HLV "ảo" AI bùng nổ với chi phí cực rẻ, dân thể hình điêu đứng lo mất việc

HLV thể hình "ảo" khiến dân thể hình ngoài đời thực lo lắng.

Trong vài năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu định hình ở lĩnh vực thể thao. Đáng chú ý AI đang "công phá" ngành thể hình và fitness. Trung Quốc là một trong những thị trường tiên phong và lớn nhất châu Á chứng kiến trào lưu "HLV ảo AI" (AI Coach) bùng nổ, thu hút hàng triệu người dùng và tạo ra những thay đổi sâu sắc trong thói quen tập luyện.

Các ứng dụng đua nhau tung ra dịch vụ "AI Coach" – huấn luyện viên ảo có giao diện và giọng nói gần giống người thật. Người dùng nhập mục tiêu (giảm cân, tăng cơ, giữ dáng), thông số cơ thể (chiều cao, cân nặng, độ tuổi, bệnh lý) và AI tự động tạo thực đơn, giáo án tập luyện cá nhân hóa.

Một số app còn cung cấp "trợ lý ảo" với ngoại hình HLV nam sáu múi hoặc nữ dáng chuẩn để tạo trải nghiệm chân thực hơn. Người dùng có thể chat, gọi video, đặt câu hỏi và nhận phản hồi 24/7 với mức giá chỉ khoảng 100–200 tệ/tháng (~300–700 nghìn VNĐ), rẻ hơn nhiều so với thuê HLV cá nhân ở phòng gym (200–500 tệ/buổi).

HLV "ảo" AI bùng nổ với chi phí cực rẻ, dân thể hình điêu đứng lo mất việc- Ảnh 1.

HLV thể hình AI chiếm sóng

Theo Sina Finance dẫn số liệu từ CCTV Thời báo Kinh tế, thị trường fitness thông minh tại Trung Quốc dự kiến đạt giá trị khoảng 820 tỷ nhân dân tệ (hơn 11 tỷ USD) trong năm 2025. Trong đó, mảng AI Coach và các giải pháp tập luyện thông minh cá nhân hóa chiếm tỷ trọng rất lớn.

Ngoài app di động, nhiều thương hiệu công nghệ lớn cũng đầu tư mạnh vào thiết bị đeo thông minh, máy chạy bộ AI gợi ý bài tập theo thời gian thực dựa trên dữ liệu nhịp tim, calo tiêu hao. Một số trường học và trung tâm cộng đồng ở Bắc Kinh, Thẩm Dương cũng thử nghiệm hệ thống AI để theo dõi tư thế, chấm điểm kỷ luật thể dục cho học sinh.

Một minh chứng đáng chú ý cho tiềm năng của AI trong huấn luyện thể thao đến từ Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022. Công nghệ huấn luyện viên AI đã được áp dụng để phân tích kỹ thuật, dữ liệu đối thủ và điều chỉnh chiến lược thi đấu, góp phần giúp đội tuyển Trung Quốc giành Huy chương Vàng ở nội dung trượt băng tốc độ cự ly ngắn.

Cụ thể, AI được dùng để mô phỏng chiến thuật, tối ưu hóa kỹ thuật góc cua trên sân băng, và tự động đưa ra gợi ý thay đổi động tác giúp VĐV tiết kiệm thời gian quý giá. Đây được coi là ví dụ điển hình về cách AI không chỉ thay thế huấn luyện cơ bản mà còn hỗ trợ ở đẳng cấp thi đấu chuyên nghiệp.

Giới thể hình lo "mất nghề"

Ở mảng fitness phổ thông, lý do khiến dịch vụ AI Coach bùng nổ cũng rất rõ bởi giá rẻ, tiện lợi, không cần đặt lịch, không phải tới gym đông đúc. Đặc biệt, nó hấp dẫn nhóm Gen Z ưa công nghệ, bận rộn nhưng vẫn muốn theo đuổi body chuẩn.

Tuy vậy, trào lưu này cũng gây tranh cãi. Nhiều HLV người thật lo ngại AI Coach đang "cướp việc", vì giá quá rẻ và quảng cáo "cá nhân hóa như thật". Họ chỉ ra rằng AI thiếu khả năng quan sát trực tiếp để chỉnh sửa form tập, một trong những giá trị quan trọng nhất của PT thật. Ngoài ra, AI thường trả lời rất hạn chế khi gặp những ca phức tạp như chấn thương, bệnh nền. 

Tại Việt Nam, một số startup và phòng gym đã thử nghiệm chatbot tư vấn tập online, nhưng vẫn chưa có dịch vụ HLV ảo. Tuy nhiên, với nhu cầu tập tại nhà bùng nổ và xu thế công nghệ hóa mạnh mẽ, nhiều chuyên gia dự báo thị trường AI Coach ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong vài năm tới.

Hải Đăng