Không phải lúc nào muốn tiết kiệm điện cũng phải can thiệp vào thiết bị hay tìm mua đồ công nghệ mới. Có những mẹo cực kỳ đơn giản, tận dụng chính thói quen sinh hoạt hằng ngày mà vẫn giúp giảm kha khá tiền điện mỗi tháng.
Một ví dụ điển hình đó là thói quen phủ thêm một lớp khăn lên nắp nồi cơm điện khi nấu. Nghe thì tưởng là thừa thãi, nhưng đây là mẹo được nhiều nội trợ áp dụng để giữ nhiệt tốt hơn, giúp cơm chín nhanh hơn và nồi hoạt động hiệu quả hơn. Vừa tiết kiệm điện, vừa giúp cơm ngon hơn mà lại chẳng tốn thêm công sức hay chi phí!

Vì sao phủ khăn lên nồi cơm điện lại giúp tiết kiệm điện?
Nồi cơm điện hoạt động bằng cách đun nóng lòng nồi để nước bốc hơi, làm chín cơm. Khi quá trình nấu diễn ra, một phần nhiệt lượng sẽ bị thất thoát qua nắp nồi, đặc biệt là khu vực lỗ thoát hơi và các khe hở quanh nắp.
Khi phủ thêm một lớp khăn lên nắp, khăn đóng vai trò như lớp giữ nhiệt phụ: Giảm lượng nhiệt tỏa ra bên ngoài, giữ nhiệt bên trong ổn định hơn. Giúp nước bốc hơi đều hơn, cơm chín nhanh và ngon hơn. Nhờ vậy, nồi cơm điện có thể hoàn tất quá trình nấu trong thời gian ngắn hơn, đồng nghĩa với việc tiết kiệm điện.

Mức tiết kiệm cụ thể còn tùy vào dung tích nồi, lượng gạo nấu, nhưng với nồi khoảng 1-1.8 lít, theo khảo sát của một số blogger chuyên về mẹo nhà cửa, có thể rút ngắn được 5-10% thời gian nấu, đồng nghĩa với việc giảm lượng điện tiêu thụ mỗi ngày.
Ngoài tiết kiệm điện, thao tác phủ khăn này còn góp phần giúp cơm chín đều và giữ ấm lâu, hạn chế tình trạng trên khô dưới nhão. Một số nồi cơm điện giá rẻ thường bị ướt nước xung quanh miệng nồi khi nấu, việc phủ khăn còn có thể thấm bớt hơi nước dư, giữ khu vực bếp gọn gàng hơn.
Cách phủ khăn lên nồi cơm điện đúng cách
Quan trọng nhất của việc phủ khăn lên nồi cơm đó là đảm bảo khăn không che kín lỗ thoát hơi trên nắp nồi, nhằm tránh nguy cơ tăng áp suất hoặc trào nước ra ngoài.
Các bước thực hiện:
- Chuẩn bị sẵn một chiếc khăn mỏng, chất liệu cotton hoặc vải thô dễ thấm nước và chịu nhiệt nhẹ. Tránh khăn quá dày vì dễ giữ lại hơi nước quá nhiều.
- Sau khi cho gạo và nước vào nồi, đậy nắp nồi như bình thường. Phủ khăn nhẹ nhàng lên toàn bộ phần nắp và viền nồi, chừa trống khu vực lỗ thoát hơi. Không để khăn rơi xuống tiếp xúc với phần thân máy nồi cơm điện.
- Bấm nút nấu và chờ cơm chín như thông thường. Khi nồi chuyển sang chế độ giữ ấm, gỡ khăn ra để hơi nước thoát bớt, tránh cơm bị nhão.

Một số lưu ý khi phủ khăn lên nắp nồi cơm điện
- Không dùng khăn có chất liệu tổng hợp dễ nóng chảy như polyester 100%. Chỉ dùng khăn vải tự nhiên.
- Không che kín lỗ thoát hơi nước. Việc này vừa ảnh hưởng đến quá trình nấu, vừa có nguy cơ gây hư hại cho nồi cơm điện do áp suất tăng cao.
- Để khăn cách xa ổ cắm điện và phần dây điện nhằm tránh nguy cơ cháy nổ hoặc chập điện khi khăn bị ướt.
- Không phủ khăn khi nồi đang ở chế độ hâm nóng kéo dài: Lúc này không còn cần giữ nhiệt thêm nữa, nếu để khăn lâu dễ gây ẩm mốc cho nồi.
Có nên áp dụng với mọi loại nồi cơm điện?
Với nồi cơm điện cơ bản (nắp liền, không có chức năng hút chân không hay áp suất): Có thể áp dụng bình thường. Với nồi cơm điện cao tần, nồi áp suất điện tử đời mới: Không cần và không nên áp dụng, vì các loại nồi này đã có lớp cách nhiệt và giữ áp riêng biệt.
Tổng hợp