Chắc hẳn bạn đã từng gặp phải tình huống mở bao gạo ra liền phát hiện bên trong đầy những con mọt đen đúa, bò lúc nhúc dù mới hôm trước còn sạch sẽ. Nhiều người thấy vậy liền nghĩ ngay đến việc đem gạo ra phơi nắng với hy vọng sẽ tiêu diệt hết mấy con mọt. Tuy nhiên, cách này không hề hiệu quả, đôi khi còn khiến mọt sinh sôi nhanh hơn.
Vậy đâu mới là cách xử lý đúng?

Mọt gạo từ đâu mà ra?
Mọt gạo, hay còn gọi là mối hoặc bọ gạo là loại côn trùng rất thích ăn gạo và các loại ngũ cốc. Mặc dù chúng chỉ dài từ 2-4mm nhưng tốc độ sinh sản cực kỳ nhanh. Với điều kiện nhiệt độ khoảng 30°C và độ ẩm cao, chỉ sau 26 ngày, từ một quả trứng nhỏ, mọt gạo có thể phát triển thành một đàn mọt bò loạn xạ. Mỗi con mọt cái có thể đẻ từ 3 đến 6 quả trứng mỗi ngày và sau một tháng thì bạn sẽ thấy cả đống mọt trong thùng gạo.
Vậy làm sao mà mấy con mọt này vào được trong bao gạo? Thực tế, phần lớn những con mọt này không phải là do bay vào từ bên ngoài mà là chúng đã "đặt trứng" trong gạo từ trước. Những con mọt cái thường đẻ trứng vào trong hạt gạo ngay từ khi gạo còn trong quá trình thu hoạch, chế biến và bảo quản. Sau khi thu hoạch, con mọt cái sẽ khoan một lỗ vào hạt gạo để đẻ trứng. Khi điều kiện nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, trứng sẽ nở thành ấu trùng và phát triển thành mọt.

Do đó, dù bạn có bảo quản gạo cẩn thận, nếu môi trường thích hợp, mọt vẫn sẽ "lẩn trốn" trong gạo. Cũng đừng lo, ăn phải gạo có mọt không gây bệnh hay tác hại gì cho sức khỏe, chỉ là quá trình vo gạo hơi bất tiện và "thấy ghê". Tuy nhiên, nếu gạo đã bị ăn mòn, mốc, hoặc có mùi lạ, thì bạn cần loại bỏ ngay.
4 mẹo đuổi mọt gạo hiệu quả
Nhắc đến cách xử lý mọt gạo, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến việc phơi nắng nhưng thực tế phương pháp này không mang lại hiệu quả. Mặc dù mọt gạo rất sợ ánh sáng nhưng khi bạn đem gạo phơi ngoài nắng, chúng sẽ chui sâu vào bên trong hạt gạo để tránh ánh sáng, làm cho việc diệt mọt trở nên khó khăn hơn.
Vậy làm sao để diệt mọt gạo hiệu quả? Dưới đây là 4 mẹo giúp bạn làm sạch gạo một cách dễ dàng.
1. Phương pháp đông lạnh để tiêu diệt mọt
Khi gạo bị mọt, bạn có thể đặt bao gạo vào ngăn đá của tủ lạnh và để đông trong khoảng 24-48 giờ. Nhiệt độ lạnh sẽ tiêu diệt tất cả mọt, từ con trưởng thành đến trứng mọt. Sau khi đông lạnh, các con mọt sẽ chết và biến thành xác đen, lúc này bạn chỉ cần vo gạo nhẹ là có thể loại bỏ chúng.

2. Dùng hạt tiêu để xua đuổi mọt
Hạt tiêu không chỉ có tác dụng làm gia vị mà còn có khả năng xua đuổi mọt gạo rất hiệu quả. Bạn chỉ cần cho 1 nắm hạt tiêu vào túi vải và bỏ vào bao gạo, mùi hạt tiêu sẽ làm mọt gạo tránh xa vì các thành phần dễ bay hơi trong tiêu có tác dụng đẩy lùi mọt. Phương pháp này cực kỳ hiệu quả ngay cả với gạo đã bị mọt.

3. Dùng vỏ cam và rong biển để phòng ngừa mọt
Nếu bạn ăn cam, đừng vội vứt đi vỏ cam. Thay vào đó hãy phơi khô vỏ cam và bỏ vào trong bao gạo. Lý do là vì vỏ cam chứa một chất gọi là limonene giúp ngăn chặn sự phát triển của trứng mọt. Ngoài ra, rong biển cũng có tác dụng hấp thụ độ ẩm, giúp gạo luôn khô ráo và tránh được sự sinh sôi của mọt.

4. Phơi gạo ở nơi thoáng mát
Phơi gạo dưới ánh nắng không giúp tiêu diệt mọt, nhưng nếu bạn phơi gạo ở nơi thoáng mát và khô ráo, mọt sẽ tự bò ra khỏi gạo. Sau đó, bạn chỉ cần dùng rây để lọc bỏ chúng. Phương pháp này tuy lâu hiệu quả nhưng ít ảnh hưởng đến hạt gạo, giúp giữ nguyên chất lượng và hương vị.

Cách phòng tránh mọt gạo
Để không gặp phải tình trạng gạo bị mọt, quan trọng nhất là phòng ngừa từ đầu. Khi mua gạo, bạn đừng nên tích trữ quá nhiều, đặc biệt nếu gia đình bạn ít người. Cố gắng chỉ mua gạo đủ dùng trong một tháng, sau khi ăn hết mới mua tiếp để luôn có gạo tươi và giảm nguy cơ mọt.
Khi bảo quản gạo, bạn nên dùng những hộp đựng kín như thùng nhựa, lọ thủy tinh... Sau khi lấy gạo ra, nhớ đậy nắp chặt để tránh ẩm ướt xâm nhập. Độ ẩm là điều kiện lý tưởng cho mọt sinh sôi, vì vậy giữ gạo luôn khô ráo là rất quan trọng. Vào mùa hè, tránh để gạo trong bếp hoặc những nơi ẩm ướt, tốt nhất nên cất ở nơi thoáng mát và khô ráo.

Bạn cũng có thể đặt một vài gói hút ẩm vào bao gạo để hút ẩm và giữ gạo luôn khô ráo. Đừng quên vệ sinh thùng đựng gạo định kỳ, vì dù bạn đã ăn hết gạo, vẫn có thể còn lại những vụn gạo nhỏ hoặc trứng mọt ở đáy thùng.
Ngoài ra, nếu điều kiện cho phép, bạn cũng có thể cân nhắc việc bảo quản gạo trong tủ lạnh. Đặc biệt vào mùa nhiệt độ và độ ẩm cao, ngăn lạnh của tủ lạnh có thể làm giảm đáng kể tốc độ sinh sản của mọt gạo.

Nguồn: Aboluowang