
Kỳ vọng lợi nhuận và rủi ro thua lỗ: chênh lệch lớn
Theo Báo cáo khảo sát thực trạng và nhu cầu quản lý tài sản của người Việt do Công ty Cổ Phần Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) thực hiện, có sự chênh lệch lớn giữa mức lợi nhuận kỳ vọng và tỉ lệ thua lỗ chấp nhận: 42% kỳ vọng lợi nhuận 15-30%, 41% kỳ vọng 7-15% trong khi tỉ lệ thua lỗ chấp nhận là 57% chấp nhận lỗ ít hơn 5%, và 37% chấp nhận 5-15%. Đây là một nghịch lý hành vi khá phổ biến trong tài chính cá nhân. Tâm lý sợ mất tiền thường chi phối mạnh hơn cảm xúc tích cực khi đạt được lợi nhuận. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy việc mất 1 đồng sau khi vừa kiếm được 1 đồng có thể mang lại cảm xúc tiêu cực hơn so với việc không lãi không lỗ ngay từ đầu.
Nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao nhưng thiếu chiến lược rõ ràng, dẫn đến tâm lý hoảng loạn và rút lui khi thị trường biến động – từ đó cản trở hiệu quả tích sản trong dài hạn.

Ông Trần Vinh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) cho biết thêm: "Ngoài yếu tố nhận thức, đầu tư cũng là một hành trình trải nghiệm để hiểu và phát triển bản thân, rèn luyện kỹ năng xử lý cảm xúc. Việc đặt ra khung kỳ vọng hợp lý, chuẩn bị tâm lý trước các tình huống thị trường và có kế hoạch hành động rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư không bị cuốn theo các quyết định bốc đồng. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi nhấn mạnh vai trò của tư vấn trung lập – để giúp khách hàng giữ vững định hướng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của thị trường".
Xu hướng đầu tư tương đồng với thị trường toàn cầu
Thực trạng nhà đầu tư Việt vẫn ưu tiên đầu tư vào 2–3 kênh truyền thống là một xu hướng tương đồng với nhiều thị trường toàn cầu. Báo cáo Global Wealth 2025 của UBS cho thấy, danh mục tài sản cá nhân trên thế giới vẫn nghiêng nhiều về bất động sản và tài sản tiêu dùng. Cùng thời điểm, thống kê mới nhất của BCG cũng ghi nhận tiền gửi tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản hộ gia đình.
Tuy nhiên, so với các thị trường tài chính đã phát triển, Việt Nam vẫn có sự khác biệt đáng kể về mức độ đa dạng hóa danh mục và tỷ trọng đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao như cổ phiếu.
Theo khảo sát của TVAM, nhà đầu tư Việt hiện phân bổ trung bình 31% vào bất động sản, 14% vào vàng, và chỉ 7% vào cổ phiếu. Trong khi đó, tại Singapore và Trung Quốc – hai thị trường châu Á có nền tảng tài chính phát triển hơn – tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư cá nhân lần lượt đạt 32% và 27%, còn bất động sản chỉ chiếm khoảng 15–20%. Như vậy, con số kỳ vọng cho tỷ trọng cổ phiếu ở các thị trường cận biên/mới nổi như Việt Nam có thể phải ở mức 15–20% – tức là gấp đôi so với hiện tại.
Sự chênh lệch này phản ánh phần nào mức độ phổ cập đầu tư còn hạn chế và niềm tin chưa thật sự vững chắc của nhà đầu tư Việt với thị trường vốn.
Ngần ngại với bên thứ 3, đâu là rào cản
Ông Quang chia sẻ, có ba rào cản chính đang hạn chế sự phát triển của dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam:
Thứ nhất, là thói quen tự đầu tư, vốn đã hình thành từ sớm và được duy trì qua nhiều thế hệ, khiến nhiều người vẫn quen tự quyết định các vấn đề tài chính cá nhân mà không có sự hỗ trợ từ chuyên gia.
Thứ hai, là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và giá trị của dịch vụ quản lý tài sản – không ít người vẫn cho rằng đây là dịch vụ chỉ dành cho nhóm khách hàng có tài sản lớn, trong khi thực tế, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu tích lũy và xây dựng chiến lược tài chính bài bản nếu được hướng dẫn đúng cách.
Thứ ba, là sự thiếu hụt của các đơn vị tư vấn chuyên biệt, thực sự đặt lợi ích khách hàng làm trọng tâm. Nhiều sản phẩm hiện nay vẫn được thiết kế theo định hướng thương mại, chưa đủ linh hoạt hoặc chưa cá nhân hóa theo từng mục tiêu tài chính cụ thể.
Điều đáng chú ý hơn, khảo sát ghi nhận chỉ 4% nhà đầu tư đã từng sử dụng dịch vụ quản lý tài sản, trong khi có tới 77% gặp khó khăn khi tự đầu tư, phản ánh nhu cầu tiềm ẩn rất lớn về quản lý tài sản nhưng chưa được đáp ứng đúng cách.
Nhìn một cách tích cực, với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là AI và các nền tảng số, dịch vụ quản lý tài sản cá nhân sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn. Tương tự như chăm sóc sức khỏe, tài chính cá nhân cũng cần được quản lý một cách chủ động, bài bản và phù hợp với từng giai đoạn cuộc sống. Khi dịch vụ đủ minh bạch, linh hoạt và cá nhân hóa, thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể chứng kiến sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Trong quản lý tài sản, thông tin chỉ là điều kiện cần – điều quan trọng hơn cả là kỷ luật và khả năng kiểm soát cảm xúc. Một nhà quản lý tài sản thành công không chỉ đưa ra các ý tưởng đầu tư hiệu quả, mà còn là người đồng hành và giúp khách hàng giữ vững định hướng khi thị trường bước vào những giai đoạn biến động nhất.