Kẻ Ăn Hồn: Phiên bản "song sinh" còn nguyên sự tàn bạo của Tết Ở Làng Địa Ngục

Kẻ Ăn Hồn thừa hưởng nhiều điểm thuận lợi lẫn rủi ro từ Tết Ở Làng Địa Ngục để duy trì yếu tố kinh dị đậm chất dân gian Việt Nam của mình.

Thành công của series Tết Ở Làng Địa Ngục đã "dẫn đường" cho dự án điện ảnh Kẻ Ăn Hồn có những bước dặm bùng nổ trước khi ra mắt công chúng. Dự án điện ảnh của bộ đôi NSX Hoàng Quân - đạo diễn Trần Hữu Tấn đóng vai trò tiền truyện của phiên bản truyền hình, kể về những bước đi đầu tiên của Thập Nương (Lan Phương) trong hành trình "tái thế", bằng cách thông qua nạn nhân đầu tiên là cô Phong (Hoàng Hà), người có dòng máu "thuần âm" và thấy được ma quỷ.

Kẻ Ăn Hồn thừa hưởng nhiều điểm thuận lợi từ Tết Ở Làng Địa Ngục, nhất là số lượng fan hùng hậu của phim lẫn nguyên tác đến từ tác giả Thảo Trang. Ngoài ra, việc chính tay Thảo Trang chăm chút cho kịch bản cũng tạo nên hiệu ứng đáng mong chờ cho phim. Cùng với những điều kiện tốt như vậy, Kẻ Ăn Hồn cũng đối mặt với những rủi ro khác, phải vượt mọi chông gai chẳng khác gì đường đến Làng Địa Ngục để giữ cho được yếu tố kinh dị đậm chất dân gian Việt Nam của mình đến phút cuối cùng.

fba8fb8452-f805-4c3e-a967-532e9600171a

Bức tranh dân gian sinh động ẩn sau âm mưu thâm độc

Giữa lúc màn ảnh rộng Việt đang bị “xâm chiếm” bởi nhiều thế lực kinh dị “phương Tây”, Kẻ Ăn Hồn xuất hiện một cách đầy bất ngờ, gây thích thú bởi cốt truyện đậm tính dân gian thuần Việt. Trở về thời điểm trước Tết Ở Làng Địa Ngục nhiều chục năm, nữ ác nhân Thập Nương đã bắt đầu chuẩn bị cho âm mưu báo thù của mình. Vẫn là những màn “chém giết” đáng sợ hàng loạt từ ngày này qua ngày khác, Kẻ Ăn Hồn cho thấy sự khéo léo khi lồng ghép tinh tế chất liệu, hình ảnh văn hoá vào phần nội dung.

Chẳng hạn, phần đám cưới của Phong và Sang (Võ Điền Gia Huy) lấy cảm hứng rõ rệt từ câu chuyện đám cưới chuột, song đó cũng là tục lệ riêng của Làng Địa Ngục mỗi khi rước dâu về đêm. Hoặc, âm mưu tàn sát của Thập Nương cũng dựa trên một loại hình dân gian thay vì ngẫu nhiên, đồng thời kết hợp với yếu tố tà thuật mới lạ, lôi cuốn.

photo-1

5

Tuy nhiên, không vì ca ngợi văn hoá thuần Việt mà Kẻ Ăn Hồn quên đi mục đích chính của mình đó là kinh dị. Bộ phim dài hơn 90 phút có hàng loạt những chi tiết ám ảnh, tàn bạo, nhất là ở hồi cuối phim khi sự điên loạn được dâng đến đỉnh điểm. Bên cạnh phần nhìn thì phần nghe cũng làm rất tốt khi “nhen nhóm” cảm xúc nơi khán giả, thúc đẩy những chi tiết chủ chốt thêm phần bùng nổ.

Để có được một đoạn kết thật sự “điên rồ” như vậy, Kẻ Ăn Hồn tiếp tục noi theo “tấm gương” Tết Ở Làng Địa Ngục với một phần diễn giải chi tiết ở nửa đầu, song vẫn có sự đánh đổi.

“Phản chiếu” Tết Ở Làng Địa Ngục ở điểm hay lẫn chưa hay

Việc 2 bộ phim được quay nối tiếp nhau, gần như cùng một giai đoạn thời gian, một bối cảnh, một ekip “đinh” và một bầu không khí có cái lợi, nhưng cũng có cái hạn chế. Kẻ Ăn Hồn khó tách biệt khỏi Tết Ở Làng Địa Ngục (một điểm tốt), đồng thời cho thấy được ekip giữ được tinh tuần và tư duy làm phim được xuyên suốt. Phần bối cảnh và tính chất “tâm linh”, không còn hù doạ “nhảm nhí” vẫn được duy trì từ series màn ảnh nhỏ lên màn ảnh rộng.

32

Kẻ Ăn Hồn ổn như Tết Ở Làng Địa Ngục, thế nhưng chưa tốt hơn Tết Ở Làng Địa Ngục. Bộ phim vẫn có sự lê thê, dài dòng và loay hoay ở nửa đầu để truyền tải toàn bộ những tình tiết quan trọng nhất. Thêm vào đó, những màn chuyển cảnh chưa thật sự mượt mà, khéo léo khiến cho Kẻ Ăn Hồn còn khá “vụn”. Với phim, dòng thời gian dễ hiểu theo hướng “ngày qua ngày” nhưng vẫn khiến không ít người xem phải “ôm đầu” vì lộn xộn.

May mắn là nửa sau đó, Kẻ Ăn Hồn trở về đúng quỹ đạo mà có được đoạn cao trào bùng cháy như mong muốn. Song, bên cạnh phần sắp xếp tình tiết chưa xuất sắc thì diễn xuất cũng là điểm chưa tròn đầy từ phim truyền hình lên đến phim điện ảnh. Các diễn viên trong phim không có sự hài hoà về phong cách diễn xuất, khi mỗi người gần như mang một kiểu. Sân khấu, điện ảnh, phim giờ vàng 2 miền Nam - Bắc hoà lẫn, dễ gây phân tâm. Đã vậy, một số diễn viên thoại không dễ nghe, khiến đôi lúc thông tin truyền tải đến người xem bị “‘nhiễu”.

photo-1

8

10

Mặc dù vậy, sự cố gắng của các diễn viên, đặc biệt là dàn diễn viên trẻ đáng được ghi nhận. Trong số bộ 3 trẻ tuổi, Huỳnh Thanh Trực lại tỏa sáng nhất khi đã có sự tiến bộ rõ sau Rừng Thế MạngChuyện Ma Gần Nhà. Hoàng Hà và Võ Điền Gia Huy mang trọng trách lớn của tuyến chính, có chút “vấp váp” đấy nhưng nhìn chung vẫn rất lôi cuốn, mới lạ so với hình ảnh trai xinh gái đẹp “nên thơ” trước đó của cả hai.

photo-1

photo-1

Ngoài ra, Lan Phương và NSƯT Chiều Xuân cũng có màn thể hiện xuất sắc với thời lượng không quá nhiều. Kẻ Ăn Hồn còn có 1-2 phút ngắn ngủi “giãn ra” với vài câu thoại hài hước, tất cả đến từ 1 nhân vật dí dỏm đầy bất ngờ, chắc chắn không thua gì Tam Quỷ của Tết Ở Làng Địa Ngục.

Chấm điểm: 3.5/5

Kẻ Ăn Hồn tiếp nối được tinh thần kinh dị đậm màu dân gian của Tết Ở Làng Địa Ngục, mang đến một phần tiền truyện tạm đáp ứng được sự mong mỏi của khán giả và fan. Tuy nhiên, phim cũng để lại nhiều thắc mắc bỏ ngỏ, những chi tiết “râu ria” dư thừa rơi rớt lại sau khi cao trào qua đi, cũng là những điểm chưa tốt mà chắc chắn bộ đôi Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn phải gom góp và học hỏi thêm trong những tác phẩm kế tiếp.

Kẻ Ăn Hồn: Phiên bản "song sinh" còn nguyên sự tàn bạo của Tết Ở Làng Địa Ngục- Ảnh 10.

Kẻ Ăn Hồn chính thức công chiếu vào ngày 15/12/2023.

Thành Vũ