranh luận.
Thu nhập 50-60 triệu, có 1 tỷ tiết kiệm: Dân mạng chia phe!
"Thu nhập của vợ chồng mình dao động trong khoảng 50-60 triệu/tháng. Hiện tiền tiết kiệm của riêng mình thì có 1 tỷ, vợ mình cũng tiết kiệm được 1 tỷ. Nếu mua nhà thì coi như có sẵn 2 tỷ và vẫn phải vay ít nhất 2 tỷ nữa. Mình băn khoăn không biết nên cố mua nhà Hà Nội hay mua đất và đầu tư các khoản khác" - Anh viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, một nhóm ủng hộ cặp vợ chồng son này mua nhà vì "cứ chần chừ mãi thì chẳng biết đến bao giờ mới ổn định". Một nhóm lại cho rằng nên nghĩ lại vì vay tiền tỷ thời điểm này là lựa chọn khá rủi ro nếu không đảm bảo duy trì được mức thu nhập hiện tại.

Trung bình 2 luồng tranh luận của cộng đồng mạng (Ảnh chụp màn hình)
"Có 2 tỷ thì thời điểm này vay mua nhà 4 tỷ cũng không phải rủi ro quá, nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp giảm thu nhập, giảm khả năng trả nợ. Nên em thì em nghĩ là cứ đi thuê thôi cho sướng, đỡ nặng đầu, còn 2 tỷ thì chia ra dự phòng một ít, còn lại đầu tư cái khác. Còn đương nhiên mua nhà là có tài sản thì ai chẳng muốn, nhưng tầm này đầu tư cái gì mà không phải gánh nợ kèm theo là yên tâm nhất" - Một người chia sẻ quan điểm.
"Có nợ thì mới có động lực kiếm tiền, thu nhập cũng ổn mà cố gắng vay bố mẹ, bạn bè người thân một phần để đỡ lãi, còn lại vay ngân hàng. Nhà Hà Nội bây giờ thì chẳng lo mất giá đâu" - Một người khác chia sẻ.
Vay tiền mua nhà, tính toán thế nào để không quá áp lực nợ nần?
Nếu quyết định vay tiền mua nhà, bạn cần lưu tâm 3 vấn đề dưới đây, để phòng trường hợp mua nhà xong, áp lực trả nợ lại trở thành gánh nặng quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, dẫn đến kết cục bán nhà trả nợ.
1 - Phương án tính toán khoản vay mua nhà
Để khoản vay mua nhà không ảnh hưởng tới chi tiêu, sinh hoạt chung của bản thân hoặc gia đình, bạn có thể áp dụng quy tắc 28/36.
Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.

Ảnh minh họa
Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.
Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 40.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 40.000.000 x 28% = 11.200.000.
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 40.000.000 x 36% = 14.400.000.
2 - Ưu tiên vay tiền người thân trước khi vay ngân hàng
Nếu bắt buộc phải vay tiền mua nhà, hãy ưu tiên vay người thân trước khi vay ngân hàng, vì thông thường, vay người thân sẽ không mất lãi; hoặc nếu lãi, khoản lãi có thể cũng sẽ "nhẹ nhàng" hơn nhiều lãi vay ngân hàng.
Vậy nên, cố gắng vay tiền người thân, đồng thời lên kế hoạch tiết kiệm để trả nợ cho họ, rồi xem còn thiếu bao nhiêu, hãy vay ngân hàng.
3 - Không được phép loại trừ khả năng bị giảm thu nhập sau khi vay tiền mua nhà
Khi thu nhập ổn định, việc trả nợ hàng tháng có thể không phải áp lực quá lớn. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tiềm ẩn những bất trắc như mất việc, ốm đau, hoặc các vấn đề kinh tế khác có thể dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập. Nếu đã quyết định vay tiền mua nhà hoặc mua BĐS, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, đừng bao giờ bỏ qua khả năng bản thân có thể bị giảm thu nhập/mất thu nhập.
Việc trả nợ mua nhà là một cam kết tài chính dài hạn và thường chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập hàng tháng. Nếu không tính toán đến khả năng giảm thu nhập, bạn có thể phải thắt chặt chi tiêu quá mức khi tình huống xấu xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Việc có sự chuẩn bị trước giúp bạn có thể duy trì một mức sống chấp nhận được ngay cả khi thu nhập bị ảnh hưởng.