Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”

"Một đứa trẻ được sự quan tâm của ba mẹ sẽ là một đứa trẻ tự tin. Một đứa trẻ tự tin sẽ lớn lên thành công", bố Nam Long nói.

Nếu bạn nghĩ “CGO ở tuổi 13” là một trò đùa trên mạng thì xin chúc mừng - bạn vừa gặp Nam Long: học sinh lớp 7 trường Trần Đại Nghĩa, IELTS 8.0, từng dạy lập trình cho người lớn ở Úc và hiện là Chief Growth Officer của công ty do... ba làm chủ tịch. Lý do nhận việc? “Vì hè này chơi game chán rồi!”

Nam Long không phải kiểu “con nhà người ta” khiến bạn ghen tị. Em nói chuyện hài hước, duyên dáng, và tỉnh rụi khi bảo: “Em không giỏi toán đâu. Em chỉ… lười làm bài tập thôi.” Còn khi được hỏi điều gì khiến em không bỏ cuộc, em trả lời tỉnh bơ: “Vì deadline là em tự đặt, nên chán thì rời.” Một cậu bé nhỏ xíu nhưng có triết lý sống... chill hơn cả người lớn.

Đằng sau Nam Long là ba mẹ siêu cấp đáng yêu - một ông bố “chill dad” luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản: “Con nổi tiếng thì hay, mà mai mốt không nổi nữa thì cũng… kệ.” Và một bà mẹ đã từng căng thẳng vì điểm số của con, cho đến khi nhận ra: hạnh phúc mới là mục tiêu thật sự.

Gia đình Nam Long không ép con thành thiên tài. Họ chỉ cùng con đi chơi, đi học, đi làm - và quan trọng nhất, đi cùng nhau qua từng giai đoạn. Một đứa trẻ có thể không ngoan theo khuôn mẫu, nhưng sẽ lớn lên đủ vững vàng nếu được yêu thương theo cách tử tế và hài hước như thế.


Nguyễn Nam Long

Chief Growth Officer (CGO - Giám đốc Phát triển)

Sinh năm: 2012

Học sinh trường THCS - THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).

Học lập trình từ lớp 1, có thể tự hoàn thành dự án game cho mình. Trong thời gian học tiểu học, Nam Long đã dạy về lập trình cho các bạn ở Úc, Pháp và Canada. Có khoảng 6 năm kinh nghiệm các ngôn ngữ lập trình như Scratch, Python, C# Unity.

Tháng 3/2025, lần đầu thi IELTS với số điểm: 8.0 overall, trong đó Speaking và Listening đạt điểm tuyệt đối 9.0.

Từng lọt vào vòng Tứ kết cuộc thi viết phim ngắn toàn cầu Filmantic mùa 9, đồng thời nằm trong top 35% trên nền tảng Coverfly - nền tảng dành cho các nhà biên kịch chuyên nghiệp.

Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”

Nam Long có thể tự giới thiệu một chút về bản thân mình được không? Ngắn gọn bằng 3 từ thôi nhỉ!

CGO. Ielts 8.0. 13 tuổi. Em hiện tại đang là học sinh trường Trần Đại Nghĩa, em mới học xong lớp 7 và đang nghỉ hè.

Trong một nhóm bạn thì Nam Long sẽ là người có tính cách như thế nào?

Nếu mà bạn thân thì em sẽ hài hước. Nhưng nói chung thì em là một người thân thiện. Ở lớp em có khá nhiều bạn và thân nhất với 2 đứa bạn. Cả hai bạn đều nói tiếng Anh rất nhiều.

Em nghĩ rằng mọi người sẽ ấn tượng nhất ở mình về điều gì trong lần đầu tiên gặp gỡ?

Chắc là vì em có một cái công việc thật sự ở độ tuổi còn nhỏ. Hoặc chắc vì em rất giỏi tiếng Anh.

Em đã nhận công việc đấy được lâu chưa? Và trải nghiệm giữa việc đi làm và đi học đối với em diễn ra như thế nào?

Mới khoảng đầu hè thôi ạ. Nhưng mà đi học hay đi làm thì em vẫn duy trì những thói quen hàng ngày. Ngày nào em cũng ngủ sớm, dậy sớm, làm mọi việc như cũ. Nhưng mọi thứ cũng có thoải mái hơn và em thấy mình đang được làm một thứ có giá trị hơn cho em và những người còn lại. Em được cống hiến chút gì đó với xã hội hơn là việc chỉ học.

Vậy một ngày của em diễn ra như thế nào - trong vai trò của một CGO?

Trong ngày em thường làm 3 thứ: Đầu tiên là công việc bình thường của một CGO - định hướng công ty. Sau đó em làm việc cùng các phòng ban trên công ty như Marketing, Sale,... để nắm được công việc họ đang làm, cũng như tìm hiểu thêm về thị trường. Với những ngày đặc biệt như hôm nay thì em sẽ đọc sách, lên chiến lược và định hướng cho một sản phẩm mới của công ty. Nói chung là mỗi ngày sẽ có những công việc khác nhau, và cuối ngày em thường dành khoảng nửa tiếng để viết.

Việc học và việc đi làm - việc nào thú vị hơn với Nam Long?

Đi làm thú vị hơn rất nhiều! Thật ra, ở trường em không học giỏi lắm.

Không… giỏi… lắm…

À không. Em học giỏi nha. Nhưng chỉ là giỏi hơn một học sinh trung bình chút thôi, nhưng mà cũng… không có gì đặc biệt đâu ạ.

Thôi được rồi. Vậy em có biết mình đã bùng nổ như thế nào trên MXH trong suốt những ngày vừa qua không?

Trong khoảng 30 phút bài post đầu tiên được đăng lên Facebook, một đứa bạn đã nhắn tin cho em: “Nữa hả?”.

Rồi em cảm thấy sao?

Đầu tiên phải nói là em tương đối quen thuộc với việc này rồi. Trước đây, em đã có rất nhiều lần lên báo hoặc nhận được sự viral như thế rồi ạ. Lần nào em cũng vui và tự hào hết, dù bây giờ thì không còn sự đặc biệt và mới mẻ nữa nhưng nó vẫn làm em rất tự hào về chính bản thân mình.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 1.

Ngoài việc tự hào khi thấy tên mình trên các phương tiện truyền thông, em có từng tự hào về điều gì mà mình đã tự làm được và tự khiến mình ngỡ ngàng?

Chắc là lúc em được IELTS 8.0 ạ, đó là một con số rõ ràng. Em khá chắc là vẫn còn một cái video em mở bảng điểm ra ở đâu đó trên Internet đấy ạ. Đó là lần đầu tiên em thấy điểm của mình, cảm giác đó rất rõ ràng. Cực kỳ bất ngờ và tự hào ạ.

Còn điều gì khó hơn mà em từng đạt được không?

Chắc IELTS chính là cảm giác lớn nhất mà em từng trải qua với cái suy nghĩ “Trời ơi, mình vừa làm được sao?”. Những dự án khác của em thường mất vài tháng rồi từ từ lớn dần lên, chứ không phải một cảm xúc bùng phát ngay lập tức khi em mở màn hình và nhìn thấy con số đó trước mặt.

Vậy còn việc chinh phục bộ môn lập trình thì sao nhỉ?

Lập trình không phải một khả năng khó đâu ạ. Nó chỉ là một cái việc mà người lớn làm nhiều, thế nên khi một đứa trẻ làm thì mọi người thấy mới lạ và nghĩ như vậy là khó hơn. Nếu chị dành nhiều thời gian cho nó là cũng giỏi thôi à.

Nhưng chị nghĩ để làm được điều đó thì hẳn phải học rất giỏi toán.

Em dở toán dữ luôn á.

Ba Nam Long: Anh giải thích ở đây một chút. Nam Long từ nhỏ đã là một bạn giỏi toán, bạn đi thi các cuộc thi đều có giải. Nhưng từ lớp 6, lớp 7 thì bạn cảm thấy rằng mình không giỏi lắm so với những bạn cùng lớp. Lý do cũng dễ hiểu thôi: Toán là một môn phải có sự luyện tập. Nam Long thì không bao giờ chịu làm bài tập và học bài, cô giáo gọi lên bảng thì tự nhớ những gì cô dạy hôm trước rồi mới giải. Làm không quen tay thì “chỉ” có 8,9 điểm. Cỡ vậy mà nó tự tính là nó rất dở.

Mẹ Nam Long: Tại vì ở trường Trần Đại Nghĩa hầu hết các bạn đều rất giỏi toán. Không phải giỏi ở mức bình thường mà là rất giỏi.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 2.

Bình thường Nam Long có phải một người quan tâm đến điểm số không?

Dạ không.

Vậy khi gặp một bài toán hoặc một vấn đề siêu khó trong công việc, điều gì sẽ khiến Nam Long không bỏ cuộc?

Những thứ mà em làm thường có một điểm rất đặc biệt, đó là em phải tự sáng tạo ra dự án đó từ chính lựa chọn của mình. Nghĩa là áp lực không phải vấn đề về thời gian, mọi dự án của em đều do em tự đặt ra deadline và đều có thể tự thay đổi. Ví dụ như một dự án về game em đang làm hơn một năm rồi và nó vẫn đang tiến triển - vậy nên em không bị nhiều áp lực về thời gian. Việc đó giúp em dù gặp vấn đề gì mà chưa biết làm thì cũng thoải mái giải quyết nó dần dần. Và bằng cách nào đó, sự thoải mái ấy giúp em làm việc hiệu quả và giải quyết những vấn đề lớn đó nhanh chóng hơn.

Điều gì khiến em quyết định nhận lời offer này từ công ty?

Từ lớp 3 hoặc lớp 4, em đều cố gắng bắt đầu một dự án của riêng mình trong mùa hè, từ lập trình có A.I cho đến một dự án game của riêng em. Nói chung mùa hè nào em chơi game, mà chơi game nhiều thì… chán. Chơi đến 3-4 tiếng là mỏi tay rồi nên em rất cố gắng để tìm một cái gì đó hay ho và dành thời gian của mình vào nó. Rất may là em đã có một cơ hội khi nhận được lời mời của chủ tịch công ty. *chỉ tay vào bố. Và đó là cơ hội lớn trong năm nay của em.

Chủ tịch có mất nhiều thời gian để thuyết phục em vào vị trí này không?

Dạ không. Em đã học xong rồi và cũng chơi game chán rồi.

Em có thấy lo lắng khi nhận việc không? Đi làm ở một công ty lớn với rất nhiều người lớn khác là đồng nghiệp mà…

Dạ, em coi việc mọi người thấy bất ngờ với sự có mặt của em trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp là một thử thách với chính mình. Vì còn nhỏ tuổi nên em càng phải cố gắng hơn để vượt qua rào cản của kinh nghiệm và tuổi tác. Em nghĩ đó là một động lực lành mạnh.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 3.

Chị có đọc được là em còn dạy lập trình cho những người lớn ở nước ngoài từ khi còn học tiểu học cơ…

Em nghĩ việc dạy cho các bạn ở Úc, Canada hay Anh… đều không phải điểm đặc biệt lắm. Em vốn quen thuộc với tiếng Anh nên cũng thoải mái với việc dạy học cho các bạn nước ngoài, cũng nhiều bạn ở tuổi em đã từng dạy văn hay dạy tiếng Anh rồi mà. Nhưng môn lập trình thì có vẻ đặc biệt hơn, em cũng có cảm giác tự hào khi được truyền cảm hứng và giới thiệu cho mọi người một môn học mà em rất tin tưởng vào nó. Một môn học mà người cho là chỉ người lớn mà trẻ con không làm được.

Vậy em có định tiếp tục công việc này khi quay lại trường học không?

Dạ không. Hy vọng là em làm đủ KPI của mình và sẽ nghỉ vào sau hè. Thường vào năm học, em sẽ bỏ qua các dự án trong hè hoặc cố gắng kết thúc nó sớm để tập trung vào việc học.

Điều mà em vui nhất trong một ngày bình thường là…

Ngày của em cũng không đặc biệt đến mức đó ạ, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại. Nhưng cứ 2-3 ngày hoặc 1 tuần 1 lần, em sẽ đi chung với ba tới một sự kiện mới hoặc gặp gỡ một ai đó mới. Người mới đó thường rất thú vị và hay ho, họ sẽ cho em một bài học hoặc một lời khuyên gì đó. Thế nên em thường hồi hộp chờ gặp một người mới mà em chưa biết, nhưng nghe rất quan trọng. Đó cũng là một cách để em chuẩn bị cho tương lai, tạo dựng những kết nối trong ngành.

Mỗi người em gặp sẽ mang đến cho em một bài học riêng nhỉ?

Ví dụ như hôm nay, em được gặp một chú tên là Sơn - là CEO cho công ty BioTech - công ty rất lớn và hay luôn, chuyên về sinh học ghép nối với A.I và ra một giải pháp gì đso rất ngầu trong việc… giải cứu loài người, hoặc gì đó nghe xa lắm ạ. Tại em cũng chưa có đủ kiến thức để hiểu. Nhưng vậy đó, mỗi người em gặp đều giúp em học được một mảnh kiến thức mới, hoặc nguyên một lĩnh vực, một phương trời tri thức. Từ sale, marketing cho đến cả sinh học hay bất cứ điều gì. Em vui vì những điều như vậy.

Em có ước mơ gì cho tương lai không?

Em có một triết lý từ lâu lắm rồi: Em không đặt ra những dự định, không có một hình ảnh cụ thể hay một mục tiêu cho em lâu hơn 2 năm. Em hoàn toàn không biết mình sẽ trông thế nào và em vui vì điều đó. Việc đặt ra mục tiêu, với em, sẽ tự giới hạn chính mình vào cái tương lai đó và khả năng cao là em sẽ không bao giờ khám phá được những bất ngờ dọc đường.

Câu hỏi cuối cùng nha: Nếu được chọn một siêu năng lực, em sẽ chọn siêu năng lực gì? Vì sao?

Em không tin vào siêu năng lực nha. Nhưng nói cái này hay nè: Em muốn có khả năng nói và biết tất cả mọi ngôn ngữ của con người trên Trái Đất. Em biết mình giỏi tiếng Anh rồi, và từ việc giỏi tiếng Anh thì em có cơ hội tìm hiểu những kiến thức mới trên mạng mà nếu em chỉ biết tiếng Việt thì sẽ không bao giờ tìm được, hay gặp được những con người mới giúp em mở mang kiến thức. Không biết rằng nếu em biết tiếng Trung và tiếng Ấn Độ thì còn có thể học được cái gì nữa. Em rất tò mò!

Cảm ơn Nam Long về cuộc trò chuyện và chúc em sẽ có thật nhiều thành công với vị trí của mình!

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 4.

Bố mẹ Nam Long: “Chắc chắn Nam Long không phải thiên tài hay thần đồng gì hết, không thiên tài nào… chơi nhiều như nó!”


Anh chị nhận ra những tố chất về sự thông minh của Nam Long từ khi nào?

Mẹ Nam Long: Thật ra, tôi thấy ba mẹ nào cũng sẽ có sự quan sát con mình rất kỹ. Khi thấy con mình có một biểu hiện gì đó, tí xíu lanh lợi hơn các bạn khác thôi - là mình đã thấy con mình thông minh rồi. Từ ngày xưa, tôi quan sát thấy Nam Long nói chuyện được từ rất sớm, từ 14-16 tháng là bắt đầu nói khá nhiều rồi. Đến 2 tuổi thì hát được hầu hết các bài hát thiếu nhi và nói chuyện lưu loát. Chưa đến 3 tuổi, tôi dạy toán cho Nam Long thì thấy bạn làm toán rất tốt, từ cộng 2 chữ số đến 3 chữ số rồi 4 chữ số - không hiểu sao bạn vẫn làm được. Bỗng tôi thấy bạn rất có năng khiếu trong việc tính toán logic. Cho đến khi Nam Long học tiểu học, tôi cũng thấy bạn có nhiều biểu hiện lanh lợi, có thêm năng khiếu về ngôn ngữ - nên cả gia đình cũng tạo điều kiện cho bạn tiếp xúc với những thứ liên quan đến tiếng Anh để bạn có thể tự học.

Bố Nam Long: Tôi thì thích thử thách xem Long học được những gì. Tôi dạy Long cờ vua, cờ tướng… đều thấy bạn thích thú và tiếp thu rất nhanh. Bạn học chơi cờ vua chỉ trong 30 phút là bắt đầu biết đánh.

Từ lúc thấy Nam Long là một đứa trẻ lanh lợi cho đến lúc cả nhà bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc với những tiềm năng của bạn - có một khoảnh khắc nào khiến anh chị nhận ra điều này không?

Mẹ Nam Long: Đợt đi casting Nhanh Như Chớp, lúc bạn vào phòng casting thì ba mẹ không có được vào, nhưng sau đó thì bên chương trình cũng gọi điện báo rằng bạn có những câu trả lời rất thú vị và khiến tất cả mọi người đều bất ngờ. Sau khi xem lại những clip casting, ba mẹ cũng rất bất ngờ vì đúng là có những câu trả lời mà ba mẹ chưa từng nghĩ tới, chưa từng dạy qua mà bạn lại trả lời rất nhanh. Có nghĩa là bạn đã tìm hiểu những thông tin đó, nhớ ở trong đầu và logic nó lại để trả lời. Sau này khi vào chương trình, ba mẹ thấy cũng có những kiến thức mới mà con cần học hỏi nên cũng giao thêm những bài tập để con tìm hiểu. Con cũng hoàn thành những việc đó một cách nhanh chóng và tự lập. Điều đó khiến chúng tôi nhận ra bạn có nhiều khả năng tự học hỏi và thích thú với việc đó, thế nên ba mẹ cũng tạo điều kiện cho bạn được thoải mái nghiền ngẫm theo ý thích.

Vậy thì từ bao giờ mà anh có ý định “chiêu mộ” Nam Long về công ty của mình ạ?

Bố Nam Long: Chắc là cũng mới vài tháng trở lại đây thôi. Thật ra, việc chiêu mộ này cũng nằm trong chiến lược của công ty. Mục tiêu của chúng tôi là vươn ra thế giới, bản thân tôi cũng quan sát xem nội lực của công ty mình có gì - vì việc ra quốc tế là một bài toán rất khó đối với sản phẩm như công ty về phần mềm. Và để đi được ra thế giới thì có nhiều phương án khác nhau: Sale lead, marketing lead, product lead… tóm lại là các phương án… tốn tiền. Sau cùng tôi nghĩ đến phương án dùng Nam Long để làm branding, đại diện hình ảnh và sau đó bạn có thể phát triển sản phẩm theo đúng hướng product lead thì mọi chuyện sẽ có sự cộng hưởng với nhau.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 5.

Anh có mất nhiều thời gian để thuyết phục những người đồng hành với mình trong công ty tin vào quyết định này không?

Bố Nam Long: Cũng mất một chút thời gian. Nhưng chúng tôi đều có góc nhìn giống nhau, đó là: Đây là vũ khí tốt nhất mà chúng ta có.

Việc Nam Long trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội có khiến anh chị lo lắng một chút không ạ? Bởi chúng ta đều hiểu, sự nổi tiếng đôi khi cũng mang đến những áp lực cho hành trình phát triển tự nhiên của các bạn nhỏ.

Mẹ Nam Long: Ở vai trò của một người mẹ thì đúng là tôi có lo lắng. Tương lai của con thì còn rất dài, những thành tích con đạt được thì đúng là ba mẹ có tự hào, nhưng cũng không quá kỳ vọng. Vẫn lo, nhưng vẫn theo định hướng là không tạo áp lực cho con, để con phát triển được tới đâu là tùy vào năng lực của con chứ không hề gượng ép.

Bố Nam Long: Tôi thì là một… chill dad. Vậy nên tôi đã chuẩn bị một tinh thần “sao cũng được” và không hề có áp lực trong việc Nam Long sẽ như thế nào. Tôi sẵn sàng trong việc là bây giờ cũng hay hay đó, đang làm được đó - nhưng mai mốt mà không làm được thì cũng… ok. Trước khi bạn đủ 18 tuổi, tôi rất muốn đồng hành với Nam Long để vượt qua những khó khăn và coi đó là cơ hội của mình để cùng bạn trải nghiệm. Hay nói cách khác, tôi chờ những thất bại và thử thách để đồng hành cùng bạn. Tôi rất hiểu rằng cuộc đời sẽ rất dài, những thành tích bây giờ không đồng nghĩa với việc sau này Nam Long sẽ tiếp tục có thành tích, thậm chí những thành tích bây giờ cũng sẽ là áp lực cho những thành tích tiếp theo. Vậy nên nếu giữ cho mình được một tinh thần “sao cũng được”, từ từ tính rồi kệ, tới đâu hay tới đó - như vậy giúp tôi thoải mái hơn.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 6.

Mẹ Nam Long: Có điều này tôi muốn chia sẻ thêm. Chúng tôi đồng hành cùng Nam Long từ xưa đến nay và mọi thành tích Nam Long đạt được đều là nhờ năng lực thực sự của bạn chứ chúng tôi không hề đặt mục tiêu. Ví dụ: Con nộp kịch bản vô CoverFly để đăng ký tham gia, chúng tôi cũng không đặt mục tiêu là con phải đạt được những giải thưởng gì. Nội dung con viết là do con độc lập quyết định, ba mẹ không tác động vào. Việc con đạt được thành tích đó là nhờ năng lực của con, kể cả khi con đi thi TOEIC thì ba mẹ cũng chỉ nói rằng con có thể thi, vì ba mẹ thấy con có thể giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt qua những chuyến đi và việc gặp gỡ nhiều người. Con thi có thành tích thì ba mẹ chia sẻ và lan tỏa. Con có điểm TOEIC rồi thì lại nói rằng TOEIC không có đủ 4 kỹ năng giống IELTS, thế nên ba mẹ lại cùng con đăng ký cho kỳ thi này. Trước khi thi, ba mẹ cũng không nghĩ rằng con có thể đạt được kết quả tốt như vậy, và con đi thi cũng chẳng hề có một áp lực nào.

Tất cả những gì Nam Long đạt được đều rất tự nhiên. Ba mẹ chỉ là người tạo cơ hội, gợi ý và hướng dẫn để con tham gia. Ngay cả trong tương lai, ba mẹ cũng không áp đặt việc con phải vào được trường nào hay làm công việc gì. Quan trọng nhất là con có đam mê thì con sẽ phát triển được tối đa ở lĩnh vực đó.

Nhưng có khi nào, áp lực lại đến từ việc chính Nam Long tự đặt ra cho mình?

Bố Nam Long: Như bạn cũng có vừa chia sẻ, bạn không có mục tiêu quá 2 năm. Tôi thấy như vậy cũng đỡ, tốt cho mình khi không phải có áp lực. Ở phía tôi, tôi xác định sẽ cho bạn học 12 năm ở Việt Nam, sau đó nếu bạn muốn đi du học ở đâu thì đi.

Mẹ Nam Long: Nhưng với điều kiện bạn phải kiếm được học bổng, còn nếu không thì bạn học ở đây. Rõ ràng là nếu bạn muốn khám phá thì bạn phải tự tìm đường để đi. Ba mẹ không dọn đường, không mời, không dẫn bạn đi. Quan điểm của anh chị rất rõ ràng như vậy.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 7.

Anh chị có một chút trăn trở nào khi để con thoải mái theo đuổi con đường học tập không? Có khi nào muốn con đi chậm lại một chút để tận hưởng những niềm vui giống các bạn trẻ khác?

Mẹ Nam Long: Tôi thì không thấy con đi quá nhanh hay gì đâu, quan trọng là con bước tới đâu thì ba mẹ bước theo tới đó. Nếu con thấy mệt và muốn dừng lại thì ba mẹ cũng dừng lại cùng con, đi tiếp thì ba mẹ lại đi chung. Chúng tôi không trăn trở về điều đó.

Bố Nam Long: Tôi lại thuộc trường phái tương đối thực tế. Tôi luôn đặt câu hỏi là việc học này thì sao? Liệu sau này có cần thiết cho tương lai không? Hoặc ví dụ như việc học đại học, tôi lại thấy đi học 4 năm chẳng bằng đi làm 6 tháng.

Mẹ Nam Long: Đó là về kinh nghiệm thôi, còn kiến thức thì ở đại học vẫn nhiều.

Bố Nam Long: Nghe thì hơi ngược một chút, nhưng tôi thì thực tế như vậy. Cho nên những gì tôi thấy bạn đang chuẩn bị bây giờ nó chỉ là những mảnh ghép nhỏ, dù có nhanh đi chăng nữa thì cũng chỉ là để ghép lại cho tương lai của bạn được chuẩn bị. Mấu chốt ở đây luôn là bạn có thấy vui và hạnh phúc hay không - đây là điều tối quan trọng. Tôi thường xuyên hỏi bạn rằng con có muốn đổi ba mẹ với ai không? Con đánh giá điểm hài lòng của con về học tập, về cuộc sống thì con cho bao nhiêu điểm? Và bạn thường xuyên đánh giá từ điểm 8 trở lên, tôi thấy như vậy cũng ok.

Mẹ Nam Long: Thật ra đây là câu hỏi ba mẹ luôn hỏi bạn từ nhỏ tới lớn, cả bạn lớn lẫn bạn nhỏ. Lúc nào cũng phải khảo sát các bạn một cách thật gần gũi.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 8.

Bố Nam Long: Nhưng tôi cũng muốn đính chính với mọi người một chút, là Nam Long không phải một bạn làm việc hay học hành chăm chỉ nha. Thứ nhất là bạn không hề có áp lực học tập, tức là tôi chỉ cần bạn không học dốt quá là được. Việc bạn cho là mình dốt thật ra chỉ là chưa tốt như bạn muốn thôi. Thứ hai, đó là Nam Long… chơi rất nhiều. Mọi người nghĩ Nam Long thường xuyên học, nhưng không hề có chuyện đó. Một ngày, các bạn khác đi học thêm và khát khao có thêm thời gian để chơi, thì Nam Long không đi học thêm nên có những 6-8 tiếng rảnh sau giờ học, bài tập thì không học, học thêm cũng không. Chỉ có chơi game, xem phim rồi giải trí đến mức tự bản phải thốt lên là: “Ôi! Giải trí mệt quá, phải kiếm gì đó để làm thôi.” Thế nên mọi người nói rằng Nam Long học nhiều thì không hề có chuyện đó đâu.

Mẹ Nam Long: Tôi thấy quan trọng là phải định hướng cho bạn. Thích cái gì thì là việc của bạn, nhưng ba mẹ phải biết con thích gì để khuyến khích và lái con vào hành trình đấy một cách gián tiếp.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 9.

Khi Nam Long được biết đến thì truyền thông nhắc đến em với những cụm từ rất mỹ miều như “thiên tài” hay “thần đồng”. Anh chị thấy sao về những mỹ từ đấy ạ?

Bố Nam Long: Chắc chắn Nam Long không phải thần đồng hay thiên tài gì hết. Bạn chỉ là một thằng nhóc có sự nhanh nhẹn và tiếp thu hơn các bạn một chút. Bạn cũng là một thằng nhóc có nhiều thời gian chơi hơn những bạn cùng trang lứa, có nhiều thời gian thử nghiệm và trải nghiệm hơn thôi. Giống như vừa nãy chính Long cũng nói đó, bạn đi làm cũng không phải là cái gì đó thấy gớm, tới tuổi muốn đi làm thì đi thôi. Không có việc gì làm thì mình đi làm, kiểu nó là vậy.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 10.

Nhưng để có một tinh thần không kỳ vọng hay áp lực vào con - có phải là một việc khó khăn với anh chị không? Tôi có một người bạn đã làm mẹ, chị nói rằng dù không muốn đặt kỳ vọng vào con trong chuyện học, nhưng vẫn vô thức muốn con phải đạt được ít nhất là thế này hay thế kia. Rất khó để cha mẹ gỡ bỏ được hoàn toàn suy nghĩ ấy.

Mẹ Nam Long: Cái này chắc tôi cũng xin chia sẻ thêm, đó là đa số câu chuyện về các bạn có thành tích tốt thường có ba mẹ đặt mục tiêu cũng cao, và vô tình các bạn sẽ có những sức ép. Chúng tôi đọc những câu chuyện đó rất nhiều, và gọi là hoàn toàn không có áp lực cho con thì không phải. Ngày trước, tôi cũng từng rất quan tâm đến việc Nam Long phải viết chữ đẹp, toán thì phải được 10 vì rõ ràng là bạn rất giỏi toán, được 8-9 điểm là tôi không vui rồi. Tiếng Anh cũng phải tuyệt đối, tin học cũng thế - vì những môn đó bạn đã rất giỏi nên tôi từng cho rằng bạn không được dưới điểm đó. Sau một thời gian liên tục nhắc nhở và có lúc bạn đạt được, có lúc thì không. Cuối cùng khi bạn không đạt được thành tích ở trường thì bạn lại có những thành tích khác phù hợp và chính bạn cảm thấy hài lòng về điều đó, thì tôi mới dần thay đổi suy nghĩ của mình. Chỉ cần con có được những thành tích phù hợp và con cảm thấy hài lòng thì ba mẹ cũng hài lòng.

Đối với tôi, việc tự gỡ bỏ áp lực này cũng chỉ nằm ở phía mình thôi. Còn ba Nam Long thì không gây áp lực gì cho con hết. Tôi nghĩ việc gỡ bỏ áp lực cho cả mẹ và con đều cần thời gian, cần sự sẻ chia và đồng hành của cả nhà. Nên nói không áp lực từ đầu thì không phải, bản năng của người mẹ khiến tôi cảm nhận rằng mình phải như vậy. Nhưng giờ thì tôi đã hoàn toàn gỡ bỏ được áp lực đấy rồi. Tôi đồng ý là con có thể phát triển theo cách mà con thích, miễn là con vui và hào hứng là đủ.

Bố Nam Long: Gia đình tôi là một kiểu mẫu thường gặp, sẽ luôn có một người áp lực và nhiều kỳ vọng hơn, còn một người lại theo trường phái okela. Học gì thì học, không quan trọng lắm, không dốt là được. Đó là một cảm giác không phải ai cũng có thể chấp nhận, dù miệng nói nhưng trong đầu vẫn nghĩ là mình đang không gây áp lực. Nhưng ngay khi con có thành tích không tốt thì mình sẽ buồn. Sẽ phải có một người như tôi để làm công tác tư tưởng từ từ. Tôi thì rất thích việc đi học không có điểm số hay xếp hạng vị thứ, nếu chúng ta gỡ bỏ được điều đó thì con sẽ đỡ hơn. Kết quả như mọi người có thể thấy: Nam Long không hề đi học thêm, học cũng không giỏi như các bạn trong lớp. Thế nhưng Long có nhiều thời gian để làm những việc khác và bạn đang rất tận hưởng điều đó.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 11.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 12.

Việc Nam Long được biết đến từ nhỏ cũng đồng nghĩa với việc xung quanh bạn có rất nhiều những lời tán dương. Anh chị đã chia sẻ với bạn như thế nào để chính Nam Long cũng luôn giữ chân mình chạm đất, hiểu được rằng đâu là những lời chia sẻ chân thành, đâu là sự tâng bốc - để bạn luôn thực tế và không sống trong bong bóng của những lời ngợi khen?

Bố Nam Long: Thật ra đây cũng không phải lần đầu tiên Nam Long nổi tiếng. Ngay từ khi bạn thi Nhanh Như Chớp Nhí, rồi đi làm intern lập trình, đạt TOEIC rồi IELTS - trong 7 năm mà lên truyền thông những 4 lần, thêm cả lần này là 5. Hậu quả thì xảy ra ngay từ năm đầu tiên luôn. Nhanh Như Chớp Nhí là cuộc thi rất nổi, và ngay trong 24 tiếng đầu tiên video về bạn đã lên 1 triệu view rồi, đến tận bây giờ đó vẫn là một trong những video nhiều view nhất - 20 triệu view. Nam Long đi đến đâu là mọi người đều nhận ra, thậm chí là khi lên máy bay qua Mỹ cũng có người hỏi. Lúc đó Long mới học lớp 1-2 thôi, tôi cảm thấy một thằng nhỏ 6-7 tuổi đang cảm giác nó rất đặc biệt nên ngay cả trong việc tiếp xúc với ông bà, ba mẹ cũng có phần hơi kiêu ngạo.

Thời điểm đó, chúng tôi thấy để vậy không ổn lắm. Dù biết rằng Long còn nhỏ nên cũng không thể hiểu được. Vậy nên chúng tôi mới tìm cách… đạp nó xuống. Cho Nam Long gặp những thất bại mới, những khó khăn mới, những việc mà bạn không thể nào đạt được và thấy nó không đơn giản như mình nghĩ, mình cũng thất bại rất thường xuyên. Sau đợt đó, mọi việc bắt đầu đi vào quỹ đạo. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm bằng cách bảo vệ Nam Long khỏi mạng xã hội, Long không được dùng MXH và chúng tôi giữ cho bạn tiếp xúc với nó ít nhất có thể. Ngay cả việc bây giờ bạn đang rất nổi nhưng cũng không hề biết, mà chỉ tới khi phụ huynh bạn của Nam Long nói thì bạn mới nhận ra. Từ năm ngoái đến năm nay thì Nam Long lớn rồi, tự nhận thức được nên bạn biết rằng việc này chẳng qua là một cái gì đó vui vẻ và là câu chuyện truyền cảm hứng cho người khác thôi. Mình vẫn phải là mình. Phía trước còn rất nhiều khó khăn và phải cố gắng hơn nữa. Tôi nghĩ rằng tới thời điểm này thì cả gia đình lẫn Nam Long chân vẫn chạm đất.

Mẹ Nam Long: Tôi nghĩ quan trọng là ba mẹ phải nhận thức được khi nào con đang bay để kéo con xuống. Việc đó cũng dễ thôi, con còn nhỏ nên chỉ cần mình đưa cho con những thử thách mà con không làm được, thế là nó… tự xuống. Bây giờ bạn lớn rồi, bạn học trong môi trường của trường Trần Đại Nghĩa thì tôi cũng rất yên tâm vì trong đó các bạn khác đều rất giỏi, bạn tự nhận thức được mình đang ở đâu. Rồi sau này, khi bạn tìm hiểu thế giới bên ngoài nữa thì bạn sẽ thấy bên ngoài kia còn rất nhiều vĩ nhân và mình còn thua cả hạt cát. Vậy nên bạn cũng rất bình tĩnh để biết mình là ai và mình cần phải làm những gì.

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 13.

Sau khi Nam Long được biết đến trên mạng xã hội, cũng có không ít những thông tin trái chiều về vị trí của Nam Long tại công ty. Anh chị đã đọc những ý kiến này chưa có muốn chia sẻ một chút không ạ?

Bố Nam Long: Tôi chưa đọc và thật ra cũng không quan tâm. Có rất nhiều thông tin nên tôi thường không đọc những bình luận của mọi người. Sướng thì mình… bay, còn không đúng thì mình lại buồn. Thế nên tôi thoải mái lắm.

Mẹ Nam Long: Thật ra thì quan điểm của mỗi người mỗi khác. Tôi nghĩ chúng tôi không phải đính chính điều gì cả, có gì thì chia sẻ cái đó. Ở trên mạng, tôi thấy nhiều thông tin mọi người tự đưa ra mà không có sự xác thực của gia đình, thế nên mình đâu thể kiểm soát được hết và đó cũng không phải là trách nhiệm. Chúng tôi cũng không có nhiều thời gian online để có thể đọc hết được comment.

Bố Nam Long: Nói về ý kiến trái chiều thì có rất nhiều ý kiến trái chiều. Ngay cả việc nhắc đến những từ đó thôi là bắt đầu mọi người lôi ra bàn luận, dù mình khẳng định hay phủ định.

Câu hỏi cuối cùng ạ: Anh chị có chia sẻ gì với các phụ huynh khác về cách để con mình có thể lớn lên và trở thành một đứa trẻ hạnh phúc?

Mẹ Nam Long: Tiêu chí của chúng tôi luôn là các con phải hạnh phúc - đó là tiêu chí lớn nhất. Không phải con thành công hay cần đạt được điều gì, con phải hạnh phúc đã. Đó cũng luôn là câu hỏi mà chúng tôi luôn đặt ra cho các con. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để biết con cần và muốn gì, sau đó lèo lái con theo định hướng đó một cách tốt nhất có thể.

Bố Nam Long: Có một vài nguyên tắc mà tôi thường hay thực hiện thôi. Đối với tôi, một đứa trẻ thành công không có nghĩa là bằng tiền bạc hay vị trí xã hội, mà đến từ sự tự tin. Nếu bạn được xây dựng sự tự tin từ nhỏ, tin vào bản thân, vào khả năng của mình - thì bạn sẽ thành công. Làm sao để bạn tự tin? Bạn phải biết được điểm mạnh của bạn là gì. Làm sao bạn biết điều đó? Ba mẹ sẽ cần là người đồng hành, cùng con, chỉ cho con biết rằng đây là điểm mạnh và kia là điểm yếu của con, ba mẹ sẽ ở bên để con phát huy điểm mạnh đó.

Tóm lại thì phương pháp của tôi là một đứa trẻ được sự quan tâm của ba mẹ sẽ là một đứa trẻ tự tin. Một đứa trẻ tự tin sẽ lớn lên thành công. Và điều này thì ai cũng có thể làm được, không nhất thiết là nó phải giỏi như thế nào. Chỉ cần ba mẹ dành đủ thời gian và quan tâm đến đứa trẻ là ổn!

Gặp giám đốc tuổi 13 Nam Long: “Đi làm vui hơn vì ở trường em thấy mình học cũng… thường thôi”- Ảnh 14.

Cảm ơn anh chị và Nam Long vì cuộc trò chuyện này ạ!

Diệp Nguyễn/ Thiết kế: Trường Dương/ Ảnh: Viết Thanh/ Clip: TEAM SHOW