Những ngày gần đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, câu chuyện "đề thi khó" lại trở thành tâm điểm bàn luận trên nhiều diễn đàn. Nhiều phụ huynh cho rằng đề quá khó, thiếu công bằng với học sinh. Một giáo viên chuyên luyện thi và thường xuyên theo dõi các kỳ thi tuyển sinh, lại có quan điểm khác.
Người này cho rằng, một kỳ thi được coi là công bằng khi tất cả thí sinh đều làm chung một đề thi, không phân biệt vùng miền, điều kiện hay hoàn cảnh. Năm nay, toàn bộ học sinh sinh năm 2007 đều thi cùng một đề, vậy đề khó là khó chung, không ai bị thiên vị. Không thể nói đề khó là không công bằng. Điều cần đặt câu hỏi là: sự cố gắng mà phụ huynh và học sinh nói đến, liệu đã thực sự đủ để cạnh tranh trong một kỳ thi tuyển chọn hay chưa?
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng con mình đã học rất chăm chỉ, rất nỗ lực nhưng vẫn không làm được bài. Vậy có thể đặt lại vấn đề: Học chăm theo kiểu nào? Có tư duy học tập đúng chưa? Có học đủ sâu, đủ vững để vận dụng vào tình huống mới, hay chỉ học thuộc lòng, học mẹo, luyện đề, học làng nhàng?
"Học sinh giỏi không sợ đề khó, chỉ sợ đề quá dễ mà thôi". Một kỳ thi không chỉ đánh giá kiến thức mà còn để phân loại tức là bắt buộc phải có sự khác biệt giữa người giỏi thật và người học trung bình. Nếu đề quá dễ, liệu có công bằng với những học sinh đã học ngày học đêm, nỗ lực gấp đôi, gấp ba để chạm tới mục tiêu đại học top đầu?
Rất nhiều người phản đối đề khó vì sợ điểm thấp, con không đủ điểm đậu đại học. Nhưng cần nhấn mạnh: các trường đại học không tuyển theo mức điểm tuyệt đối, mà tuyển theo chỉ tiêu lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu đề khó, điểm chuẩn sẽ điều chỉnh tương ứng. Không ai bị loại vì đề khó, mà chỉ bị loại nếu điểm thấp hơn người khác.
"Nhiều phụ huynh muốn con vào Y Dược, Bách khoa, các trường top... nhưng lại mong con chỉ cần "cố gắng bình thường", học làng nhàng là đủ. Vậy có quá vô lý với những học sinh đã cố gắng gấp ba lần bình thường không?".

Ảnh minh hoạ
Phổ điểm cho thấy sự phân hoá rõ ràng, hợp lý
Nhiều người đồng tình với thầy giáo này khi theo dõi phổ điểm kỳ thi năm nay. Môn tiếng Anh, môn từng bị nhiều thí sinh và phụ huynh phản ánh là "khó quá mức" lại có phổ điểm đẹp nhất trong tất cả các môn.
Không còn hiện tượng "hai đỉnh" hay "phổ hình yên ngựa", mà điểm phân bố đều, trung bình là 5,38, cho thấy sự phân hóa rõ ràng, hợp lý. Một trong những điểm đáng chú ý nhất đó là phổ điểm có dạng dốc thoải ở phía điểm cao (từ 7 điểm trở lên) cho thấy một thực trạng rõ ràng: để đạt điểm cao, thí sinh cần có năng lực ngôn ngữ thực sự, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu.
Điều này cho thấy, đề thi đã đạt được mục tiêu phân loại và phù hợp với mục tiêu tuyển sinh.
Từ phổ điểm đó, có thể thấy rõ một tín hiệu tích cực: Giáo dục đang có bước chuyển dịch rõ rệt từ học thuộc sang học để hiểu, để vận dụng. Điều này cũng đồng nghĩa, các trường cần thay đổi cách dạy. Phụ huynh cũng cần thay đổi tư duy: không còn là thời "học gì thi nấy" nữa, mà là thời học để sử dụng, để hiểu sâu và phản ứng được với tình huống thực tế.
"Tôi từng nghe một phụ huynh lớp 6 nói rằng, mỗi lần bảo con học bài thì con trả lời: "Mẹ bảo học bài nhưng đề có ra trong sách đâu mà học?". Nghe thì tưởng phản kháng, nhưng suy cho cùng, đó lại là một nhận thức đúng, cho thấy sự cần thiết phải có một cuộc cách mạng trong phương pháp giảng dạy và học tập tiếng Anh. Giáo dục hiện đại không còn nằm trong cuốn sách giáo khoa mà trải rộng trên nhiều nền tảng đòi hỏi học sinh phải chủ động hơn, học cách học thay vì chỉ tiếp nhận thụ động", thầy giáo này nói.
Vậy nhưng cũng phải nói thêm rằng, đề thi khó không có nghĩa là học sinh phải khổ cực. Vấn đề là phải học đúng cách. Thay vì học ngày học đêm theo kiểu nhồi nhét, hãy dạy con cách tư duy, cách tìm hiểu, cách phân tích và vận dụng. Điều đó mới giúp các em trụ vững trong những kỳ thi phân loại ngày càng sát thực tế hơn.
Một thực tế thú vị là, năm nay đề Hóa, Sinh vốn được đánh giá là khó lại không bị phản ứng mạnh như đề tiếng Anh. Có lẽ vì ít học sinh chọn hơn, kỳ vọng thấp hơn nên ít tiếng nói hơn. Nhưng điều đó cho thấy một điểm quan trọng: càng là môn phổ biến, càng có nhiều kỳ vọng thì phản ứng sẽ càng lớn. Điều đó không đồng nghĩa với việc đề sai, mà chỉ cho thấy khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế vẫn còn.
"Tôi tin rằng, nếu giáo dục tiếp tục đi theo lộ trình này, chú trọng phân hóa, hạn chế học tủ, hướng đến vận dụng thì không chỉ giúp học sinh học thật, giỏi thật, mà còn giúp các trường đại học tuyển được đúng người. Thay vì oán trách đề thi, chúng ta nên nhìn lại cách học, cách dạy, và cách đồng hành cùng con. Và nếu con mình chưa đạt được kỳ vọng, đó không phải là thất bại mà là lời nhắc: phải thay đổi tư duy để tiếp tục tiến về phía trước", người này nói.