Bạn có thường xuyên nói với con những câu như: "Không được đánh bạn, không được giành đồ chơi, không được bày bừa, nhớ chưa nào?".
Nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Dù bạn đã nhắc nhở nhiều lần, trẻ vẫn vô tư vi phạm như thể chưa từng nghe thấy lời bạn nói. Lúc này, bạn bắt đầu tự đặt ra những câu hỏi: "Có phải mình chưa diễn đạt rõ ràng?", "Liệu con có hiểu không?", hay "Có cần phải nghiêm khắc hơn nữa không?".
Nhưng sự thật có thể khiến bạn bất ngờ, không phải vì con không hiểu, mà vì bạn đã "giải thích quá đà" khiến con càng thêm rối trí.
Dưới đây là 3 kiểu giải thích tưởng là hay, nhưng lại dễ khiến bé mất phương hướng.
1. Quá nhiều cảm xúc
Khi giải thích vì sao không được lấy đồ chơi của bạn, nhiều cha mẹ có xu hướng nói dài dòng, đưa ra các lập luận cảm xúc như: "Con không được lấy đồ chơi của bạn, như vậy là không lịch sự. Người ta sẽ buồn lắm đó. Nếu con bị lấy đồ, con có buồn không? Con cũng không thích ai làm vậy với mình đúng không?".
Thực tế, trẻ nhỏ chưa đủ khả năng để xử lý các lý lẽ cảm xúc phức tạp như "đồng cảm" hay "tôn trọng". Với trẻ, câu nói đơn giản "không được lấy đồ của bạn" là đủ. Những lập luận cảm xúc quá mức chỉ khiến trẻ bị choáng ngợp, thay vì hiểu được điều cốt lõi.

2. Quá nhiều thông tin
Một số cha mẹ khi dặn con không nên ăn kẹo thường giải thích chi tiết như: "Không được ăn nhiều đâu con, ăn nhiều sâu răng đấy. Sâu răng sẽ đau lắm, rồi phải đi nha sĩ, bị tiêm đó. Tiêm rất đau, rồi con không ăn được gì nữa đâu".
Trong mắt trẻ, những chuỗi nguyên nhân - kết quả phức tạp như vậy thật sự quá tải. Trẻ sẽ không nhớ nổi điều gì, ngoài cảm giác "mẹ (hoặc bố) đang nói rất nhiều và con chẳng hiểu gì".
Trẻ nhỏ cần những câu đơn giản, rõ ràng như: "Không ăn nhiều kẹo, răng sẽ bị sâu" là đủ.
3. Lặp lại quá nhiều lần
Nhiều cha mẹ thường xuyên lặp lại các lời nhắc như: "Đừng chạy nữa con", "Không được trèo lên đó", "Sẽ té đấy"...
Việc lặp lại quá nhiều khiến trẻ bị "nhiễu sóng", không còn tiếp nhận được thông tin. Trẻ sẽ bắt đầu "chống đối thụ động", kiểu như nghe nhưng không làm theo, thậm chí là phản kháng.
Trẻ cần lời nhắc ngắn gọn, đúng thời điểm, với thái độ rõ ràng, dứt khoát nhưng không áp lực.
Cha mẹ nên làm gì để dạy con tốt hơn?
Để giúp con hiểu và ghi nhớ quy tắc hiệu quả, cha mẹ có thể áp dụng ba nguyên tắc sau:
- Giải thích ngắn gọn, đơn giản và đúng trọng tâm
Thay vì đưa ra quá nhiều lý do, cha mẹ nên lựa chọn những câu ngắn, mang tính nguyên tắc rõ ràng như: "Không đánh bạn. Đánh là đau" hoặc "Không lấy đồ của người khác. Đó là đồ của bạn ấy". Trẻ nhỏ tiếp nhận thông tin tốt hơn khi câu nói đơn giản, lặp lại nhiều lần ở những thời điểm thích hợp.

- Kết hợp lời nói với hành động và biểu cảm
Trẻ không chỉ học bằng lời nói mà còn bằng quan sát. Khi cha mẹ sử dụng ngữ điệu nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, ánh mắt nghiêm túc nhưng không giận dữ, và hành vi phù hợp (như nhẹ nhàng dẫn con ra khỏi tình huống sai), trẻ sẽ học được cách điều chỉnh hành vi theo cách tích cực.
- Dạy theo từng bước, không dồn dập
Thay vì một lúc dạy nhiều quy tắc, cha mẹ nên chọn từng tình huống cụ thể để dạy một nguyên tắc duy nhất. Khi con thực hiện đúng, hãy khen ngợi và củng cố hành vi tốt. Khi con làm sai, nhắc lại quy tắc một cách kiên nhẫn và hướng dẫn lại hành vi đúng.
Ngoài ra, hãy dành thời gian trò chuyện và chơi cùng con, vì sự kết nối cảm xúc bền chặt sẽ giúp trẻ tin tưởng và sẵn lòng tiếp nhận hướng dẫn từ cha mẹ hơn là phản kháng.
Tóm lại, trẻ em không thể xử lý cùng lúc quá nhiều quy tắc, lý do và cảm xúc phức tạp. Khi cha mẹ giải thích quá dài dòng, quá nặng nề hoặc lặp lại quá nhiều, trẻ không những không hiểu mà còn dễ nản, dễ chống đối.