Cơn bão Threads tuần qua về Hà Trúc như một buổi họp tổ dân phố online. Người kể chuyện, người thêm thắt, người từng gặp, người từng bị block. Một bó hoa cưới, một vài story chụp lại thái độ “pick-me-girl”, một vài trải nghiệm bị cho là “thiếu chuyên nghiệp”. Vậy là hình ảnh về một “ngọc nữ” của giới KOLs trở nên tan tành, để lại chân dung một cô gái tìm mọi cách để xây dựng một hình ảnh hoàn hảo, dù cho đôi khi cái áo cô tự khoác lên mình có vẻ hơi kệch cỡm. Và thế là đủ để một nhân vật từng truyền cảm hứng cho rất nhiều cô gái trẻ trở thành đối tượng cho một cuộc giễu cợt online không hồi kết.
Nhưng nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy điều kỳ lạ: Hà Trúc không phạm một sai lầm đạo đức rõ ràng, không lừa dối ai lấy tiền, không gieo độc khán giả bằng những ý tưởng lệch lạc. Cô ấy chỉ… “gồng” quá lâu, và nhiều khi - theo những câu chuyện kể lại từ cư dân mạng - cũng cư xử không tốt với những người xung quanh, đặc biệt là khách hàng.
Và câu hỏi đặt ra là: Liệu tất cả những điều đó có đáng để khiến Lê Hà Trúc bị nhấn chìm hoàn toàn?
Lê Hà Trúc có thật sự “gây hại”?
Chúng ta đang nói về một người phụ nữ dậy sớm, mặc đẹp, làm việc để tự lo cho bản thân và gia đình, có những ước mơ và dần thực hiện những ước mơ của mình, không quên dặn người khác “hãy sống tích cực”. Vậy mà bằng một cách nào đó, chính hình ảnh ấy lại trở thành mục tiêu công kích của hàng loạt người lạ - những người cho rằng cô đang “sống giả”, “gồng quá”, “kiểm soát hình ảnh thái quá”. Ok, gồng quá thì cũng đáng ghét thật, nhưng sống gồng có phải là một tội không?
Trong tất cả những gì Hà Trúc chia sẻ, không có dấu hiệu nào của sự lan truyền lệch chuẩn đạo đức. Cô không cổ vũ thù ghét, không tôn thờ tiêu cực, không nhân danh tổn thương để đổ lỗi cho thế giới. Những gì cô làm - dù có “kịch bản hóa” đến đâu - cũng chỉ là kể về một cuộc sống ngăn nắp, đẹp đẽ, đầy gu và chủ động. Nếu có vấn đề, thì vấn đề lớn nhất là: cô ấy “quá đẹp” để ai đó tin nó đẹp 100%.
Nhưng nếu sự “khó tin” đó không làm tổn hại ai, thì vì sao chúng ta lại giận dữ đến thế?
Giả sử bạn thấy một người giả tạo, bạn hoàn toàn có thể unfollow, block, lướt qua. Mạng xã hội không ai ép ta phải xem, phải tin, hay phải đồng tình. Nhưng khi ta chủ động ở lại, moi móc, phân tích từng câu chữ, từng cử chỉ, rồi nói rằng: “Tôi không chịu nổi vì cô ấy giả tạo quá” - thì người thực sự cần soi lại, có khi không chỉ là Hà Trúc.

Có thể cô ấy đang "diễn", nhưng đó là sân khấu cô chọn. Khán giả có quyền không mua vé, nhưng không thể vì không thích vai diễn ấy mà kéo cả sân khấu sập xuống rồi nói rằng: "Vì cô khiến tôi thấy khó chịu, nên cô sai."
Vậy câu hỏi cần đặt ra là: Từ bao giờ thể hiện mình sống đẹp cũng trở thành tội lỗi?
Cảm giác xa cách không đến từ váy vóc hay nhà đẹp. Nó đến từ sự lệch pha trong thái độ: một người phụ nữ quá mải mê với cái đẹp của mình, với ly nước buổi sáng, với mái tóc uốn đúng nếp và ánh đèn đúng tông - đến mức có vẻ như không còn thực sự nhìn thấy ai khác. Mọi story đều bắt đầu bằng “mình thấy...”, “mình chọn...”, “mình biết ơn...”, và ít khi còn chừa chỗ cho một đối thoại thực sự với người đọc. Hình ảnh Hà Trúc, theo thời gian, không còn là tấm gương để soi vào - mà là một khung tranh được đóng kín, không cho ai bước vào cùng.
Khi một nhân vật công chúng vừa chia sẻ cuộc sống xa xỉ, vừa nói bằng một giọng điệu có phần cao ngạo, người xem rất dễ cảm thấy mình bị đặt thấp hơn. Và cảm giác bị “ở dưới” một ai đó chính là thứ khó chịu nhất. Không ai muốn bị dạy dỗ về sự “biết ơn mỗi ngày” từ một người vừa khoe túi hiệu, vừa đăng caption “cái đẹp bắt đầu từ bên trong” trong khi bên ngoài thì đang quá chỉn chu đến mức xa rời thực tế. Nó khiến người đọc cảm thấy bị dẫn dắt vào một cuộc chơi mà họ không đủ tiền để mua vé.
Sự “mắc mệt” của Hà Trúc - những chi tiết nhỏ như bó hoa cưới, thái độ trên phân khi chia sẻ về đồ hiệu và đồ bình dân (dù người mua cũng phải bỏ tiền triệu để sở hữu) hay phản ứng thái quá với lời chê - trở thành cú nổ cuối cùng. Nó không còn là chuyện của một người, mà là phản chiếu của rất nhiều người từng im lặng nhìn theo. Và khi họ nhận ra rằng cô cũng có khuyết điểm, cũng sai, cũng có thể nói quá, cũng có thể làm lố, thì có một cảm giác trỗi dậy: Cuối cùng thì cô ấy cũng giống chúng tôi, vậy tại sao lại phải gồng lên ra vẻ hơn chúng tôi?

Nỗ lực của Hà Trúc có đáng bị phủ định sạch trơn?
Ở một góc nhìn khác, có thể nói: Hà Trúc là người làm nghề rất nghiêm túc. Dù hình ảnh mà cô theo đuổi có thể không còn hợp số đông, thì không thể phủ nhận cô đã và đang làm đúng những gì một influencer chuyên nghiệp cần làm - thậm chí làm ở mức độ cao hơn bình thường: Tạo dựng một thế giới thẩm mỹ nhất quán, duy trì hình ảnh thương hiệu cá nhân xuyên suốt, và khiến người ta nhớ đến mình không lẫn đi đâu được trong hàng vạn người mặc váy trắng xách túi Chanel.
Trong thế giới mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành “người có ảnh hưởng” nếu sở hữu một chút visual, một ít caption cảm hứng và vài hợp đồng quảng cáo. Nhưng không phải ai cũng làm được cái điều Hà Trúc đã làm: Xây dựng và duy trì một thế giới quan thẩm mỹ nhất quán suốt gần một thập kỷ. Điều đó không đến từ cảm hứng vu vơ, mà đến từ một sự kiểm soát cực kỳ chi tiết - và sự tự ý thức cao độ về hình ảnh.
Từ tone màu, ánh sáng, chữ ghi chú “handwritten style”, cách đặt máy ảnh… tất cả đều cho thấy một người phụ nữ tự đạo diễn lấy cuộc sống mình theo một kịch bản đã định. Điều đó có thể khiến người ta cảm thấy xa lạ, nhưng cũng đồng thời là bằng chứng cho thấy: đây là một “content creator” đúng nghĩa - người không chỉ chia sẻ cuộc sống, mà còn sản xuất hình dung về cái đẹp.
Việc bị đánh giá là “khó làm việc” không tự động biến một người thành người xấu. Trong ngành nghề sáng tạo, rất nhiều người thành công là những người từng bị gắn mác “khó chịu”, “kiểm soát”, “kỹ tính quá mức” - từ stylist, đạo diễn, cho tới KOLs.

Nếu một influencer xuất hiện trước công chúng 365 ngày/năm, mỗi hình ảnh đều đại diện cho cả thương hiệu cá nhân lẫn uy tín thương mại với các brand, thì việc kiểm soát là điều bắt buộc. Hà Trúc không làm những content ngẫu hứng. Cô làm chiến dịch. Và như bất kỳ một giám đốc sáng tạo nào, cô có toàn quyền định hình hình ảnh của chính mình - kể cả khi điều đó khiến người khác thấy không thoải mái.
Các brand lựa chọn tiếp tục hợp tác với cô là minh chứng rằng: sự “khó” đó tạo ra giá trị. Một chiến dịch đẹp, bài đăng chuẩn chỉnh, tone thương hiệu khớp với thẩm mỹ tổng thể - đó là điều mà bất kỳ marketer nào cũng mơ. Nếu những yêu cầu của cô khiến ê-kíp mệt, nhưng vẫn mang về kết quả tốt, thì đó không còn là “làm màu”, mà là tiêu chuẩn.
Công chúng có quyền cảm thấy một nhân vật công chúng là xa cách, không còn truyền cảm hứng, hay không còn chân thật. Nhưng liệu có công bằng không khi kỳ vọng rằng: Một người đã chọn theo đuổi hình ảnh chỉn chu thì bắt buộc lúc nào cũng phải vừa đẹp, vừa gần gũi, vừa biết điều, vừa thân thiện, vừa phải luôn… xin lỗi đúng cách?

Nếu Hà Trúc gồng thật - thì đó cũng là cách cô làm nghề. Nếu cô “không còn liên quan” đến đa số - thì thị trường sẽ đào thải bằng tự nhiên.
Còn nếu cô vẫn có nhãn hàng theo đuổi, vẫn có tệp khán giả riêng, vẫn tạo ra doanh thu thật - thì điều đó xứng đáng được công nhận như bất kỳ một freelancer chuyên nghiệp nào đang sống bằng kỹ năng của chính họ. Chúng ta có thể không còn thích Hà Trúc như trước. Nhưng sự không yêu thích không nên được nhầm lẫn với quyền phán xử đạo đức, nhất là trong một lĩnh vực đòi hỏi tính cá nhân cao và có biên độ sáng tạo như nghề làm hình ảnh.
Tất nhiên, cô ấy có sai. Nhưng sai lầm không phải là dấu chấm hết
Chúng ta không cần phủ nhận sai sót của Hà Trúc để có thể nhìn nhận một cách công tâm. Rõ ràng, cô đã có những khoảnh khắc xử lý không khéo: Từ lối chia sẻ khoe mẽ quá đà, từ cách mô tả bó hoa cưới gây hiểu nhầm, hay việc phản hồi tiêu cực bằng cách xoá bình luận, thậm chí chặn người góp ý – đó không phải là cách tốt để duy trì niềm tin. Hoặc thậm chí, những nghi vấn quá khứ từ thời đi học được nhiều người nhắc lại.
Nhưng sai lầm ấy, đặt trong tổng thể của một người luôn cố gắng tạo ra cái đẹp, không mang tính chất tấn công ai, không lan truyền điều độc hại - thì có đáng để bị đối xử như một tội nhân bị đưa ra giữa quảng trường mạng?
Điều đáng nói là cô ấy đã lên tiếng. Một bài xin lỗi công khai, thừa nhận những thiếu sót trong cách làm việc và truyền thông, với lời hứa sẽ rà soát lại cả hệ thống cộng tác xung quanh mình. Dù không thể làm vừa lòng tất cả, dù nhiều người vẫn cho rằng lời xin lỗi ấy không chân thành - thì ít nhất, đó là một bước lùi cần thiết để một người có thể tiến về phía trước một cách chân thật hơn.

Sự tha thứ, nếu có, không nên dựa trên việc một người “đáng thương” đến mức nào, mà dựa trên việc họ có sẵn sàng thay đổi không. Và trong trường hợp này, chúng ta đang thấy một người phụ nữ, vốn quen sống trong vùng sáng của sự ngưỡng mộ - chấp nhận đối diện với vùng tối của những phản hồi, và chọn cách cúi đầu. Đó không phải là một hành động nhỏ.
Nếu chính chúng ta từng có những lần ứng xử sai, từng viết một dòng tin nhắn không đúng mực, từng nói một lời thiếu suy nghĩ, từng làm tổn thương ai đó vì cái tôi, và vẫn mong được hiểu, được tha thứ, được làm lại - thì vì sao không thể trao điều đó cho người khác?
Một lời xin lỗi không khiến ai trở nên hoàn hảo. Nhưng nó mở ra một không gian: Để lắng nghe, để thay đổi, và để bắt đầu lại với một phiên bản tốt hơn. Có thể Hà Trúc sẽ không bao giờ được yêu quý như xưa, nhưng cô xứng đáng có cơ hội để trở nên tử tế hơn, như tất cả chúng ta đều xứng đáng.
Không ai đáng bị triệt tiêu vì sự thù ghét
Cuối cùng thì, câu chuyện này không chỉ là về một influencer nổi tiếng, một bó hoa cưới, hay một bài viết trên Threads. Nó là tấm gương phản chiếu cách chúng ta, với tư cách là cộng đồng, đối xử với những người từng được nâng lên và nay đang loay hoay tìm cách đối diện với những sai sót của mình.
Câu hỏi cuối cùng không chỉ dành cho Hà Trúc, mà dành cho tất cả chúng ta: Khi ai đó sai, ta thật sự muốn họ thay đổi, hay chỉ muốn thấy họ gục ngã? Nếu sự phê bình không mở ra cánh cửa cho người khác tiến lên, thì nó không phải là góp ý - nó là sự triệt tiêu. Và khi sự tử tế bị thay thế bằng giận dữ được gắn nhãn “chính nghĩa”, thì ta cũng đang tự mài mòn khả năng đồng cảm của mình, từng chút một.

Hà Trúc không hoàn hảo, nhưng cũng chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo cả. Cô có thể đang trong giai đoạn nhìn lại chính mình, tự gỡ bỏ những lớp vỏ cứng cáp mà cô từng nghĩ là cần thiết. Và nếu một người như cô, từng sống trong sự nổi tiếng huyễn hoặc đến mức phải gồng nghẹt thở, lại có thể học cách sống thật hơn, mềm mại hơn, thì có lẽ, chúng ta cũng có thể học cách phê bình nhẹ tay hơn, đủ để người khác còn có chỗ để đứng dậy.
Tha thứ không phải là quên đi. Tha thứ là tin rằng một người dù từng sai, vẫn có thể trở nên tốt hơn. Và nếu có điều gì nên lan toả sau tất cả những ồn ào này, thì đó không phải là sự thắng bại, mà là một cơ hội, cho cả người nói lẫn người nghe trở nên trưởng thành hơn.