
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực Nhà hàng/Khách sạn. Trong khi đó, đà phát triển của công nghệ và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng về trải nghiệm liền mạch và cá nhân hoá trên đa kênh cũng đang tác động lớn đến nhân sự lĩnh vực Chăm sóc khách hàng. Theo khảo sát của JobsGO (nền tảng tuyển dụng và tìm việc hàng đầu Việt Nam), tỷ lệ người lao động muốn nhảy việc trong hai lĩnh vực này đều tăng đáng kể so với năm trước.
Biến động nhân sự ngành Nhà hàng/Khách sạn

Theo khảo sát mới nhất của JobsGO về xu hướng tìm việc năm 2025, có tới 57,1% ứng viên có ý định tìm kiếm việc làm mới trong lĩnh vực Nhà hàng/Khách sạn, cao hơn so với mức trung bình 48,4% trên toàn ngành nghề. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại cho các doanh nghiệp trong ngành, khi tình trạng nhảy việc có thể gây ra sự biến động lớn về nhân sự, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và chất lượng dịch vụ.
So với dữ liệu thống kê của JobsGO một năm trước, tỷ lệ ứng viên có ý định tìm việc mới trong ngành Nhà hàng/Khách sạn đã tăng từ 43,6% lên 57,1%. Mức tăng gần 13,5% chỉ trong vòng một năm cho thấy những vấn đề có phần tiêu cực tiềm ẩn trong ngành.
Đáng chú ý, có tới 42,8% ứng viên có dự định nhảy việc sang lĩnh vực khác. Điều này phản ánh ngành Nhà hàng/Khách sạn không chỉ đối mặt với nguy cơ mất nhân sự sang các đối thủ cạnh tranh, mà còn đang chứng kiến xu hướng "chảy máu chất xám" sang các ngành nghề khác. Một bộ phận không nhỏ người lao động trong ngành không còn coi Nhà hàng/Khách sạn là lựa chọn nghề nghiệp dài hạn.
Trong các yếu tố khiến người lao động thất vọng với ngành, lương thưởng và phúc lợi là yếu tố nổi cộm nhất. Chỉ có 17,9% người được khảo sát trong ngành Nhà hàng/Khách sạn hài lòng với lương thưởng và phúc lợi, thấp nhất trong 16 nhóm ngành được khảo sát. Yếu tố sốt ruột về thu nhập cũng thể hiện rõ khi có tới 75% nhóm lao động thuộc ngành này quan tâm tới lương thưởng và phúc lợi khi tìm việc mới, cao nhất trong tất cả các ngành. Ở chiều ngược lại, chỉ 21,4% người lao động quan tâm tới sự ổn định và dài hạn của công việc, thấp nhất trong các ngành. Hơn 20% người lao động sẵn sàng chuyển việc chỉ cần mức lương ở công việc mới cao hơn 10%. Các con số này cho thấy sự thiếu gắn bó của nhân sự trong ngành với doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong ngành Nhà hàng/Khách sạn vẫn đang gặp khó khăn trong việc cân đối giữa chi phí hoạt động và khả năng chi trả lương thưởng cạnh tranh. Nó còn tạo ra một vòng luẩn quẩn: Lương thấp - nhân viên nhảy việc - chất lượng dịch vụ giảm - doanh thu giảm - khó tăng lương.
Để giảm thiểu rủi ro do biến động nhân sự, các doanh nghiệp có thể cân nhắc đẩy mạnh tuyển dụng part time, đặc biệt cho các vị trí như phục vụ, lễ tân hoặc bếp phụ, giúp duy trì hoạt động ổn định trong giai đoạn thiếu hụt nhân sự.
Bài toán nhân sự Chăm sóc khách hàng: Hơn 50% người lao động muốn tìm việc mới
Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, Chăm sóc khách hàng (CSKH) đã và đang trở thành bộ phận yếu tố then chốt. Doanh nghiệp liên tục tuyển dụng chăm sóc khách hàng (thuộc top 3 bộ phận được doanh nghiệp ưu tiên "săn đón" trong năm 2025, chỉ sau bộ phận Kinh doanh và ngang với bộ phận Marketing). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giữ chân nhân viên chăm sóc khách hàng lại là một bài toán khó. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng chăm sóc khách hàng cao, tỷ lệ nhân viên trong ngành "nhảy việc" vẫn ở mức đáng báo động, cho thấy các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến việc xây dựng chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển phù hợp để giữ chân tài năng.
Tương tự như ngành Nhà hàng/Khách sạn, Chăm sóc khách hàng cũng ghi nhận tỷ lệ cao nhân lực (52,4%) có dự định tìm việc mới trong năm nay. Có tới 56% người lao động trong ngành có ý định chuyển ngành, cao thứ nhì trong các nhóm ngành được khảo sát. Xu hướng này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Chăm sóc khách hàng trong việc duy trì lực lượng lao động ổn định.
Khi được hỏi về những yếu tố quan trọng khi tìm kiếm công việc mới, bộ ba tiêu chí hàng đầu được ứng viên lĩnh vực Chăm sóc khách hàng quan tâm nhất là công ty có uy tín và môi trường làm việc tích cực (78,6%), lương thưởng và phúc lợi (71,4%) và cơ hội học tập và phát triển chuyên môn (58,3%).
Nhìn chung, sự dịch chuyển lao động khối ngành Dịch vụ đã đặt ra bài toán cho doanh nghiệp trong việc giữ chân nhân tài. Các đơn vị, tổ chức cần có phương án điều chỉnh chiến lược nhân sự để vừa tận dụng lợi thế của công nghệ, vừa đảm bảo nguồn lực chất lượng trong ngành.