
"Mazda CX-5 là kiểu xe unisex, tức là vợ đi được, chồng đi được, người trẻ lái hợp, mà người trung tuổi dùng vẫn ổn", chuyên gia Đoàn Anh Dũng, cựu nhà báo ô tô - xe máy, đồng sáng lập một showroom ô tô tại Hà Nội, nhận định.
Nhận xét của chuyên gia phần nào lý giải vì sao Mazda CX-5 vẫn giữ vững phong độ giữa một thị trường mà phân khúc giá 1 tỷ đồng trở xuống đang cạnh tranh rất gay gắt. Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2025, với 1.416 xe bán ra, Mazda CX-5 vượt qua Ford Ranger (1.366 xe) và Mitsubishi Xpander (972 xe) để trở thành xe động cơ đốt trong bán chạy nhất.
Với thành tích bán hàng như vậy, mẫu xe này giành cú đúp doanh số khi dẫn đầu phân khúc SUV/crossover cỡ C trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, số lượng xe Mazda CX-5 gấp rưỡi so với Ford Territory (945 xe) và gấp gần 3 lần so với Hyundai Tucson (506 xe). Vị trí đầu bảng xếp hạng doanh số phân khúc của CX-5 qua các tháng hiếm khi nhường lại cho một cái tên khác.

Thiết kế hài hòa, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng
Mazda CX-5 không chạy theo xu hướng đổi mới liên tục về thiết kế như các đối thủ nhưng vẫn duy trì được vẻ ngoài hiện đại nhờ ngôn ngữ thiết kế KODO tối giản, cân đối và tinh tế. Theo đánh giá của chuyên gia Đoàn Anh Dũng, đây là một trong những mẫu xe hiếm hoi có thể phù hợp với cả khách hàng trẻ tuổi lẫn trung niên, nam giới và nữ giới, phục vụ tốt cho cả nhu cầu cá nhân lẫn gia đình.
Ngôn ngữ thiết kế KODO nhấn mạnh yếu tố cân bằng tỷ lệ và tạo hình khối sắc sảo trong từng chi tiết. Thiết kế này không phô trương nhưng trau chuốt, tinh tế và nhất quán. Trên CX-5, ngôn ngữ KODO thể hiện qua lưới tản nhiệt bản rộng tạo hình nổi khối, cụm đèn LED thanh mảnh cùng bộ mâm 19 inch thanh lịch. Ở bên trong, nội thất CX-5 cho cũng cho thấy sự chỉn chu ở từng chi tiết, với màn hình đặt nổi, các phím vật lý bố trí gọn gàng cho đến từng đường chỉ khâu trên lớp da Nappa cao cấp.

Đa dạng tính năng, tiện ích giữa các phiên bản, chuẩn nhu cầu nhiều nhóm người dùng
Ở thời điểm ra mắt vào cuối năm 2017, thế hệ thứ 2 của Mazda CX-5 đã được gán danh hiệu "vua công nghệ" trong phân khúc. Đến thời điểm này, mẫu SUV/crossover cỡ C của Mazda vẫn vượt trội về hàm lượng công nghệ so với đối thủ. Tiện nghi nội thất hiện đại với ghế chỉnh điện, có nhớ vị trí và tích hợp sưởi, HUD, kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây, âm thanh 10 loa Bose cao cấp hay điều hòa tự động 2 vùng… Kính 2 lớp chống ồn trên CX-5 vốn chỉ bắt gặp trên các dòng xe sang.

Đáng chú ý, từ thời điểm mà ADAS còn là trang bị công nghệ xa xỉ trên các dòng xe giá tầm dưới 1 tỷ đồng, CX-5 đã được Mazda đưa lên gói i-Activsense với nhiều tính năng hỗ trợ lái tiên tiến. Qua các bản nâng cấp, gói an toàn này trên CX-5 tiếp tục được hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, ở một thị trường mà các mẫu xe mới đang chạy đua về công nghệ thì điểm mạnh của CX-5 không còn nằm ở "lượng", mà đến từ "chất". Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, các phiên bản CX-5 được phân chia rõ ràng, tập trung vào các trang bị cần thiết nhất với từng nhu cầu nhất định chứ không dàn trải quá nhiều tính năng.
"Mazda thấu hiểu khách hàng cần gì ở từng phiên bản. Bản Deluxe mới nhất thay đổi không còn cửa sổ trời nhưng có giá dễ chịu hơn, bản Luxury có cốp đóng/mở điện và gói an toàn i-Activsense cơ bản, bản Premium giữ đầy đủ trang bị cao cấp và gói i-Activsense đầy đủ nhất. Cách làm này giúp khách hàng không phải chọn một bản quá thừa hoặc quá thiếu với nhu cầu thực tế," vị chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, chuyên gia Đoàn Anh Dũng còn nhấn mạnh vào khả năng vận hành của CX-5 phù hợp với nhiều điều kiện di chuyển và nhu cầu của đại đa số khách hàng. Theo vị chuyên gia này, động cơ Skyactiv-G giữ được sự êm ái, ít tiêu hao nhiên liệu và vận hành mượt ở dải tốc độ thấp vốn là điều kiện thường gặp tại đô thị Việt Nam. Theo trải nghiệm thực tế của chuyên gia, mức tiêu hao nhiên liệu của CX-5 chỉ từ 6-7 lít/100km đường trường, hỗn hợp khoảng 8-9 lít/100 km.
Giá bán cạnh tranh với ưu đãi hấp dẫn
Cũng theo vị chuyên gia, thành công trong tháng 4 của CX-5 đến một phần từ chính sách giá linh hoạt của Mazda. Giá chỉ từ 714 triệu đồng của CX-5 đã hấp dẫn hơn phần lớn đối thủ trong phân khúc. Trong khi đó, một số đại lý đưa ra thêm ưu đãi, khiến giá CX-5 thực tế chỉ còn 694 triệu đồng trong tháng vừa qua. Mức giá này đe dọa các nhóm xe phân khúc SUV/crossover cỡ B nhỏ hơn.
"Tầm giá gần 700 triệu đồng vốn chỉ dành cho SUV/crossover cỡ B. Khi CX-5 chạm ngưỡng đó, khách hàng có lý do để bỏ qua phân khúc B và bước lên phân khúc C rộng rãi, an toàn hơn. Theo tôi, đó là một trong những lý do tiên quyết khiến doanh số CX-5 tăng vọt ở tháng vừa rồi", chuyên gia Đoàn Anh Dũng nhận định.
Như vậy, giá bán hợp lý của CX-5 không chỉ tạo ra sức hút nhất thời mà còn làm thay đổi hành vi lựa chọn xe. Người tiêu dùng sẽ cân nhắc tới giá trị tổng thể họ nhận được ở một chiếc xe so với chi phí đầu tư ban đầu. Đặc biệt với nhóm khách hàng mua xe phục vụ gia đình, một chiếc xe có thiết kế hiện đại, bền dáng theo thời gian, trang bị tiện nghi đủ đầy, không gian nội thất rộng rãi và tiết kiệm nhiên liệu như CX-5 hoàn toàn thuyết phục trong tầm ngân sách từ khoảng 700 triệu đồng.