Mới đây, một thông tin về điểm thi tốt nghiệp THPT thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng phụ huynh. Theo đó: Rất nhiều thí sinh đạt điểm xuất sắc môn tiếng Anh, thậm chí 9 hoặc 10 điểm, nhưng lại dưới trung bình ở môn Toán và Ngữ văn, hai môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp.
Cụ thể, trong kỳ thi năm 2025, cả nước có 141 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn tiếng Anh. Tính từ mốc 9 điểm trở lên, số lượng thí sinh vượt 4.700 em, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, trong số hơn 4.700 thí sinh có điểm tiếng Anh từ 9 trở lên, có đến 300-400 em bị dưới trung bình ít nhất một trong hai môn Toán hoặc Văn. Đáng nói, có khoảng 10 thí sinh tại TP.HCM đạt điểm cao tiếng Anh nhưng lại chỉ đạt 2-3 điểm cho cả Toán và Văn, mức điểm có thể xem là "vỡ trận" trong kỳ thi mang tính quyết định cho con đường học tập sau phổ thông.

Một "lỗ hổng kỹ năng"?
Thông tin này lập tức làm dấy lên những tranh luận sôi nổi. Trên diễn đàn phụ huynh, một thành viên đặt câu hỏi: "Liệu đây có phải là hệ quả của xu hướng học lệch? Các em nói tiếng Anh tốt, nhưng thiếu nền tảng logic (Toán) và tư duy phản biện (Văn) - đây có thể là một lỗ hổng kỹ năng đáng lo ngại".
Người này ví von: "Một chiếc xe thể thao sang trọng (giỏi tiếng Anh) mà không có động cơ tốt (Toán - Văn yếu) thì cũng chỉ để trưng bày trong showroom".
Một số ý kiến khác đồng tình, cho rằng nếu học sinh có thể làm bài tiếng Anh ở mức điểm 9 - 10, điều đó phần nào cho thấy quá trình ôn luyện nghiêm túc, nắm chắc cấu trúc ngôn ngữ. Thế nhưng việc thiếu hụt khả năng tư duy phân tích, một kỹ năng thể hiện rõ qua môn Văn và tư duy logic thể hiện trong môn Toán sẽ khiến các em gặp khó khăn khi bước vào bậc học cao hơn, nơi đòi hỏi tư duy độc lập và khả năng xử lý thông tin phức tạp, kể cả trong môi trường học bằng tiếng Anh.
"Giỏi ngoại ngữ không đồng nghĩa với có tư duy phản biện tốt. Một người có thể học ngữ pháp, từ vựng rất chăm chỉ, luyện đề thật kỹ nhưng lại không quen với việc viết phân tích hay giải toán phức tạp. Đó là hai năng lực hoàn toàn khác nhau", một giáo viên luyện thi tiếng Anh nhận định.
Cần nhìn đa chiều
Tuy nhiên, không ít phụ huynh và chuyên gia giáo dục cho rằng, không nên quá vội vàng đưa ra kết luận chỉ dựa trên bảng điểm. Một phụ huynh bình luận: "Chưa biết các em thi tốt nghiệp với mục đích gì – xét đại học, đi du học, hay đơn giản là cần chứng nhận hoàn tất phổ thông. Có thể các em tập trung toàn lực cho môn tiếng Anh, còn hai môn kia chỉ làm ở mức tối thiểu".
Một số người nhấn mạnh, không nên nhìn vào điểm Toán và Văn thấp rồi quy kết rằng các em "thiếu tư duy".
Câu chuyện học lệch không phải mới trong hệ thống giáo dục hiện nay. Nhiều học sinh xác định từ đầu rằng sẽ xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực hoặc bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL…, nên không đầu tư mạnh cho các môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp. Điều này khiến kết quả thi các môn như Toán và Văn trở nên "trôi nổi", không phản ánh thực lực toàn diện.
Từ khi có phương án xét tuyển đa dạng, học sinh bắt đầu tối ưu hóa lộ trình học theo chiến lược cá nhân, dẫn đến kết quả học lệch là điều dễ hiểu.
Thay vì lo lắng hay tranh cãi, theo nhiều chuyên gia, phụ huynh và nhà trường nên quan sát kỹ năng tổng thể và định hướng phát triển lâu dài của học sinh. Việc của người lớn là hỗ trợ các em hiểu mình mạnh ở đâu, cần bổ sung gì để không bị hụt hơi khi học tiếp.
Bảng điểm chỉ là một lát cắt nhỏ trong hành trình phát triển của mỗi học sinh. Thay vì tranh luận xem điểm cao tiếng Anh có "xứng đáng" hay không, điều quan trọng hơn là nhìn vào bức tranh toàn cảnh: Học sinh đó đang hướng đến con đường nào, và năng lực thực tế của em được xây dựng ra sao từ những lựa chọn có chủ đích trong suốt quá trình học.