Không ít người luôn nói bằng 3 giọng điệu này, ai mắc nên sửa đổi ngay

Giọng điệu khi nói ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của cuộc nói chuyện.

Giọng điệu nói thường quan trọng hơn nội dung được nói.

Bởi vì giọng nói có thể phản ánh cảm xúc của một người. Cùng một nội dung được nói với những giọng điệu khác nhau sẽ mang lại cho người khác những cảm giác hoàn toàn khác nhau.

Dưới đây là 3 kiểu giọng điệu mà những người có trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp luôn thích sử dụng khi nói, điều này sẽ khiến những người xung quanh khó chịu.

1. Giọng điệu ra lệnh

Một số người đặc biệt thích nói chuyện với người khác bằng giọng điệu ra lệnh mà không hề quan tâm đến cảm xúc bên trong của người khác.

Trên thực tế, ngay cả khi sếp dùng giọng điệu ra lệnh để yêu cầu chúng ta làm điều gì đó, nhiều khi chúng ta răm rắp gật đầu, nhưng trong thâm tâm có khi chúng ta vẫn thầm chống đối. Với những người bình thường không có quan hệ cấp trên - cấp dưới với chúng ta, chúng ta sẽ càng cảm thấy khó chịu hơn khi bị nói với giọng ra lệnh.

Tại sao ư? Lý do là bởi sâu bên trong, ai cũng mong muốn nhận được sự tôn trọng từ người khác. Loại giọng điệu ra lệnh này không nghi ngờ gì đã đi ngược lại mong muốn đó.

Ví dụ, một đồng nghiệp nói với bạn: Đóng cửa lại. Bạn sẽ cảm thấy đồng nghiệp không tôn trọng bạn. Một ví dụ khác, người yêu của bạn nói với bạn: Đi lau sàn đi. Bạn sẽ cảm thấy người yêu không tôn trọng bạn.

Khi người khác không tôn trọng chúng ta, phản ứng đầu tiên của chúng ta là phản kháng. Nếu bạn nói điều này, tôi sẽ nói điều kia; nếu bạn nói có, tôi sẽ nói không. Bạn làm những điều ngược lại để đối phó với sự thiếu tôn trọng của đối phương đối với bạn.

Nói chuyện với người khác bằng giọng điệu ra lệnh thoạt nhìn có vẻ bạn là người quyết đoán, mạnh mẽ nhưng hiệu quả mang lại thì không tốt lắm đâu. Vì vậy, hãy cố gắng giao tiếp với người khác bằng giọng điệu cầu thị, tôn trọng để đối phương dễ tiếp thu hơn. 

Không ít người luôn nói bằng 3 giọng điệu này, ai mắc nên sửa đổi ngay- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Giọng điệu phản bác theo thói quen

Thói quen bác bỏ là một trong những điều ngu ngốc nhất mà một người có thể làm. Một số người mở miệng ra là phủ nhận người khác, dù người khác nói gì họ cũng sẽ đưa ra quan điểm đối lập.

Ví dụ, bạn nói hút thuốc có hại cho sức khỏe, đối phương sẽ nói: "Ông A chỗ tôi ngày nào chẳng hút, giờ 90 tuổi vẫn khỏe cực kỳ".

Bạn nói thức khuya không tốt cho sức khỏe, đối phương sẽ nói: "Bạn tôi cú đêm trường kỳ đây, nhưng còn khỏe hơn mấy người ngủ sớm".

Thậm chí, ngay cả khi bạn nói 1+1=2, người kia cũng sẽ nói với bạn: "Một giọt nước cộng với một giọt nước vẫn là một giọt nước đấy thôi".

Trò chuyện với những người như vậy sẽ chỉ làm tăng sự bức bối trong bạn. Bởi dù bạn có nói hay làm gì thì người ta cũng sẽ có rất nhiều lý do để phản bác bạn. Đồng thời, người đó sẽ tự mãn với lời phản bác của mình và cảm thấy mình đặc biệt mạnh mẽ, nhưng anh ta không biết rằng những người khác đã ghét anh ta đến tận xương tủy.

Thói quen bác bỏ là biểu hiện của EQ thấp, người đó chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân và chỉ muốn thể hiện bản thân, vì muốn có được cảm giác vượt trội mà bỏ qua cảm xúc của người khác.

Không ít người luôn nói bằng 3 giọng điệu này, ai mắc nên sửa đổi ngay- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

3. Giọng điệu hỏi vặn

Giọng điệu hỏi vặn này thường kèm theo lời buộc tội và phàn nàn.

Ví dụ, nếu bạn gặp một vấn đề và nhờ một người bạn cho lời khuyên, người bạn đó sẽ nói: "Cậu không lên mạng tự tra được à?".

Bạn phát hiện ra điều gì đó mới mẻ và vội vàng kể cho người đó nghe, người đó sẽ nói: "Cậu nghĩ tôi không biết chắc?"

Một vài ví dụ khác là, "Tôi đã bảo cậu thế từ trước rồi đúng không?", "Sự thật đơn giản như thế mà cậu không hiểu à?", "Cậu không biết đường gọi điện à?", "Cậu không thể làm khác đi được à?"...

Bạn cảm thấy những lời này như thế nào? Bạn có cảm thấy không vui? Trên thực tế, nhiều khi, một câu hỏi tu từ không chỉ mang tính chất phản bác mà còn mang tính công kích cá nhân người nói.

Có một thông điệp đằng sau nó: Bạn không biết làm những việc như thế này sao? Thật ngu ngốc, thật buồn cười.

Khi đối phương nghe được những câu hỏi tu từ như vậy, họ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Vì vậy, nếu thường xuyên sử dụng câu hỏi tu từ thì bạn phải chú ý chuyển câu hỏi tu từ thành câu trần thuật trước khi diễn đạt. Bằng cách này, giọng điệu khi nói của bạn sẽ không còn quá gay gắt và người nghe sẽ bớt khó chịu khi nghe.

Thiên An