Năm ngoái tiêu Tết 30 triệu không đủ, thế nhưng năm nay cố lắm tôi chỉ có 20 triệu không hơn

Vì không thể có được 30 triệu cho tiền tiêu Tết năm nay nên tôi đã có kế hoạch cụ thể hơn năm ngoái.

* Câu chuyện chia sẻ bởi Khánh Chi, bà mẹ 2 con ở Hà Nội

Năm ngoái tiêu Tết 30 triệu không đủ, thế nhưng năm nay cố lắm tôi chỉ có 20 triệu không hơn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tết không chỉ là dịp để tiêu tiền mà còn là thời gian để sum vầy, chia sẻ yêu thương với gia đình và bạn bè, vì vậy việc cân đối tài chính tốt sẽ giúp tận hưởng kỳ nghỉ mà không phải lo lắng về vấn đề tài chính sau Tết.

Việc cân đối tài chính vào dịp Tết cực kỳ quan trọng, bởi lẽ dù có nhiều hay ít tiền, thì việc lập kế hoạch chi tiêu cẩn thận sẽ mang lại một cái Tết đầy đủ và ý nghĩa.

Hãy bắt đầu bằng cách ấn định ngân sách dựa trên khả năng tài chính hiện tại, sau đó ưu tiên chi tiêu cho những việc quan trọng như mua sắm nhu yếu phẩm, quà biếu, và lễ bái. Hạn chế những chi tiêu không cần thiết và luôn tìm kiếm cách mua sắm tiết kiệm, như mua hàng khuyến mãi hoặc chia sẻ chi phí với người thân trong các hoạt động chung.

Theo dòng sự kiện về các câu chuyện tiêu Tết, Khánh Chi - 1 mẹ bỉm có 2 con nhỏ, đang sống ở Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm xương máu của mình trong chuyện chi tiêu Tết. Cô khẳng định, việc lên được kế hoạch hợp lý để chi tiêu Tết quan trọng hơn việc gia đình bạn có bao nhiêu tiền để tiêu Tết.

Năm ngoái, sau khi nhận về các khoản tiền Tết, tổng "tài sản" Tết của gia đình cô lên đến con số khủng là 78 triệu. Vì thấy nhà mình không cần phải chi tiêu gì nhiều nên Chi đã trích ngay 48 triệu đồng để lập sổ tiết kiệm online. Cô nghĩ rằng chỉ cần 30 triệu là gia đình cô có thể tiêu Tết "nhòe" rồi.

Thời điểm Tết năm ngoái, Khánh Chi đang mang bầu bé thứ 2, tức là gia đình cô lúc ấy chỉ có 3 thành viên, 2 vợ chồng và 1 con nhỏ 7 tuổi. Vì đang có bầu những tháng cuối nên Khánh Chi cũng chẳng muốn bận tâm chuyện lên kế hoạch chi tiêu gì hết, cô cứ thấy gì cần thì mua, thấy gì cần thì tiêu.

Đến tận thời điểm hiện tại, Khánh Chi vẫn không hiểu rốt cuộc Tết năm ngoái cô đã tiêu cái gì mà có thể hết sạch 30 triệu ấy, thậm chí còn không đủ, phải trích từ quỹ dự phòng của gia đình để tiêu thêm.

Năm nay, gia đình có thêm thành viên, Khánh Chi không muốn lặp lại sai lầm của mình ở Tết năm ngoái nên cô đã làm 1 bảng kế hoạch dự trù chi phí tiêu Tết tỉ mỉ nhất có thể và đặt quyết tâm ngoài những gì đã ghi chép thì tuyệt đối không xuất tiền ra vào bất kỳ khoản nào nữa.

Sau khi ngoài cân đối tất cả các khoản, Khánh Chi khá bất ngờ khi số tiền cô cần cho việc tiêu Tết chỉ là 20 triệu.

Cô chia các khoản chi ra làm 3 bao gồm các khoản chi trước Tết, các khoản chi trong Tết và các khoản chi sau Tết. Các khoản này chưa bao gồm những chi phí cố định hàng tháng như tiền bỉm sữa, điện nước, chi phí sinh hoạt...

Năm ngoái tiêu Tết 30 triệu không đủ, thế nhưng năm nay cố lắm tôi chỉ có 20 triệu không hơn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Các khoản chi trước Tết (11 triệu đồng)

1. Thực phẩm: 5 triệu đồng

2. Quần áo cho cả nhà: 3 triệu đồng

3. Trang trí nhà cửa: 2 triệu đồng

4. Đồ cúng: 1 triệu đồng

Các khoản chi trong Tết (5 triệu đồng)

1. Lì xì: 3 triệu đồng

2. Du xuân: 1 triệu đồng

3. Phát sinh: 1 triệu đồng

Các khoản chi sau Tết (4 triệu đồng)

Khoản này sẽ được dùng để chi phí phát sinh của gia đình cho đến khi có kỳ lương tháng tiếp theo.

Khánh Chi cho biết, vợ chồng cô không cần phải lo Tết nội ngoại nên chi tiêu chỉ để phục vụ 4 thành viên gia đình nhỏ của mình. Cô cũng tin rằng với dự trù chi tiêu này, năm nay cô sẽ không đẩy mình vào cảnh chi tiêu bạt mạng để rồi thiếu trước hụt sau nữa.

Chi tiêu Tết bao nhiêu là đủ phụ thuộc vào khả năng tài chính của của mỗi người, mỗi gia đình và những kế hoạch đã đặt ra cho dịp này. Lập ngân sách cho Tết dựa trên thu nhập và khoản tiết kiệm định trước của gia đình, đồng thời chia nhỏ ngân sách đó ra cho các khoản mục như quà cáp, mua sắm đồ dùng, thực phẩm, và các hoạt động vui chơi giải trí. Cố gắng không chi tiêu quá mức ngân sách đã lên kế hoạch để tránh nợ nần và ảnh hưởng đến tài chính sau Tết.

Mạn Ngọc