Câu chuyện của một bạn du học sinh Anh quyết định trở về Việt Nam sau 6 tuần đang được nhiều người quan tâm trên Threads. Xen lẫn giữa những câu hỏi tại sao là nhiều lời chê trách, chỉ trích “có tí lạnh và stress mà không vượt qua được thì làm gì được”, “chơi là chịu, đã đi du học thì đi cho tới”....
Không phải mọi trải nghiệm du học đều giống nhau, cái lạnh và cảm nhận của mỗi người cũng sẽ khác nhau, những áp lực cuộc sống ở một vùng đất mới đôi khi vượt qua mức chịu đựng của một người nếu trước đó chưa có trải nghiệm mà chỉ đọc thông tin từ chia sẻ của người khác.

Khi tôi học tại Mỹ, giảng viên đứng lớp từng làm Tiến sĩ tại Đại học Brown - một trong những trường Ivy League hàng đầu nước Mỹ. Buổi học đầu tiên, cô kể về việc không hoàn thành chương trình Tiến sĩ ngành Nhân chủng học. Trong lời kể của cô không có sự càm ràm hay đổ lỗi cho hoàn cảnh hay một điều gì đó, cô chỉ nghĩ rằng ở thời điểm đấy mình không thể tiếp tục theo chương trình.
Việc một người quyết định ngừng việc học tập, đặc biệt ở những bậc cao như Tiến sĩ hay thậm chí cả Thạc sĩ là điều bình thường. Theo ước tính tại Mỹ, con số thống kê về tỷ lệ người không hoàn thành các chương trình Tiến sĩ dao động khoảng 30-50%. Tính chất của chương trình Tiến sĩ khắc nghiệt và vất vả hơn rất nhiều so với bậc Đại học hay Thạc sĩ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bỏ học Thạc sĩ là điều quá xa lạ. Tôi đã gặp không ít bạn bè từ bỏ chương trình học khi đã vào năm 3, thậm chí năm 4 của chương trình học chỉ vì những áp lực tâm lý đè nén khi ở một nơi xa xôi.
Không phải người cổ xúy cho việc ngừng học vì tôi hiểu để chạm chân tới nước ngoài du học, dù bằng bất cứ hình thức học bổng hay tự túc nào, cũng là một hành trình quá đỗi vất vả với nhiều người. Song, trong nhiều trường hợp, đó là lựa chọn khả dĩ nhất một người có thể đưa ra khi đã cân đong đo đếm mọi thứ. Nếu đọc chia sẻ của bạn nam trong câu chuyện quyết định trở về Việt Nam sau một thời gian du học, bạn sẽ thấy những tính toán và cân nhắc của nhân vật không phải vô lý.
Có hai điều quan trọng trong câu chuyện du học và trải nghiệm du học mọi người cần biết.
Thứ nhất, du học không phải một trải nghiệm giống nhau và nhất quán, kể cả bạn có tới chung một quốc gia, học chung một trường và thậm chí sống chung một nhà. Trải nghiệm du học của một người là hợp thành của nhiều yếu tố, bao gồm cả môi trường chung (trường học, đất nước, thời tiết…) và môi trường riêng (những mối quan hệ cá nhân, những không gian con người và văn hoá mỗi cá nhân chọn tiếp xúc…), chưa nói tới những vấn đề liên quan tới đặc điểm cá nhân của du học sinh như thể trạng sức khoẻ, khả năng thích ứng, tình trạng tâm lý. Tôi có những người bạn tưởng chừng như rất ổn định về mặt tinh thần nhưng khi đặt chân đi du học, có những vấn đề từ rất lâu trong quá khứ bỗng dưng quay lại khiến bạn khó có thể đáp ứng được với cuộc sống mới.
Mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tới các quốc gia khác nhau trên thế giới du học và chắc chắn, không có một trải nghiệm nào giống nhau hoàn toàn. Cách mỗi người phản ứng khác nhau trong các hoàn cảnh nhau chính là thực tế cuộc sống. Bạn có thể không nghe thấy nhiều câu chuyện du học sinh bỏ về nước vì du học là một nỗ lực quá lớn nhiều người đã phải đánh đổi; song, không phải lúc nào việc cố ở lại cũng tốt khi ngưỡng chịu đựng đã vượt quá thách thức, đặc biệt với những bạn trẻ lần đầu tiên xa nhà.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng ¼ người Mỹ thường xuyên cảm thấy trầm cảm trong mùa đông. Với những sinh viên xa nhà, chưa bao giờ sống ở những vùng lạnh, thiếu bạn bè và những công cụ hỗ trợ trong mùa đông, đây không phải một lý do quá đỗi lạ lẫm khiến nhiều người muốn từ bỏ. Kiến thức về du học, dù không bao giờ thiếu trên mạng, dường như vẫn không bao giờ đủ với các bạn sinh viên.
Đơn cử, nếu đi du học lần đầu tới các nước có mùa đông khắc nghiệt, tôi thường khuyên bạn bè rằng hãy cố gắng tới vào cuối hè và bắt đầu kỳ mùa thu (nếu có thể). Bạn sẽ có vài tháng để làm quen với quốc gia mới, trải qua một mùa thu dễ chịu và học dần cách thích ứng khi mùa đông tới. Các trường đại học nước ngoài cũng thường cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí nên hãy tìm cho mình một danh sách hỗ trợ ngay ngày đầu tiên đặt chân tới trường. Dù ở tuổi 18 hay tuổi 30, việc chuẩn bị cho cuộc sống ở một quốc gia mới cũng là điều cần thiết.
Thứ hai, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải nhìn lại về giá trị của du học trên nhiều khía cạnh - có phải một lựa chọn đánh đổi để xứng đáng mọi thứ không? Trên mạng xã hội thỉnh thoảng xuất hiện những bài viết cho rằng nhiều trải nghiệm du học thực sự phí tiền khi chất lượng không tương xứng hay du học sinh trở về Việt Nam chưa chắc đã bằng các bạn làm trong nước vài năm.

Hiểu rằng đây là cách nhiều người khái quát vấn đề từ một vài trải nghiệm họ nghe thấy hay tiếp xúc chứ không mang tính đại diện cho toàn thể du học sinh, quan điểm trên vẫn có thứ để cho mọi người suy ngẫm vì rõ ràng có những người trải qua tình trạng như vậy - đồng nghĩa với việc du học sẽ không phải là giải pháp “one-size-fit-all” cho tất cả các bạn trẻ muốn trau dồi kiến thức hay đổi mới bằng cấp cho nhiều cơ hội công việc hơn.
Trong lời bộc bạch của nam sinh chọn trở về Việt Nam sau vài tuần ở Anh, những trăn trở về công việc xuất hiện với vô vàn câu hỏi: Đánh đổi có xứng đáng hay không? Đi du học được gì ở tuổi ngoài 30? Công việc sẽ lại bắt đầu từ đầu khi học xong? Đây đều là những câu hỏi chính đáng và thực tế.
Nếu quyết định đi du học trước khi những câu hỏi trên được trả lời, đôi lúc chúng sẽ quay lại trong tâm trí bạn. Ngay cả khi có một học bổng toàn phần, đôi khi tôi vẫn tự hỏi đi du học ở tuổi 30 trong khi bạn bè đã vượt nhanh mình 2 năm công việc liệu có phải một quyết định đúng đắn?

Giá trị du học rất nhiều và chắc chắn tôi không nghĩ cần phải nhắc lại. Nhưng điều quan trọng mỗi bạn trẻ đang mơ mộng hay lên kế hoạch du học cần phải nhớ rằng, đây không phải là một lựa chọn bắt buộc phải trải nghiệm trong cuộc đời hay đánh đổi tất cả để “thử” - với nhiều người du học chỉ đơn giản là bỏ một khoản tiền ra thay vì học trong nước nhưng với người khác là cả một gia tài hay con đường công việc đang thuận lợi.
Truyền thông lãng mạn hoá việc du học với nhiều câu chuyện thành công, nghị lực, đôi khi khiến người trẻ nghĩ rằng trải nghiệm du học nào cũng “màu hồng” hay cứ bước ra khỏi vùng an toàn rồi thành công sẽ tới. Không phải ngẫu nhiên vùng an toàn tồn tại. Một trải nghiệm “nới rộng” vùng an toàn đôi khi sẽ tốt hơn là bước ra khỏi vùng an toàn, kể cả với việc du học.

Trong cuộc đời, đôi khi chúng ta sẽ phải chấp nhận dừng lại. Sẽ luôn có người nói việc bạn rời bỏ công việc vì bị sếp mắng mỏ là một sự yếu đuối, nói rằng việc bạn ly hôn chỉ vì vài xích mích trong chuyện tình cảm là thiếu lý trí, và nói rằng việc bạn không chịu được vài áp lực “cỏn con” của việc du học và trở về nước là sự thiếu khôn ngoan.
Không phải lúc nào rời đi hay buông bỏ một điều gì đó cũng là sự yếu đuối. Phải dũng cảm lắm mới có thể chấp nhận việc mình không phù hợp với một điều gì đó vốn đã từng rất tâm huyết và đầu tư nhiều thời gian công sức. Nhận ra mình không phù hợp sớm và từ bỏ còn hơn dùng dằng trong những cảm xúc tiêu cực.
