Trong thực tế, cha mẹ có thể nhận thấy một số dấu hiệu trẻ không hiếu thảo từ khi chúng còn nhỏ. Điều cha mẹ cần làm là sớm nhận ra những dấu hiệu này để sớm kịp thời dạy dỗ con mình, tránh rơi vào tình trạng như cậu bé Lý Minh (Trung Quốc) trong trường hợp dưới đây.
Lý Minh (SN 2001) là con một nên được nuông chiều hết mực. Từ khi còn nhỏ, cậu hiếm khi phải đối mặt với việc ông bà hay cha mẹ từ chối yêu cầu của mình. Người lớn trong gia đình luôn tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu của cậu, bất kể thời gian hay địa điểm.
Một đêm, vào khoảng 11 giờ, Lý Minh bỗng thèm ăn kẹo hồ lô. Tuy nhiên, do đã muộn nên mọi người hứa sẽ mua cho cậu vào ngày hôm sau. Điều này khiến cậu nổi giận, làm ầm lên đòi ăn kẹo hồ lô ngay lập tức. Dù đã dỗ dành, khuyên bảo nhưng mọi người vẫn không thể lay chuyển được cậu, cuối cùng cha mẹ đành phải đi ra ngoài tìm mua kẹo hồ lô vào giữa đêm.
Vì quá muộn nên nhiều cửa hàng đã đóng cửa, cha mẹ cậu phải đi lòng vòng khắp thành phố mới tìm mua được kẹo hồ lô. Nhưng khi cha mẹ đưa kẹo hồ lô cho cậu thì cậu lại không muốn ăn nữa, điều này khiến họ bất lực ngao ngán nhìn nhau.
Lớn lên Lý Minh trở thành một chàng trai cao 1m8, sáng sủa và vẫn quen với sự chiều chuộng của gia đình. Tính cách của cậu rất ngang ngược. Từ nhỏ, cậu đã quen với việc mọi người phải nghe theo ý mình, mỗi khi gặp phải điều không vừa ý, cậu thường nổi giận. Dù cha mẹ có nhắc nhở nhưng cậu vẫn luôn cố tình làm trái lại.
Ví dụ như có lần Lý Minh thức khuya xem ti vi, cha mẹ muốn bảo vệ sức khỏe của con nên bảo cậu tắt ti vi đi ngủ. Nhưng cậu đang xem phim rất vui nên cố tình vặn to tiếng, làm cả nhà không ai ngủ được.
Hơn nữa, cậu còn rất ích kỷ và lạnh lùng với gia đình.
Ví dụ như mẹ làm việc về nhà rất mệt, nhờ cậu lấy giúp đôi dép, cậu lại chỉ chăm chú xem ti vi, chẳng thèm quay đầu lại mà nói: "Mẹ tự lấy đi!".
Bà nội từ quê lên thăm, mang theo rất nhiều rau củ do chính tay bà trồng. Cậu lại tỏ vẻ khinh thường: "Rau này bẩn thế làm sao cháu ăn được". Nghe vậy, bà nội rất buồn. Không những không trân trọng tấm lòng của người lớn tuổi mà còn nói những lời lẽ hỗn láo, dấu hiệu điển hình cho sự bất hiếu.
Ngoài ra, Lý Minh từ nhỏ đã có tính chiếm hữu rất mạnh.
Trong một lần người thân đến thăm, mẹ đã nhờ Lý Minh chơi cùng với một bạn nhỏ. Tuy nhiên, khi bạn nhỏ muốn chơi đồ chơi của cậu, cậu lại không đồng ý cho bạn động vào. Trong trò chơi đóng vai, Lý Minh khăng khăng muốn đóng vai hoàng tử, trong khi bạn nhỏ phải làm người hầu. Cậu thậm chí còn bắt chước những hoàng tử trong phim, thỉnh thoảng đánh đập "người hầu". Tiếng khóc của bạn nhỏ thu hút sự chú ý của người lớn, nhưng cậu vẫn không hề sợ hãi.
Đôi khi, cha mẹ cậu cũng nhận thấy con mình có vẻ được nuông chiều quá mức, cần phải dạy dỗ nghiêm khắc hơn, nhưng luôn bị ông bà ngăn lại: "Con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, lớn lên rồi sẽ hiểu. Trẻ con chỉ có vài năm vô tư, muốn gì thì cho nó thôi".
Lý Minh khi trưởng thành vẫn giữ tính cách ngang ngược, thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời thơ ấu. Đến lúc này, cha mẹ cậu mới nhận ra sai lầm và muốn thay đổi tính cách của con trai, nhưng đã quá muộn. Hiện tại, Lý Minh chưa bao giờ giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Sau mỗi bữa ăn, cậu thường để nguyên bát đĩa trên bàn, khi ăn vặt thì tiện tay ném hết xuống đất.
Hiện nay, không ít đứa trẻ như trường hợp của Lý Minh, khi còn nhỏ thường được nuông chiều như "ông hoàng, bà chúa". Tuy nhiên, khi lớn lên, nhiều trẻ không biết hiếu thảo với cha mẹ. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy khó chấp nhận, khi nghĩ đến những năm tháng vất vả nuôi nấng con cái.
Những dấu hiệu không hiếu thảo ở con cái cha mẹ cần cảnh giác
Để ngăn chặn tình trạng này, cha mẹ cần phải kịp thời uốn nắn những biểu hiện bất hiếu của trẻ. Đặc biệt, có 3 dấu hiệu mà phụ huynh cần đặc biệt chú ý:
1. Không quan tâm đến cha mẹ
Nhiều bậc phụ huynh đã bày tỏ lo ngại về việc con cái tiêu xài hoang phí số tiền mà họ đã dành dụm cả đời. Những trò chơi trực tuyến đã trở thành "cơn sốt" trong giới trẻ, khiến cho không ít trẻ em tiêu tốn số tiền lớn chỉ trong chốc lát.
Điều này đặt ra câu hỏi: "Nếu từ nhỏ trẻ không biết yêu thương và quan tâm đến cha mẹ, thì liệu khi lớn lên, chúng có thể trở thành những người hiếu thảo không?".
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay thường hy sinh bản thân để giáo dục con cái, nhưng lại tạo ra cảm giác tội lỗi cho chính mình. Họ luôn cảm thấy chưa đủ, chưa tốt trong việc chăm sóc con và nỗ lực hết mình để dành mọi thứ cho con.
Tuy nhiên, sự hy sinh vô điều kiện này đôi khi dẫn đến sự lạnh nhạt từ phía con cái. Khi nhận thấy con cái tỏ ra thờ ơ với những khó khăn mà cha mẹ phải đối mặt, các bậc phụ huynh cần chú ý và xem xét lại cách nuôi dạy con của mình.
2. Không muốn chia sẻ
Một số trẻ em có xu hướng giữ chặt mọi thứ, kể cả những người thân thiết cũng không muốn chia sẻ. Đối với trẻ nhỏ, người lớn có thể thông cảm rằng sự phát triển tâm lý của chúng còn hạn chế, chưa hình thành ý thức chia sẻ. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lớn dần mà vẫn giữ thái độ ích kỷ và không muốn chia sẻ, người lớn không thể tiếp tục biện minh bằng lý do "chúng vẫn là trẻ con".
Nếu trẻ từ nhỏ đã có biểu hiện ích kỷ, khi lớn lên, chúng sẽ khó có khả năng hiếu thảo với cha mẹ. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải thẳng thắn đối diện với vấn đề này, thay vì né tránh hay tìm kiếm lý do cho hành vi của con.
Việc áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực, như hướng dẫn và đóng vai, sẽ giúp trẻ dần hình thành ý thức chia sẻ và lòng biết ơn.
3. Không biết tuân thủ quy định
Trong một gia đình thiếu quy tắc, trẻ em có thể dễ dàng lạc lối. Nhiều bậc phụ huynh thường nuông chiều con cái, không dám đặt ra bất kỳ quy định nào, để trẻ tự do làm những gì mình muốn mà không nhận thức được ranh giới giữa hành động và nhân cách.
Tuy nhiên, chính tình yêu thương vô bờ của cha mẹ lại tạo điều kiện cho con cái dám thử thách giới hạn của cha mẹ, từ những sai lầm nhỏ cho đến những lỗi lầm nghiêm trọng hơn.
Sự bao dung quá mức của cha mẹ có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho con cái, khiến chúng dần rơi vào tình trạng thiếu trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, việc mong đợi con cái hiếu thảo là điều khó khả thi.
Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần thiết lập những quy tắc hợp lý và hướng dẫn con cái học cách tự giác, tôn trọng người khác. Điều này không chỉ giúp hình thành nhân cách lành mạnh mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ.